Nâng cấp quan hệ hợp tác giữa ba đồng minh truyền thống
Quốc tế 23/08/2023 14:50
Tuyên bố chung của hội nghị mang tên “Tinh thần Trại David” có một số nội dung chính: Lãnh đạo 3 nước cam kết nhanh chóng tham vấn để ứng phó với các thách thức, hành vi khiêu khích và răn đe trong khu vực. 3 nước cam kết cải thiện cơ chế liên lạc 3 bên bảo đảm kênh thông tin thường xuyên, kịp thời; nhất trí thiết lập cơ chế gặp mặt thường niên giữa lãnh đạo cấp cao, các bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, cố vấn an ninh quốc gia, cũng như kênh giữa các Bộ trưởng Tài chính, Thương mại.
Các lãnh đạo khẳng định vai trò trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ủng hộ cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt. Cam kết hỗ trợ năng lượng bền vững và thúc đẩy an ninh nguồn nước, khả năng chống chịu khí hậu tại lưu vực sông Mekong, phối hợp các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực đối với các nước ASEAN và các nước Thái Bình Dương để tăng cường khả năng bổ trợ, tương hỗ và tính hiệu quả.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Trại David, Maryland, Mỹ, ngày 18/8/2023... |
Về Biển Đông, các nhà lãnh đạo chia sẻ quan ngại đối với các hành động không phù hợp với trật tự thế giới dựa trên luật lệ, cực lực phản đối bất kì nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng, kiên quyết phản đối việc quân sự hóa các thực thể được cải tạo cũng như thực hiện các hành động cưỡng chế. Tuyên bố cũng nêu quan ngại về nạn đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ngoài Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tuyên bố cũng nhắc tới phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) tháng 7/2016, cho rằng quyết định này đặt cơ sở pháp lí cho việc giải quyết hòa bình các xung đột trên biển.
Tuyên bố đề cập đến các hoạt động của Triều Tiêu, yêu cầu nước này tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ba nước tuyên bố sẽ triển khai hoạt động tập trận thường niên, đa lĩnh vực để tăng cường khả năng phối hợp giữa các lực lượng. Ngoài ra, 3 nước cam kết cụ thể để nâng cao hợp tác trong phục hồi chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và an ninh năng lượng, công nghệ sinh học, khoáng sản thiết yếu, dược phẩm, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và nghiên cứu khoa học.
Dư luận đánh giá hội nghị là một bước thể chế hóa quan trọng quan hệ truyền thống Mỹ - Nhật - Hàn. Các bên đã thống nhất được một số thỏa thuận quốc phòng, kinh tế và tình báo để đối phó với các nguy cơ. Mặc dù không có các cam kết tương tự như Điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO (theo đó một cuộc tấn công đối với một quốc gia được coi là tấn công toàn khối), song lãnh đạo 3 nước đã bổ sung bằng một số sáng kiến cụ thể mới về quân sự, đó là các chương trình tập trận chung 3 bên, chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác phòng thủ tên lửa đạn đạo… Kết quả hội nghị cho thấy 3 bên đã chính thức bắt tay khuyến khích hợp tác toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực theo cách thức thường xuyên hơn, thể chế hóa hơn nhằm tạo thuận lợi cho việc duy trì và mở rộng các hoạt động hợp tác. Việc thể chế hóa các thỏa thuận an ninh, kinh tế và tình báo giúp hạn chế những người kế nhiệm sắp tới làm chệch hướng hợp tác 3 bên trong tương lai.
Theo quan điểm của phía Mỹ, hội nghị cơ bản thành công khi đạt được các mục tiêu đề ra, đó là tạo dựng hình ảnh lãnh đạo toàn cầu của Tổng thống Biden trước thềm chiến dịch tranh cử sắp tới, từng bước thể chế hóa quan hệ an ninh 3 bên, tạo tiền đề cho hợp tác bền vững trong tương lai, mở rộng vai trò và hoạt động 3 bên vượt ra ngoài khuôn khổ an ninh bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á sang toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tác động của hợp tác 3 bên với an ninh khu vực vẫn chưa rõ ràng khi các bên còn một số mâu thuẫn song phương, đa phương chưa được giải quyết. Theo đánh giá, các kết quả của hội nghị sẽ có tác động trực tiếp tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương...