Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc đông y cho trẻ em
Sức khỏe 21/02/2020 09:18
Bởi vậy, khi con trẻ bị bệnh khá nhiều thầy thuốc và các bậc cha mẹ có tâm lí ngại dùng đông dược hoặc nếu có dùng thì cũng gặp không ít khó khăn. Để khắc phục tình trạng này và góp phần nâng cao hiệu quả điều trị của đông dược đối với các bệnh lí ở trẻ em, thiết nghĩ khi dùng thuốc đông y cho trẻ cần lưu ý một số điểm sau đây:
Đối với thầy thuốc đông y
Khi kê đơn đông dược cho trẻ, trước hết phải nắm chắc đặc điểm sinh lí và bệnh lí của lứa tuổi này: Tạng phủ còn non nớt, hình khí chưa đầy đủ, bệnh tính hàn nhiệt, hư thực thường biến hoá nhanh chóng, bệnh nhẹ dễ chuyển sang nặng, thậm chí có thể tử vong, nhưng đồng thời bệnh cũng dễ hồi phục nếu như được chẩn trị chính xác và nhanh chóng. Mặt khác, do cơ thể của trẻ khí huyết còn non yếu (trĩ âm trĩ dương) nên việc dùng thuốc phải đúng chỉ định, liều lượng phải chính xác, những thuốc quá hàn, quá nhiệt, quá cay, quá nóng, có độc và có sức công phá mạnh khi dùng phải hết sức thận trọng.
Thứ đến, là phải tinh thông và kết hợp hết sức linh hoạt giữa tân dược và đông dược đối với từng mặt bệnh, từng giai đoạn của mỗi căn bệnh và đối với đặc điểm riêng của cơ thể mỗi đứa trẻ. Phải thực sự cầu thị, không nên mạo hiểm và bảo thủ chỉ dùng đông dược cho trẻ trong khi nếu sử dụng tân dược thì hiệu quả sẽ cao và nhanh chóng hơn.
Nên bào chế và lựa chọn các dạng thuốc phù hợp với tính chất bệnh lí, đặc điểm cơ thể và sở thích của trẻ, trọng dụng các dạng thuốc dễ uống, có mùi thơm, vị ngọt dễ được trẻ chấp nhận. Trên thực tế, thuốc thang (thuốc sắc), cao lỏng và thuốc tán vẫn là những dạng thuốc hay được dùng hơn cả. Khi kê thuốc thang cũng nên chú ý lựa chọn các vị thuốc có mùi vị mềm mại và dễ uống.
Về liều lượng, cũng như đối với tân dược, cách tính cụ thể phải căn cứ vào nhiều yếu tố nhưng chủ yếu vẫn dựa theo tuổi. Thông thường, nếu liều lượng dùng cho người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) là 1 phần thì liều dùng cho trẻ sẽ là: sơ sinh dưới 1 tháng tuổi: 1/18 - 1/14, từ 2 - 6 tháng: 1/14 - 1/7, từ 6 - 12 tháng : 1/7 - 1/5, từ 1 - 2 tuổi: 1/5 - 1/4, từ 2 - 4 tuổi: 1/4 - 1/3, từ 4 - 6 tuổi: 1/3 - 2/5, từ 6 - 9 tuổi: 2/5 - 1/2, từ 9 - 14 tuổi: 1/2 - 2/3, từ 14 - 18 tuổi: 2/3 - 1 phần. Riêng đối với thuốc sắc liều lượng uống hằng ngày có thể tính như sau: từ 1 - 3 tháng tuổi: 15 - 20 ml, từ 4 - 6 tháng: 20 - 30 ml, từ 7 - 12 tháng: 30 - 40 ml, từ 1 - 3 tuổi: 60 - 100 ml, từ 4 - 7 tuổi: 100 - 120 ml, từ 8 - 10 tuổi: 120 - 150 ml, từ 11 - 14 tuổi: 150 - 180 ml, từ 14 - 18 tuổi: 180 - 300 ml.
Cuối cùng, phải chú ý hướng dẫn thật tỉ mỉ cho các bậc cha mẹ những điều cần thiết khi sử dụng đông dược cho trẻ, hết sức tránh tâm lí chủ quan cho rằng thuốc đông y “lành”, ít độc hại nên sử dụng một cách bừa bãi, cẩu thả và sao nhãng việc theo dõi các phản ứng phụ có thể xảy ra.
Đối với các bậc cha mẹ
Trước hết, phải tuân thủ triệt để những chỉ dẫn của thầy thuốc, tuyệt đối không tự tiện dùng thuốc cho trẻ, đặc biệt là đối với các bệnh lí cấp tính. Các bài thuốc dân gian có độ an toàn cao có thể tự dùng nhưng do đặc điểm cơ thể trẻ còn non yếu, bệnh tình chuyển biến nhanh nên việc tham khảo ý kiến của thầy thuốc đông y bao giờ cũng hết sức hữu ích.
Một vấn đề có vẻ nhỏ mọn nhưng nhiều khi lại khiến cho các bậc cha mẹ hết sức vất vả là làm thế nào để trẻ chịu uống thuốc và uống không bị sặc, bị nôn trớ, nhất là những loại thuốc sắc có mùi vị khó chịu. Kinh nghiệm cho thấy, khi cho trẻ uống thuốc nên giữ thái độ thản nhiên, không quan trọng hoá, không năn nỉ, không dọa nạt, không bảo là thuốc cũng chẳng nói là kẹo, bình tĩnh cho trẻ uống như cho ăn miếng bánh hay uống nước hoa quả vậy.
Trẻ dưới 2 tuổi nên dùng thìa cho uống từng ít một hoặc có thể cho thuốc vào bình rồi cho uống như bú sữa, xen kẽ nên cho trẻ một chút nước ngọt dể tạo sự thích thú. Với trẻ không chịu uống thuốc nên ôm trẻ vào lòng, giữ tay chân, để đầu hơi ngửa về phía sau và ngiêng một chút, lấy tay bóp chặt hai má rồi dùng thìa nhỏ đổ thuốc vào gốc lưỡi, đợi thuốc trôi xuống họng mới rút thìa ra. Không nên bịt mũi trẻ để phòng sặc thuốc vào khí quản. Nếu trẻ gào khóc dữ dội nên tạm ngừng cho uống. Cũng không nên cho trẻ bú no trước khi uống thuốc.
Với trẻ trên 3 tuổi nên cố gắng thuyết phục, động viên, khích lệ để trẻ tự uống thuốc. Có thể pha thêm một chút đường trắng, đường phèn hoặc mật ong nếu thuốc quá đắng cho dễ uống. Tuyệt đối không dùng nước trà hoặc sữa để pha hoặc uống cùng vì chất tanin có trong trà và protein trong sữa có thể phản ứng làm giảm hiệu quả của thuốc. Ngoài ra, cần kiêng kị triệt để những đồ ăn thức uống mà thầy thuốc đã chỉ dẫn.
Nhìn chung, nên cho trẻ uống thuốc mỗi ngày 2 - 3 lần, tuỳ theo hướng dẫn cụ thể mà cho uống trước hoặc sau bữa ăn. Trẻ nhỏ tuổi có thể chia làm nhiều lần hơn nhưng tối đa không quá 6 lần và tối thiểu không quá 2 lần.