Những đêm giao thừa đáng nhớ
Đời sống 18/01/2020 08:42
Cách đây gần 20 năm, vào cữ giáp Tết, trời rét ghê gớm. Ông Vũ Đà, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, đi kiểm tra tình hình Tết của bà con dân tộc các huyện miền Đông. Vừa về đến cơ quan, ông sang gặp ông Ngô Viết Huy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).
Vừa gạt nước mắt, ông vừa kể, bà con ở vùng cao huyện Tiên Yên đói rét lắm. Nhiều gia đình không còn một hạt gạo, phải đào sắn non để ăn. Cụ già, trẻ em không có áo ấm. Gia đình có ba, bốn đứa con, đứa có áo thì không có quần, có quần thì không có áo. Không nhà nào có chăn bông. Thương các cụ và trẻ em, ông và cán bộ đi cùng vét nhẵn ví nhưng cũng được vài gia đình. Trẻ em được cho tiền thì ngơ ngác, còn các cụ già thì nước mắt đầm đìa, cảm ơn Đảng và Chính phủ…
Ông Vũ Đà đề nghị với ông Huy: "Anh xem bên ngành mình có nguồn quỹ nào chưa sử dụng đến thì trích ra trợ cấp ngay cho một số xã của mấy huyện vùng cao. Tôi dự kiến, mỗi khẩu 10.000 đồng, mỗi hộ 5kg gạo tẻ, một chiếc chăn chiên, một chiếc màn đôi, 2 bộ quần áo trẻ em, một chiếc áo bông cho cụ già. Bình quân mỗi hộ khoảng 100.000 đồng. Tôi xin lấy chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh chịu trách nhiệm. Sau Tết sẽ bàn cụ thể. Anh động viên anh em cố gắng đưa quà đến tay bà con trước giao thừa".
Ông Vũ Đà về, ông Huy gọi tôi là cán bộ phòng Tổng hợp; bà Hoàng Thị Kỷ, Trưởng phòng Bảo hiểm Xã hội và ông Nguyễn Xuân Dung, Phó phòng Tài vụ lên giao nhiệm vụ. Sáng 30 Tết chúng tôi mới lo được hàng. Ra đến Tiên Yên, các phòng, ban của huyện tuy vẫn làm việc, nhưng không khí Tết đã tấp nập lắm. Chúng tôi khẩn trương chia nhóm đưa quà xuống các xã. Nhóm của chúng tôi đi xã Hà Lâu, xa nhất và có nhiều hộ đói.
Phát xong quà về đến huyện thì đã 20 giờ. Ông Nguyễn Đức Tuy, Chủ tịch huyện điều cho chúng tôi một chiếc xe con màu đen, chẳng biết là xe gì. Ngày ấy cấp huỵện có xe con là sang lắm. Hi vọng chúng tôi về đến Hòn Gai kịp đón giao thừa. Không ngờ xe qua cầu Ba Chẽ một đoạn thì chết máy. Đêm tối mịt mùng, trời rét, chẳng còn hàng quán, ba chúng tôi vừa đói, vừa rét, mệt rã rời vì cả ngày chỉ mải đi, không kịp ăn gì.
Chúng tôi tìm củi đốt một đống lửa to ven đường, hi vọng có xe đi qua thì nhờ kéo về Cửa Ông. Hi vọng vậy thôi, chứ thời khắc ấy làm gì có xe nào. Rồi pháo nổ dậy ở phía Cửa Ông, chúng tôi đón một đêm giao thừa như thế ở nơi núi rừng heo hút. Nhiều năm sau, cứ sắp đến Tết chúng tôi lại nhắc lại cái đêm giao thừa đáng nhớ ấy.
Đón Giao thừa với đối tượng cai nghiện ma túy
Trung tâm cai nghiện ma túy đầu tiên của Quảng Ninh được cải tạo lại từ khu nhà của Công ty chế biến thực phẩm, Sở Thương mại cũ ở Năm Cống, phường Yết Kiêu, thị xã Hòn Gai.
Gần Tết, theo chỉ đạo của tỉnh, những đối tượng nghiện mức độ nhẹ, qua thời kì cắt cơn, nếu gia đình bảo lãnh thì giải quyết cho về nhà, sau Tết tiếp tục đến cai. Trung tâm chỉ còn 8 đối tượng nghiện nặng, trong đó có Phạm Văn Bé, thương binh hạng 1/4, cụt 2 chân, đối tượng đặc cách do phòng LĐ-TB&XH thị xã gửi.
Sau bữa cơm tất niên, 3 cán bộ Trung tâm chuẩn bị bánh kẹo, hoa quả, rượu, bia, chè thuốc lá, đĩa nhạc... để đón giao thừa. Theo thông báo, có thể ông Hà Văn Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ đến chúc Tết. Chúng tôi rất lo, bởi nhỡ khi Chủ tịch tỉnh đến mà không còn đối tượng nào thì nguy, nên cắt đặt nhau theo dõi các phòng rất kĩ. Riêng phòng của Phạm Văn Bé thì không để ý nhiều, vì nghĩ mấy hôm trước Bé được Phòng LĐ-TB&XH Uông Bí và vợ con xuống động viên nên khá phấn khởi. Hơn nữa, Bé từng là Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Anh bị nghiện là do lạm dụng thuốc của các trạm cấp cứu tiền phương chứ không phải do đua đòi. 21 giờ, bác sĩ Dần đi phát thuốc thì phát hiện Bé đã biến mất. Chúng tôi lo Chủ tịch tỉnh ra thăm không có Bé thì ít, mà lo Bé, với đôi chân cụt đến háng, trong đêm tối lỡ có chuyện gì xảy ra thì nhiều.
Tôi phân công, bác sĩ Dần ở nhà trực, có gì bất trắc thì gọi điện nhờ Công an phường Yết Kiêu hỗ trợ, còn tôi và anh Thủy phi xe máy về nhà Bé ở Cầu Sến, Uông Bí. Đúng như dự đoán, vì nhớ con nhỏ nên Bé trốn về. Thấy chúng tôi vất vả, giao thừa sắp đến lại phải lặn lội về tận nhà tìm, Bé hối hận, xin được thắp hương cho các cụ rồi cùng chúng tôi trở lại Trung tâm.
Về đến nơi, anh Thủy cõng Bé vào phòng, chưa kịp cởi áo ngoài thì có tiếng còi ô-tô ở cổng. Tới chúc Tết Trung tâm không chỉ ông Chủ tịch UBND tỉnh mà là một đoàn gồm ông Ngô Viết Huy, Giám đốc; bà Nghiêm Thị Giao, Phó Giám đốc; một số Trưởng, Phó phòng Sở LĐ-TB&XH; bà Lê Thị Ngọt, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh; ông Trịnh Đình Ái, Phó Giám đốc Công an tỉnh; ông Trương Công Ngàn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cùng lãnh đạo UBND thị xã Hòn Gai, UBND phường Yết Kiêu… Đói, mệt và rét, nhưng chúng tôi cùng các đối tượng cai nghiện cười rạng rỡ. Bàn tay lạnh cóng của chúng tôi được sưởi ấm trong tay Chủ tịch tỉnh và lãnh đạo các ban, ngành.
Thấm thoắt, số cán bộ đầu tiên từ nhiều ngành tập hợp về Trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh, giờ cũng mỗi người mỗi nơi, nhưng chắc không ai quên đêm giao thừa ấy.