Người cao tuổi tích cực xây dựng mô hình thành phố không rác thải nhựa
Xã hội 14/12/2024 13:48
Người già xây thành phố trẻ
Len lỏi khắp các con đường, ngõ hẻm tìm mua, nhặt nhạnh những loại phế liệu bỏ đi để mưu sinh là công việc quá đỗi quen thuộc của bà Nguyễn Thị Lan, một người có thâm niên hơn 15 năm làm nghề thu mua ve chai. Ngày qua ngày chị lao động để kiếm đồng tiền ít ỏi nuôi cái con ăn học. Dần dần cuộc sống ổn định hơn, bà cảm thấy thêm yêu cái nghề của mình, đồng thời cũng góp phần bảo vệ môi trường, giúp cho thành phố cua mình xanh hơn. Bà Lan bày tỏ: “Khi được Dự án tuyên truyền về phân loại rác, tôi nhận ra rằng chính cái nghề của mình cũng góp phần một nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, có ích cho xã hội”.
Ở tuổi hơn 70, bà Vang, ở phường An Đông vẫn cần mẫn với công việc thu gom phế liệu. |
Tổ hợp tác ve chai là mô hình liên kết của các phụ nữ cao tuổi thu mua ve chai phế liệu do UBND phường Hương Sơ và UBND phường An Đông ra quyết định thành lập dưới sự bảo trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Huế và sự đồng hành của Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (WWF-Việt Nam). Tổ hợp tác giúp tổ chức các hoạt động thu gom ve chai, từ đó tăng cường hiệu quả thu gom và phân loại rác thải tái chế. Hoạt động của Tổ hợp tác ve chai còn góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện sinh kế và điều kiện lao động, sức khỏe cho những người thu mua ve chai, phế liệu phi chính thức.
Với những nỗ lực từ dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Huế, những Tổ hợp tác nghề ve chai đã ra đời tại các phường An Đông và Hương Sơ, cùng với sự ra đời của quỹ vốn xoay vòng đã góp phần cải thiện sinh kế của phụ nữ làm nghề ve chai, phế liệu. Ở tuổi hơn 70, bà Vang vẫn chăm chỉ, cần mẫn với công việc thu gom ve chai, phế liệu ở phường An Đông. Bà Vang là đại diện của lực lượng lao động phi chính thức đóng vai trò then chốt trong hệ thống thu gom rác tái chế ở Huế. Từ ngày trở thành thành viên của Tổ hợp tác nghề ve chai phường An Đông, thu nhập của bà Vang đã được cải thiện đáng kể. Chứng kiến các thành viên của Tổ gắn bó với nhau hơn và công việc của họ được xã hội ghi nhận đã đem lại cho mệ niềm vui khôn tả. Những người phụ nữ như bà Lan, bà Vang đa số là những người phụ nữ nghèo, không có vốn để làm ăn hoặc không có khả năng làm công việc khác.
Ông Phụng ở phường Thuận Lộc đang phân loại rác tại nhà. |
Vào tháng 3/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Huế đã phát động phong trào thi đua xây dựng “Khu dân cư văn minh - thân thiện - an toàn - giàu bản sắc” nhằm mục đích thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 1/6/2021 của Thành ủy Huế về “Tuyên truyền, giáo dục, phát huy giá trị đạo đức, lối sống và phong tục tập quán Huế đặc sắc gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” và hưởng ứng chương trình của Thành ủy, UBND thành phố về xây dựng thành phố Huế “văn minh - thân thiện - an toàn - giàu bản sắc”. Đồng thời, cụ thể hóa nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Phong trào bao gồm có 10 nội dung, trong đó có nội dung 2: các khu phố cần có cảnh quan đẹp, có tuyến đường, tuyến kiệt được công nhận “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, có thùng rác công cộng hợp vệ sinh, thu gom, tập kết rác đảm bảo, không thả gia súc, gia cầm trên đường phố, người dân tích cực tham gia các phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng”, “Mai vàng trước ngõ”, “Sắc hồng cố đô” và hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, chống rác thải nhựa. 36 phường, xã trên địa bàn thành phố Huế đã đăng ký ít nhất 1 tổ dân phố/phường xã tham gia phong trào này.
Người cao tuổi phường Phước Vĩnh thực hành giảm sử dụng nhựa, sử dụng các sản phẩm thay thế như bình nước cá nhân, làn đi chợ, túi xách cá nhân. |
Khi người cao tuổi đi đầu
Trước các tác động tiêu cực của rác thải nhựa, với sự hỗ trợ của dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, các hội đoàn thể như Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh TP Huế luôn đi đầu, tham gia tích cực trong hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa, vệ sinh môi trường, ra quân Chủ nhật xanh, tuyên truyền phân loại rác tại nguồn và góp phần đưa Huế thành hạt nhân của đô thị di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường, đô thị thông minh của tỉnh.
Đã nhiều năm, những người cao tuổi, các cựu chiến binh cao tuổi vẫn còn đó lòng nhiệt huyết tham gia một cuộc chiến trường kỳ khác với tên gọi “chống ô nhiễm nhựa”. Những hoạt động ý nghĩa, hình mẫu thiết thực của cựu chiến binh gương mẫu giảm nhựa TP Huế là kênh truyền thông gần gũi, hiệu quả, chân thực nhất đối với mọi người dân về việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời là tấm gương sáng, nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ mai sau hướng đến lan tỏa tinh thần phong trào chống rác thải nhựa, tích cực phân loại rác tại nguồn trên khắp thành phố Huế. Với sự hỗ trợ của WWF-Việt Nam, các hội viên cao tuổi ở TP. Huế đã trở thành những “chiến binh” tham gia chống rác thải nhựa. Những người cao tuổi không chỉ gương mẫu trong việc giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng một lần mà còn góp phần không nhỏ thúc đẩy cộng đồng nâng cao ý thức, thực hành giảm nhựa, phân loại rác tại nguồn. Chỉ trong 3 tháng vừa, các mô hình NCT, CLB Cựu chiến binh bảo vệ môi trường ở TP. Huế đã vận động các hộ gia đình giảm phát sinh gần 30kg rác nhựa/tuần.
Tổ hợp tác nghề ve chai đã góp phần bảo vệ môi trường và cải thiện sinh kế của phụ nữ làm nghề ve chai, phế liệu |
Với tinh thần sôi nổi, nhiệt huyết của những tấm gương sáng của tuổi già cùng sự hỗ trợ của Dự án, những người cao tuổi tại TP Huế đã triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực góp phần vào cuộc chiến chống rác thải nhựa, tuyên truyền phân loại rác tại nguồn của TP Huế. NCT ở nhiều địa phương đã tiên phong xử lý các điểm nóng ô nhiễm có khối lượng rác thải nhựa thất thoát lớn, tồn đọng trong thời gian dài, đặc biệt là những nơi chưa có dịch vụ thu gom rác thường xuyên. Các tổ còn tổ chức các buổi sinh hoạt để tuyên truyền, lồng ghép chủ đề chống ô nhiễm nhựa và phân loại rác tại nguồn vào những câu chuyện, nhiệm vụ của Tổ.
Không chỉ dừng lại ở thu gom rác thải, mỗi khi có thời gian, những NCT, các cựu chiến binh lại “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hội viên” để tuyên truyền, vận động hội viên phân loại rác tại nguồn và giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần theo phương pháp giáo dục hành động, góp phần nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động của người dân Huế về thực hành giảm rác thải nhựa. Thông qua các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường như thế, hiện có ít nhất 500 hộ dân đã được hướng dẫn các hoạt động phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa. Thời gian đến, Dự án vẫn sẽ tiếp tục phối hợp với các hội ở TP. Huế duy trì hoạt động bảo vệ môi trường nhằm lan tỏa tinh thần phong trào chống rác thải nhựa, tích cực phân loại rác tại nguồn trên khắp TP. Huế
Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, thành quả bảo vệ môi trường ở Huế đến thời điểm này có thể nói là đã chạm đích. Tuy nhiên, để duy trì thành quả này, cần tiếp tục “xây và giữ” trong thời gian đến. Bên cạnh đó, để mỹ quan đô thị, nông thôn sạch, đẹp, đặc biệt là giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, mấy năm nay, Huế có rất nhiều giải pháp; trong đó chú trọng triển khai mô hình giảm rác thải nhựa để bảo vệ môi trường biển, đầm phá, sông suối... đến “ngõ phố, đường làng” khang trang, không rác thải. Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đến nay đã lan tỏa sâu rộng và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành, người dân trên địa bàn, trở thành nét đẹp văn hóa ở Huế. Với cơ chế chính sách thuận lợi khi chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện tốt cho các hoạt động bảo vệ môi trường bền vững, vấn đề đặt ra lúc này là ý thức của người dân, phải luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường chung xanh, sạch, đẹp.