Nhanh chóng có chính sách “gỡ khó” cho ngư dân
Xã hội 30/03/2022 10:38
Nghề biển… hút hơi
Từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, tại các cửa biển lớn trên địa bàn tỉnh Cà Mau như: Sông Đốc, Khánh Hội, Rạch Gốc… lượng tàu cá cũng neo đậu tăng bất thường so với hằng năm. Các chủ tàu cho biết, họ không dám ra khơi vì giá dầu hiện đang ở mức quá cao. Tỉnh Cà Mau có gần 4.500 tàu đánh bắt, khai thác hải sản. Thông thường tiền dầu chiếm 50% - 60% chi phí mỗi chuyến ra khơi.
Tính đến đầu tháng 3/2022, tỉnh Kiên Giang có 3.972 tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên. Hiện có khoảng 900 tàu cá “nằm bờ”, trong đó có 300 tàu “nằm bờ” dài hạn, 600 tàu đến thời điểm này chưa xuất bến khai thác thủy sản do khan hiếm lao động và giá dầu tăng nhanh. Tàu cá nằm bờ do 2 nguyên nhân chính: Một là giá dầu tăng, sản lượng cá giảm; hai là khó kiếm ngư phủ.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến ngày 8/3/2022, toàn tỉnh có gần 900 tàu cá đang phải nằm bờ. Cụ thể, có hơn 670 tàu cá nằm bờ do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao và hàng hải sản không xuất bán được theo đường tiểu ngạch; hơn 210 tàu không ra khơi do thiếu lao động đi biển hoặc đang sửa chữa.
Cần có cơ chế hỗ trợ tiền bảo trì cho các tàu cá nằm bờ quá lâu. |
Tàu cá nằm bờ không ra khơi đánh bắt đồng nghĩa với việc không có thu nhập để trang trải cuộc sống và tiền để trả nợ ngân hàng đã vay đóng tàu.
Cần có cơ chế hỗ trợ “tàu 67”
Nhiều địa phương đã đề xuất Chính phủ nên xem xét cho phép khoanh nợ đối với các trường hợp tàu cá nằm bờ hoặc hoạt động kém hiệu quả trong thời gian chờ chuyển đổi ngành nghề.
Theo thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến thời điểm cuối năm 2021, tổng dư nợ của chương trình cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về hỗ trợ phát triển thủy sản khoảng 9.520 tỉ đồng, tương đương với 1.132 tàu còn dư nợ. Hiện tỉ lệ nợ xấu của chương trình tín dụng này là khá cao, đến từ cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Lí giải về nguyên nhân, các ngân hàng có dư nợ tín dụng theo chương trình này cho biết, là do số tàu cá hoạt động cầm chừng, không trả được nợ gốc và lãi theo đúng cam kết chiếm tỉ lệ cao (chiếm trên 87% tổng số tàu còn dư nợ, trong đó đã có 349 tàu hiện đã chuyển sang nợ xấu và trên 300 tàu có nguy cơ bị chuyển nợ xấu trong thời gian tới). Ngoài ra, việc quản lí và xử lí tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cũng gặp thách thức bởi tàu cá là tài sản đặc thù, khả năng phát mãi không cao, khó quản lí, dễ suy giảm giá trị và việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật còn chậm trễ.
Từ góc độ quản lí, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tại 27 tỉnh, thành ven biển rà soát đánh giá từng khách hàng vay vốn theo Nghị định 67; theo dõi nợ quá hạn, nợ xấu theo từng nguyên nhân; phối hợp với các sở, ban, ngành để có hướng xử lí cụ thể, hiệu quả đối với từng trường hợp.
Tàu vỏ thép nằm bờ hai năm nay bị hoen rỉ |
Tính đến cuối tháng 1/2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã cho vay khoảng 2.830 tỉ đồng đối với trên 1.400 tàu cá, tàu hậu cần nghề cá. Thời gian qua, để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 13 chủ tàu, với dư nợ trên 200 tỉ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Chính phủ về cơ chế khoanh nợ cho ngư dân và chủ tàu. Nếu đề xuất này được chấp thuận và triển khai thì quá trình xử lí nợ xấu “tàu 67” trong thời gian tới sẽ nhanh hơn.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67, NHNN cũng đã kiến nghị bổ sung quy định cơ cấu lại nợ được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng, đồng thời sửa đổi cơ chế chuyển đổi chủ tàu quy định tại Nghị định 67 để phù hợp hơn với thực tế.
Về kiến nghị dùng ngân sách để hỗ trợ khoanh nợ cho các tàu cá đang vướng nợ xấu của tỉnh Kiên Giang là khá hợp lí. Bởi theo nguyên nhân chính phát sinh nợ xấu có cả các nguyên nhân chủ quan đến từ phía chủ tàu như: Năng lực khai thác yếu kém, việc vận hành khai thác tàu vỏ thép không hiệu quả, chây ỳ không trả nợ... nhưng cũng gồm cả những nguyên nhân khách quan, như: Ngư trường khai thác không thuận lợi, nguồn lợi thủy sản suy kiệt; thiên tai, dịch bệnh...
Hiện nay Điều 12, Nghị định 55/2016 (đã được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 116/2018) cho phép UBND cấp tỉnh được khoanh nợ 2-3 năm với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai, dịch bệnh hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Quy định này nêu rõ: “Các khoản khoanh nợ được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ. Số tiền lãi tổ chức tín dụng không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách Nhà nước cấp tương ứng từ ngân sách địa phương. Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách Trung ương”. Chính vì vậy, chúng ta có thể vận dụng pháp lí này để tạo cơ chế khoanh nợ đối với các khoản nợ phát sinh do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng từ chương trình tín dụng phát triển thủy sản.
Bởi việc hỗ trợ chủ tàu và ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 là hết sức cần thiết và cần phải tháo gỡ nhanh những nút thắt pháp lí để các tổ chức tín dụng có thể kịp thời hỗ trợ người vay. Nếu được ngân sách Trung ương và địa phương khoanh, giãn nợ với thời hạn hợp lí, cộng thêm các chính sách hỗ trợ khác như: Hỗ trợ về giá xăng dầu, hỗ trợ tiền bảo dưỡng tàu cá, tàu hậu cần nằm bờ quá lâu, hỗ trợ chuyển đổi chủ tàu với các ưu đãi, lợi ích cụ thể cho người nhận chuyển nhượng thì cơ hội xử lí các khoản nợ xấu “tàu 67” sẽ nhiều hơn, khả năng trả nợ cũng sẽ cao hơn.