Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta làm mọi việc, tốt hay xấu đều có con mắt dõi theo
Nhịp sống văn hóa 23/02/2021 15:11
Nhiều họa sĩ tên tuổi đánh giá cao sáng tạo nghệ thuật của ông. Chỉ trong vài ngày trưng bày, 61 bức tranh trên chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel... đã bán gần hết. Nhân dịp đón Tết Tân Sửu, phóng viên Tạp chí Người cao tuổi có cuộc trò chuyện cùng ông...
PV: Tại sao ông lại đặt tên cho triển lãm của mình là “Người thổi sáo”?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều |
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đó là những ngày tháng tôi mang nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra được. Một buổi, tôi đang ngồi uống cà phê thì có người thổi sáo mù đi qua. Tôi đã cầu khẩn người thổi sáo mù thổi một khúc nhạc mà người thổi sáo muốn. Người thổi sáo mù ấy đã nhìn tôi rất lâu bằng đôi mắt mù và nâng sáo lên thổi. Nghe tiếng sáo, tôi nhận thấy người mù ấy như có một đôi mắt rất sáng vừa mở ra. Con mắt ấy là ánh mắt của tâm hồn, của trí tuệ và khát vọng.... Tôi nghĩ, chúng ta làm mọi việc, tốt hay xấu đều có con mắt dõi theo. Con mắt khởi sự từ đó nên nó lan tỏa trong nhiều bức tranh, chứa đựng những cái nhìn khác nhau, mang ý nghĩa khác nhau.
PV: Nhiều người nhận xét: “Tranh của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có tính biểu tượng cao và tính nhân văn sâu sắc”, ông nghĩ thế nào về điều này?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có thể đó là sự thể hiện của màu sắc, hình khối của người làm thơ khi vẽ có sự khác biệt chăng! Nhiều họa sĩ ở Sài Gòn ra cũng bảo: “Xem tranh của Nguyễn Quang Thiều thấy được những câu chuyện trong đó và thậm chí là nhiều câu chuyện trong một bức tranh”. Tôi nghĩ điều đó tùy thuộc vào mỗi người. Cũng giống như một bài thơ, mỗi người có sự cảm nhận riêng. Và trong văn chương cũng thế, người đọc không thể thống nhất với nhau một cách nhìn. Trong tranh của tôi là những hình khối, màu sắc, chi tiết.., có thể đã gợi cho mỗi người một cách cảm khác nhau.
Tôi là người viết văn và làm thơ. Trong mỗi câu văn, câu thơ người viết đều gửi gắm một thông điệp nào đó. Người vẽ cũng vậy, tôi cũng muốn gửi gắm vào tranh. Có người bảo, ngoài người thổi sáo trong tranh của tôi luôn có những ánh mắt, hoặc hình chim nào cũng rất đẹp... nó chứa đựng thông điệp và những câu chuyện. Với tôi là kí ức, là những năm tháng chiến tranh, khó khăn, gian khổ và cuộc sống ở những miền quê thì đơn giản lắm, con người gần gũi, thân thương với cỏ cây, hoa lá, chim muông... Còn khi sáng tạo, nhà văn, nhà thơ hay hội họa đều phải dựng được biểu tượng và gửi gắm trong đó những thông điệp đến người xem.
PV: Trong tranh của ông có rất nhiều chữ, ông chủ đích gì trong đó?
|
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi đã viết rất nhiều thơ trên tranh của mình. Nếu nhìn tổng thể, chữ là một bộ phận của bức tranh. Nhưng khi đến gần nó lại gợi cho người đọc những câu chuyện khác. Chữ mang đặc trưng của một người làm thơ, viết văn và chữ cũng là hình họa, đường nét trong thư pháp. Chữ trong những bức tranh đóng vai trò là mảng màu, hình khối, bố cục, chi tiết, đường nét... đồng thời cũng là ngôn từ tạo ra các hiệu ứng khác.
PV: Tạo ra không gian hư ảo, trừu tượng trong từng bức họa, người xem còn bắt gặp nhiều chiếc bình, chiếc lọ, đó có phải là một miền văn hóa ám ảnh ông?.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tất cả những biểu tượng nghệ thuật đều mang đặc trưng vùng miền của người sáng tạo. Nó chứa đựng cả một miền kí ức. Tôi đã sống một thời gian dài ở nông thôn. Ở đó, trong ngôi nhà, trong gian bếp của bà, của mẹ ngập tràn những chum, vại, đồ gốm, đồ sứ, lọ to, bình nhỏ đựng tương, đựng muối, đựng hạt giống... Những cái đó vô cùng gần gũi với cuộc sống của người Việt và bây giờ nó hiện lên trong tranh. Bên cạnh đó, tôi nghĩ đồ gốm, đồ sứ luôn là những thứ tạo hình rất đẹp.
Trong khai mạc triển lãm “Người thổi sáo”, tôi có chia sẻ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và mọi người trước bức tranh có người thổi sáo, một con rắn ngủ trên tay và ba bình gốm. Theo cách nhìn của tôi thì nó là bình đựng nước, bình đựng hạt giống và một bình đựng chữ. Nếu nhân loại có 3 bình đó thì sẽ dựng nên cả một thế giới, cả một nền văn hóa. Bởi hạt giống chính là ngũ cốc, là sự sinh sôi, là sự tồn tại cho tương lai, nó mang tính biểu tượng. Nước vô cùng cần cho sự sống. Các nhà nghiên cứu khoa học chỉ cần tìm ra hành tinh nào đó có nước là ở đó có sự sống. Còn bình đựng chữ, chính là trí tuệ, là tri thức, nếu con người có tri thức sẽ tạo dựng nên tất cả. Nhiều chiếc bình tôi vẽ trong đó là hạt giống, là chữ ...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!.