Năm 2021, thị trường condotel liệu có khởi sắc?
Bất động sản 27/01/2021 15:42
Theo báo cáo mới nhất từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), du lịch là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh trong năm 2020. Hiệu quả kinh doanh ngành du lịch trong nước sụt giảm nghiêm trọng. Hầu hết các cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa khiến bất động sản du lịch năm qua kém hiệu quả trong việc thu hút đầu tư.
Song nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường condotel là do khung pháp lý cho loại hình này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Chính quyền các địa phương chưa có động thái gì đáng kể, đặc biệt là các vấn đề về pháp lý nên chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư. Nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương cũng đang gặp phải những vướng mắc về pháp lý nên chưa thể khởi động đầu tư xây dựng.
Cũng thheo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lượng condotel bán trên thị trường sản phẩm chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm. Trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường giao dịch condotel gần như đóng băng.
Đến quý IV/2020, thị trường bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, một số dự án đã bắt đầu giao dịch, song lượng giao dịch không đáng kể, cả năm giao dịch chỉ khoảng 120 sản phẩm.
Đối với biệt thự nghỉ dưỡng, villas, shophouse, lượng cung năm 2020 đạt gần 15.000 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ xấp xỉ 8%. Thời điểm cuối năm, thị trường biệt thự nghỉ dưỡng, villas, shophouse mới thực sự sôi động trở lại khi một số chủ đầu tư lớn bắt đầu truyền thông mạnh mẽ và tung sản phẩm ra thị trường.
Thị trường condotel trong năm 2020 thấm đòn Covid - 19 nên lượng giao dịch rất khiêm tốn |
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn từ 2019 - 2020, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đã có thanh khoản rất thấp kể từ khi căn hộ condotel tại đại dự án Cocobay “đứt gánh”. Sau đó, một số dự án condotel khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, các nhà đầu tư dự án không trả được lợi nhuận như đã cam kết...
Ông Võ cho rằng, sự "đứt gánh" này là bởi phát triển nhưng thiếu khung pháp luật về đất đai, về quản lý và vận hành các BĐS du lịch đa công năng. Cộng thêm ngành du lịch đóng cửa hoàn toàn trong một thời gian dài để phòng dịch Covid-19.
Trước đó, hồi đầu năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư và thời hạn vẫn là 50 - 70 năm. Tuy nhiên, đến nay, khung pháp luật vẫn chưa được hình thành. Đất đai từ cam kết miệng được sử dụng dài hạn như đất ở, nay phải chuyển sang sử dụng theo thời hạn 50 - 70 năm, khiến cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp rời bỏ sản phẩm condotel.
Dự báo về triển vọng thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2021, VARS cho rằng ngành du lịch sẽ phục hồi trở lại một phần nhờ hoạt động kích cầu du lịch nội địa. Bên cạnh đó, Chính phủ khóa mới sẽ quan tâm hơn đến chính sách pháp lý cho bất động sản du lịch, qua đó tạo niềm tin tốt hơn cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản du lịch có quy mô lớn, đa dạng dịch vụ, chất lượng cao, nhiều đại đô thị du lịch hoành tráng sẽ sớm được hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm nay. Điều này chắc chắn sẽ tạo động lực thúc đẩy hiệu quả ngành kinh tế du lịch cho Việt Nam, tạo một lực hút mạnh các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường bất động sản du lịch.