Quốc kỳ rộng 2.025m² tung bay trên quảng trường Hồ Chí Minh

Nhịp sống văn hóa 25/07/2019 22:26
Ông Trần Văn Thường, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh đưa chúng tôi về thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Thật bất ngờ khi ông cũng chính là một trong những nhân chứng lịch sử, từng hoạt động cách mạng cùng thời điểm Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sống và làm việc ở huyện Đức Phổ năm nào. Ông có tên trong một đoạn nhật kí của nữ liệt sĩ anh hùng.
![]() |
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm |
Câu chuyện càng cuốn hút, đưa tôi trở về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trên một vùng quê nghèo, nơi hội tụ những trái tim nhiệt huyết và tinh thần yêu nước của thế hệ thanh niên thời đó. Để cho đến bây giờ, người thì đang nằm dưới đất sâu, người suốt đời mang trên mình thương tật, mái tóc họ không còn xanh, làn da cũng sạm nhăn theo năm tháng, những cơn đau trái gió trở trời thi thoảng lại hành hạ…
Trong không gian tĩnh lặng, rưng rưng, ông Thường nhớ lại hồi ức đầy gian lao mà hết sức hào hùng của tuổi trẻ. Ngày ấy, ông hoạt động Đoàn Thanh niên, rồi làm Bí thư Xã ủy. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược Hà Nội, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm xung phong vào chiến trường B, được phân công phụ trách bệnh viện Đức Phổ chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Vì đặc thù công việc, bác sĩ Trâm được gia đình ông Thường nhận làm con nuôi, thường xuyên che giấu hỗ trợ hoạt động. Ngày ông Thường bị bắt làm tù binh, đưa ra Phú Quốc, bác sĩ Trâm đã dành cho “người em kết nghĩa” những dòng chia sẻ đầy yêu thương: “Ôi đứa con trai duy nhất của một bà mẹ già đã suốt một đời cặm cụi nuôi con, ước mơ, hi vọng cũng chỉ là đứa con ấy. Ôi đứa em ngoan ngoãn dịu hiền, đứa em sâu sắc và sớm trưởng thành trong cách mạng… giờ đây đã nằm trong bàn tay rớm máu của kẻ thù”.
![]() |
Ông Trần Văn Thường xem lại những hình ảnh gợi nhớ kỉ niệm với Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm |
Trong những năm tháng lao tù ở nơi “địa ngục trần gian” Phú Quốc, thương binh bậc 3/4 Trần Văn Thường cùng đồng đội không chịu khuất phục trước những đòn tra tấn dã man và họng súng quân thù, vẫn một lòng một dạ kiên trung, sắt son với Đảng, với Tổ quốc. Sau giải phóng, ông được đưa ra Bắc an dưỡng rồi trở về quê hương, đảm nhiệm nhiều cương vị trong hệ thống chính trị cấp tỉnh. Đặc biệt, ông tham gia tổ chức Hội NCT ngay từ những năm đầu mới thành lập cho đến nay đã 5 nhiệm kì đại hội.
![]() |
Bác sĩ Bệnh xá trưởng Nguyễn Thành Hiếu (bên trái) cùng ông Trần Văn Thường và tác giả |
… Bệnh xá Đặng Thùy Trâm nằm ngay bên đường Quốc lộ 1A, xây dựng trong khuôn viên gần 4.000m2 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ. Bệnh xá chia làm 2 khu, khu khám chữa bệnh và khu trưng bày hình ảnh, tư liệu và hiện vật về Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và hoạt động của bà trong những năm chiến tranh ác liệt. Bệnh xá với đầy đủ trang thiết bị khám chữa bệnh đa khoa cho bà con trong vùng như các xã Phổ Châu, Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Cường và một số xã phái Bắc huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định). Tuy nhiên, theo Bác sĩ Bệnh xá trưởng Nguyễn Thành Hiếu, hiện Bệnh xá được giao về UBND huyện quản lí và được coi như một Trạm Y tế xã. Hiện nay, cơ sở vật chất đang xuống cấp; nguồn nước nhiễm phèn nặng; công trình vệ sinh hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo chủ trương tinh giản biên chế, hiện Bệnh xá chỉ còn Bác sĩ Bệnh xá trưởng và 2 y tá, điều dưỡng, đây cũng là áp lực dồn lên những y bác sĩ đang ngày đêm vừa chăm lo sức khỏe nhân dân, vừa lo bảo vệ, chăm sóc di tích này.
![]() |
Tiết mục văn nghệ của NCT TP Quảng Ngãi nhân dịp kỉ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) |
Giọng trùng hẳn xuống khi được hỏi về chế độ chính sách đối với người có công hiện nay, ông Thường chia sẻ: “Lớp người hi sinh xương máu và tuổi xuân cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc đến nay đã cao tuổi, giỏi lắm thì họ chỉ còn khoảng hai chục năm nữa. Vậy mà, đâu đó, người có công vẫn không được chăm lo chu toàn, quan tâm đúng mức”. Rồi ông dẫn chuyện, mức quà tặng cho thương binh, gia đình liệt sĩ nhân ngày 27/7, rút từ 300 nghìn đồng xuống còn 250 nghìn đồng; tổ chức Hội NCT bị đánh đồng với một số tổ chức xã hội hoạt động không hiệu quả khác, bị cắt kinh phí hỗ trợ và thù lao cán bộ; một số thương bệnh binh, thanh niên xung phong vì không còn giấy tờ, tuổi cao sức yếu không thể làm thủ tục hưởng chế độ nên rất thiệt thòi…
Những ngày tháng Bảy cả nước tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công. Câu chuyện của ông Trần Văn Thường khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bởi lẽ, thế hệ của họ rồi cũng dần rời xa, nếu chúng ta không biết trân trọng, nâng niu mà bù đắp cho họ, thì sự hi sinh của họ phải chăng đã trở nên vô nghĩa. Và liệu rằng, thế hệ trẻ có còn động lực để tiếp tục cống hiến?