Nguồn sống muôn đời!
Trong mắt người già 19/06/2024 10:43
Việt Nam nằm ở vị trí địa lí tương đối đủ nước, nhưng khoảng 20 năm nay, do lượng mưa phân phối không đều trong năm và nguồn nước bị suy thoái nên đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước, thậm chí một số vùng thiếu nước trầm trọng. Hơn nữa, việc tranh chấp lợi ích nguồn nước diễn ra cả trong nước và quốc tế khiến vấn đề an ninh nguồn nước đang ngày càng trở nên "nóng" và phức tạp.
Nhiều diện tích sản xuất lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. |
Nguyên nhân chủ quan của những tồn tại nói trên là công tác quản lí tài nguyên nước của chúng ta chưa khoa học, thiếu sự điều phối, thiếu tính liên ngành, thể chế chưa đồng bộ, thiếu năng lực kĩ thuật, nhận thức và kiến thức về quản lí tổng hợp tài nguyên nước còn rất hạn chế...
Về khách quan, việc phát triển thủy điện một cách ồ ạt trên dòng chính sông Mê Công đang khiến ĐBSCL mất an ninh nguồn nước. Được biết, trên thượng nguồn sông Mê Công, Trung Quốc có 8 bậc thang thủy điện lớn trên dòng chính. Còn phía hạ lưu thuộc các nước Lào, Thái Lan, Campuchia cũng đang có kế hoạch xây dựng 11 nhà máy thủy điện…
Trước những thực trạng trên, dư luận quan ngại và mong các cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng của Việt Nam cần chủ động hơn nữa cùng các bên liên quan trong khu vực tìm kiếm một giải pháp lâu dài về sử dụng, khai thác nguồn nước; hình thành các cơ chế xử lí vấn đề về an ninh nguồn nước trong phạm vi liên khu vực.
Để có an ninh nguồn nước, người dân cả nước mong Chính phủ sớm có những giải pháp đột phá để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nước bền vững. Chủ động tiếp cận một cách tổng thể, chiến lược hơn, căn cơ hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL để có phương án xử lí hiệu quả. Theo đó, cần quản lí chặt số lượng nước ở từng địa phương, chất lượng nước và cách thức sử dụng nguồn nước cho người Việt cả hôm nay và mai sau.
Việt Nam không phải là một quốc gia dư thừa nước, lại đang đứng trước thách thức biến đổi khí hậu nghiêm trọng, vì thế cần có cách tiếp cận mang tính chiến lược tổng thể để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ tưới tràn, tưới xả sang tưới nhỏ giọt. Trong sinh hoạt từ sử dụng không ý thức gây lãng phí sang sử dụng nước tiết kiệm. Trước mắt hạn chế xâm nhập mặn, mạnh dạn nghiên cứu sử dụng diện tích lớn làm hồ trữ nước, nhất là các tỉnh thuộc ĐBSCL. Điều quan trọng nữa là đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân thay đổi nhận thức, coi nước là tài nguyên quốc gia - là nguồn sống muôn đời của mỗi chúng ta