Nét sáng tạo trong nhạc cụ của người Vân Kiều
Văn hóa - Thể thao 27/09/2019 09:47
Sáo là nhạc cụ phổ biến nhất của người Vân Kiều. Sáo Vân Kiều có nhiều loại và mỗi loại được trình diễn ở những nghi lễ khác nhau. Sáo Pi là nhạc cụ gắn bó bền chặt nhất với người Vân Kiều, là nhạc cụ duy nhất được cất lên khi vui cũng như lúc buồn, các dịp ma chay, khi thực hiện nghi thức thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần…
Khi hát Xà nớt, làn điệu dân ca trĩu nặng tình cảm và đậm đà lí trí về quan hệ xã hội, dòng tộc, làng bản thì đồng bào thổi sáo Khui. Còn sáo Teril được thổi khi hát làn điệu Oát, khúc ca hò hẹn của gái trai. Điểm chung giữa các loại sáo là khâu lựa chọn những cây nứa già, cứng cáp, mọc ở đằng Đông và ngọn của nó cũng hướng thẳng về phía Đông, hơi ngả màu vàng óng, chiều dài của mỗi đốt phải tầm 70 cm.
Đàn ông Vân Kiều với cây đàn Ta lư |
Đàn Ta lư cũng là loại nhạc cụ được trình diễn phổ biến trong cộng đồng dân tộc Vân Kiều. Là loại nhạc cụ dây, dành riêng cho nam giới, tiết tấu của đàn Ta lư vừa da diết phù hợp với các làn điệu dân ca tộc người lại vừa sôi nổi kết hợp hài hòa được với các bài hát đương đại. Đàn ông Vân Kiều gẩy Ta lư trong không khí nhộn nhịp, vui tươi của lễ hội hay những lúc nông nhàn thảnh thơi, họ không bao giờ dùng đàn Ta lư trong dịp ma chay, đám giỗ…
Đàn Ta lư có hình dáng giống như cây đàn guitar thu nhỏ, loại nhạc cụ này không tuân theo một kích thước nào mà tùy theo độ to nhỏ của khúc gỗ đặc để đục đẽo thành thùng đàn. Thông thường toàn bộ chiều dài của đàn khoảng 70cm, riêng phần cần đàn nối với thùng đàn khoảng 40cm. Cuối cần đàn là bộ phận tăng âm được vát lõm xuống tựa hình bàn tay đang khép lại kín kẽ để hứng lấy những giọt nước chuẩn bị rơi xuống. Nhạc cụ này có 2 dây, chia thành 5 quãng nhạc, tùy từng bản nhạc mà người chơi đàn sẽ lần theo dây đàn và thay đổi từng quãng tạo thành những nốt nhạc cao thấp khác nhau. Đàn Ta lư đã trở thành đề tài và cảm hứng sáng tác để nhạc sĩ Huy Thục viết nên giai điệu tự hào “Tiếng đàn Ta lư” nổi tiếng năm 1968.
Được sử dụng phổ biến trong các lễ hội vui tươi còn có kèn A mam. Kèn A mam chỉ dài chừng 40 cm, nhỏ như chiếc đũa, cả nam và nữ đều có thể sử dụng nhưng để có thể chế tác nên một chiếc kèn hoàn chỉnh thì phải có bí kíp gia truyền. Kèn A mam được làm bằng nhánh cây đương. Công đoạn đục hai lỗ nhỏ ở hai đầu đoạn đương để khi thổi chiếc kèn phát ra được nhiều loại thanh âm là lúc cần đến cách thức bí truyền của nghệ nhân. Vì nhánh cây rất nhỏ nên khi đục lỗ phải rất cẩn thận, lỗ không được quá nhỏ, cũng không quá to thì tiếng kèn khi thổi mới hi vọng có được những âm thanh chuẩn xác và tinh tế. Kèn A mam có thể dùng để độc tấu hoặc cả hai người cùng thổi, thông thường là một nam và một nữ trong hát đối đáp, giao duyên.
Trong đời sống sinh hoạt và ở các nghi lễ người Vân Kiều còn trình diễn các loại nhạc cụ cồng chiêng, khèn bè… Tuy số lượng còn hạn chế nhưng đã góp phần làm đa dạng thêm tiết tấu, nhịp điệu khi các giai điệu của núi rừng được cất lên. Bộ cồng chiêng Vân Kiều thường có 3 chiếc, chiếc lớn nhất là cồng mẹ, 2 chiếc nhỏ hơn là cồng con. Cồng chiêng được đồng bào tấu lên trong lễ cúng hồn lúa, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ vào nhà mới…
Đâu đó trong các bản làng tiếng khèn bè xao xuyến còn đang được thổi bởi các chàng trai Vân Kiều đến tuổi cập kê. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá. Người chơi khèn bè phải nắm vững kĩ thuật lấy hơi, độ chính xác và điêu luyện của đôi tay khi bấm nốt. Tiếng khèn bè là công cụ để đàn ông Vân Kiều thể hiện tài năng, là giai điệu hẹn hò, bắc cầu cho trai, gái Vân Kiều tìm được cho mình một người bạn đời thích hợp.
Năm tháng đi qua, cuộc sống luôn biến động và xoay vần, nhiều loại nhạc cụ hiện đại xuất hiện đâu đó nơi bản làng Vân Kiều nhưng lớp nghệ nhân cao tuổi vẫn đang gìn giữ và truyền dạy những tiếng đàn, điệu sáo cho thế hệ mai sau.