Nhiều điểm nổi bật của Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024
Sự kiện 19/02/2024 13:22
Nhiều điểm nổi bật của Luật Đất đai
Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều.
Luật Đất đai năm 2024 có những điểm mới nổi bật, nêu rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, quy định phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất..
Toàn cảnh buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, sáng ngày 19/2/2024. |
Luật mới đã hoàn thiện quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng: Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài quốc tịch Việt Nam, có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân ở trong nước (cá nhân trong nước).
Quy định nhóm người sử dụng đất gồm thành viên hộ gia đình thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất. Người sử dụng đất mà được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có quyền và nghĩa vụ như trường hợp không được miễn hoặc không được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, luật mới đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức. Trong đó, được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở. Cụ thể hóa nguyên tắc "có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.
Luật mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, đại diện người sử dụng đất có đất bị thu hồi…
Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 đã bãi bỏ khung giá đất của Chính phủ. Bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ 1/1/2026 và được điều chỉnh từ 1/1 của năm tiếp theo; việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất.
Về chế độ sử dụng các loại đất được quy định tại chương XIII (gồm 52 điều, từ Điều 171 đến Điều 222) có điểm mới là mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân; mở rộng đối tượng được nhận quyền chuyển nhượng đất trồng lúa cho cá nhân không trực tiệp sản xuất đất nông nghiệp trong hạn mức được giao đất; bổ sung quy định người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa, được sở dụng một phần diện tích đất xây dựng công trình trực tiệp sản xuất nông nghiệp…
Bên cạnh bổ sung quy định để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường. Luật quy định bỏ khâu trung gian trong quản lý đất như; bỏ quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ban quản lý KKT, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Cảng vụ hàng không; Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đất….
Luật hóa quy định về xử lý nợ xấu…
Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (TCTD) được thông qua quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.
Nội dung cơ bản của Luật Các tổ chức tín dụng là hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động TCTD; Hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và quỹ tín dụng nhân dân; Hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, tạo nền tảng cho ứng dụng các công nghệ chủ chốt.
Đồng thời, Luật cũng hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý TCTD yếu kém trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để TCTD luôn sẵn sàng các phương án xử lý cho các vấn đề phát sinh, bổ sung quy định yêu cầu ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng các phương án khắc phục dự kiến trong các trường hợp bị can thiệp sớm. Phương pháp khắc phục trước ngày 1/7/2025 hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp giấy phép. Định kỳ ít nhất 2 năm các TCTD này phải cập nhật, điều chỉnh phương án khắc phục để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động.
Bên cạnh đó sẽ luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ…