Nghệ nhân già kể chuyện làng qua sắc màu thổ cẩm

Văn hóa - Thể thao 06/06/2025 10:44
Sở dĩ gọi tên nón ngựa là vì chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ, thích hợp cho người đội khi cưỡi ngựa. Ngày xưa, những chiếc nón này chủ yếu để phục vụ cho vua, quân đội khi ngồi trên lưng ngựa. Đặc biệt vào thời vua Quang Trung, nón ngựa Phú Gia đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn.
Thời trước, khi các thầy Chánh, cụ Lý cưỡi ngựa, đội nón ngựa có chụp bạc trông rất oai phong lẫm liệt. Có lẽ dân ngại cái uy của các quan đội nón ngựa nên đã có câu: “Thầy Chánh, nón chụp bạc, áo tam giang/Cưỡi ngựa qua làng, con gái chạy re... ”.
Cùng là họ hàng với nhau nên nón ngựa cũng gần giống về hình thức với các loại nón khác. Nếu chiếc nón bài thơ của xứ Huế mộng mơ, hoặc chiếc nón Gò Găng xinh đẹp giống với cô gái dáng hình mảnh mai, yểu điệu, thì nón ngựa lại như một trang hán tử đầu đội trời, chân đạp đất, xông pha trước hòn tên mũi đạn. Nón ngựa trông có vẻ rất cứng cáp và bề thế hơn rất nhiều.
![]() |
Chợ nón truyền thống xứ Nẫu |
Làng nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, Phù Cát có tuổi đời khoảng 400 năm, cách TP Quy Nhơn khoảng 40km về hướng Nam - Bắc, với hơn 400 hộ làm nghề, nón ngựa Phú Gia được xem là “kiệt tác” của chiếc nón lá Việt Nam.
Nón ngựa thường lớn hơn chiếc nón thường, đường kính của chiếc nón khoảng 50 phân, độ nghiêng góc nón ước chừng 120 độ. Lá nón ngựa được ép và ủi thật phẳng, người ta kéo căng sợi lá trên một con lăn bằng đồng hay bằng sắt bóng loáng, đã nung nóng. Lá nón rộng khoảng một phân, xếp đều theo chiều dọc, lá này cách lá kia khoảng 2 li, hẹp dần về phía đỉnh nón. Trước khi lợp lá, thợ chằm nón phải tết một lớp lưới sườn toàn bằng cước thơm.
Chỉ riêng việc làm nan chiếc nón ngựa cũng rất công phu. Nan vành to bằng mút đầu đũa, đánh vòng và kết lại sao cho không thấy mối. Các vành phụ của nón nhỏ dần như sợi chỉ thì tới đỉnh nón, gần sáu trăm dải lá xếp dày. Mối chỉ ở lá đầu được lá thứ hai che và cứ thế cho đến dải lá cuối cùng. Cầm chiếc nón nhìn kĩ, ta vẫn không thể tìm ra mối chỉ nằm ở đâu.
Phần quan trọng nhất của công đoạn làm nón ngựa là phần trang trí. Phía bên trong chiếc nón ngựa được các nghệ nhân trang trí các hoa văn bằng sợi chỉ thêu, thêu thành nét bằng chữ hoặc hoa lá. Thân nón là các họa tiết, thông thường là sách bút, đôi khi là hình chim trĩ, chim công… Họa tiết thay đổi theo phẩm hàm, chức vụ quan lại triều đình của người đội nón. Chóp nón ngựa thường để trần, trên đỉnh có một chùm chỉ ngũ sắc phất phơ như bông hoa để cho các bậc quan quyền hoặc người giàu có sử dụng.
Theo các nghệ nhân, trước đây khi đội nón ngựa cũng phải tuân thủ theo cấp hàm. Người có cấp bậc từ xã trưởng trở lên thì chiếc nón ngựa có chụp bằng đồng hay bạc. Chụp được chạm trổ theo phẩm trật triều đình. Trên đỉnh là núm hình quả trám nhọn hoắt.
![]() |
Sản phẩm nón ngựa |
Hiện nghề làm “nón ngựa” đang tồn tại ở thôn Xuân Quang và 2 thôn khác ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát. Dù nón ngựa không phổ biến nhưng một số gia đình ở đây vẫn duy trì và phát triển nó để chờ thời cơ...
Đến xem tận mắt nghề làm nón ngựa ở đây mới có thể hiểu được phần nào giá trị của một chiếc nón ngựa thành phẩm. Không giống các loại nón khác, chiếc nón ngựa được làm ra bởi nhiều công đoạn và nhiều người cùng tham gia, đồng thời phải trải qua nhiều thao tác tỉ mỉ như làm khung nón, khâu rọc lá, khâu chằm nón... Nguyên vật liệu để làm nón ngựa ngày càng khó kiếm, người dân phải lên tận các huyện miền núi để mua lá nón theo từng phiên chợ.
Quan sát thật kĩ chiếc nón ngựa mới hiểu được công phu của người làm nón ngựa ở xã Cát Tường (Phù Cát) không kém gì các làng nón nổi tiếng khác như nón lá Gò Găng (Tuy Phước), Bình Định, hoặc chiếc nón bài thơ xứ Huế... Bên trong mặt nón ngựa cũng thêu những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ mang phong cách đặc trưng của quê hương, hoặc những câu nói hay và phổ biến về đất nước, con người và phong tục tập quán của dân tộc. Chiếc nón ngựa khi hoàn thành được trang trí bằng chỉ thêu ngũ sắc rất tinh xảo, trên chóp nón có gắn tua hoặc bọc bằng kim loại mạ đồng.
Do những giá trị văn hóa đặc sắc nêu trên, nghề chằm nón ngựa Phú Gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với những nét đặc trưng mà các mặt hàng nón cổ truyền khác khó có thể có được, nghề nón ngựa ở “đất võ” đã thực sự góp phần làm phong phú thêm loại hình du lịch làng nghề, để giới thiệu với du khách và bạn bè trên thế giới.