Nhà Đày Buôn Ma Thuột được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
Văn hóa - Thể thao 15/05/2019 22:02
Nhà Đày Buôn Ma Thuột, tọa lạc tại số 18 đường Tán Thuật, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, do thực dân Pháp xây dựng từ đầu năm 1930 để giam cầm, đày ải các chiến sĩ cách mạng. Nhà Dày có diện tích trên 2 héc ta, với 4 bức tường cao 4 mét dày 40cm và đường hào bao xung quanh tường, hào sâu 2,5 mét rộng 1.5 mét có chông sắt cắm ở dưới và dây thép gai bao bọc xung quang, 4 bức tường đều có vọng gác và lính canh giữ suốt ngày đêm. Nhà Đày có 6 dãy nhà lao tập thể dùng giam giữ tù nhân thường, một dãy xà lim dùng giam giữ những tù chính trị mà chúng cho là “đặc biệt nguy hiểm”, ngoài ra còn có nhà quản ngục, bệnh xá, nhà bếp, nhà ăn, nhà xưởng, nhằm phục vụ cho việc cai trị của chúng ở nơi điạ ngục trần gian này. Trong thời gian từ năm 1930 đến 1954, thực dân Pháp đã bắt, đày ải, giam cầm 5.853 chiến sĩ cách mạng, trong đó có nhiều đồng chí sau này là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội ta. Theo cụ Y Blôc Ê Ban, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết: Có 5 đồng chí trong Bộ Chính trị, 4 đồng chí trong Ban Bí thư, 14 đồng chí trong Ban chấp hành Trung ương Đảng, 1 đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, 4 Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, 43 đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng tương đương, 33 Bí thư Xứ ủy, Khu ủy, Tỉnh ủy, 44 tướng lĩnh. Đây là những chiến sĩ cộng sản kiên trung, trong những năm 1930-1945 bị thực dân Pháp giam cầm dày ải tại Nhà Đày Buôn Ma Thuột. Tiêu biểu là đồng chí Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh…
Tuy bị giam cầm, đày ải, tra tấn dã man, nhưng các chiến sĩ cộng sản này đã anh dũng, kiên cường, bất khuất giữ vững khí tiết cách mạng của mình. Họ kiên trì tổ chức đấu tranh, tuyên truyền, giác ngộ những người lầm đường lạc lối trở về với cách mạng, biến nhà tù thành trường học của những người Cộng sản. Cuối năm 1940, chính nơi địa ngục trần gian này một Chi bộ Đảng đầu tiên đã ra đời, kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng trong tình hình mới. Từ đó nhiều Chi bộ Đảng đã hình thành ở các địa bàn Đắk Lắk, như Buôn Ma Thuột, K’rông Pách, Chư M’Ngar và các đồn điền cà phê, cao su trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám-1945 trong toàn tỉnh Đắk Lắk. Từ năm 1954-1975, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng Nhà Đày Buôn Ma Thuột để giam cầm các chiến sĩ cách mạng của ta. Dưới những đòn roi tra tấn của kẻ thù, nhưng các chiến vẫn kiên cường đấu tranh, giữ vững khí tiết và tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng cho đến ngày đất nước thống nhất. Sau ngày giải phóng, Nhà Đày Buôn Ma Thuột đã trở thành chứng tích lịch sử về tội ác của thực dân, đế quốc và địa danh lịch sử khắc sâu dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính vì vậy mà ngày 10/7/1980, Nhà Đày Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cấp Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt Từ đó đến nay, Nhà Đày Buôn Ma Thuột được trùng tu hai lần (năm 1992 và năm 2006). Trong những năm qua, Nhà Đày Buôn Ma Thuột đã trở thành địa chỉ đỏ, là điểm đến lí tưởng cho khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế. Nhà Đày Buôn Ma Thuột được đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt, là mốc son lịch sử, và là niềm vinh dự tự hào không chỉ của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk mà còn là niềm vinh dự tự hào của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Thông qua sự kiện này nhằm phát huy những giá trị lịch sử của di tích, bảo tồn bản sắc văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống cho mọi thế hệ; đồng thời thúc đẩy sự phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
Bài: Trương Bi Ảnh: Trương Công Lý