Năm 2019 - những kì vọng chưa đến đích của Liên Hợp Quốc
Quốc tế 18/12/2019 09:55
Đầu năm, ông Guterres phát đi thông điệp 2019 sẽ là năm LHQ ưu tiên cho ngoại giao hòa bình, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy các mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), quản trị công nghệ mới hiệu quả và tái khẳng định những giá trị cốt lõi của LHQ.
Cuối năm, thông điệp mạnh mẽ của Tổng Thư kí LHQ vẫn còn đó, nhiều thành quả đạt được rất đáng ghi nhận, nhưng người ta cũng hơn một lần thấy ông Guterres phải thừa nhận “lực bất tòng tâm”.
Không thể phủ nhận những đóng góp lớn lao của LHQ cho an ninh và hòa bình thế giới suốt một năm qua. 2019 là năm LHQ đặt quyết tâm phải tập trung xây dựng và tái thiết hòa bình thông qua nhiều giải pháp đa dạng, từ ngoại giao, hòa giải cho đến các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng với hơn 100.000 quân lực lượng gìn giữ hòa bình được triển khai để bảo vệ người dân và làm công tác cứu trợ nhân đạo.
Người dân sơ tán tránh chiến sự ở Đông Bắc Syria ngày 9/10/2019. Nguồn: AFP/TTXVN |
Hơn một nửa tổng lượng hàng cứu trợ trên thế giới, từ thực phẩm cho tới thuốc men, nước uống và các nhu yếu phẩm khác được chuyển tới người dân thông qua các kênh của LHQ. Trong thực thi sứ mệnh cao cả, 80 binh sĩ gìn giữ hòa bình và nhân viên cứu trợ LHQ đã thiệt mạng.
2019 cũng là năm LHQ tập trung nỗ lực cho công tác chống khủng bố và đưa ra nhiều chiến lược mới đối phó với chủ nghĩa bạo lực cực đoan, đồng thời bắt đầu lộ trình giải trừ vũ khí.
Vấn đề phát triển bền vững, một trong các lĩnh vực trụ cột của LHQ, cũng ghi khá nhiều dấu ấn. Dưới sự dẫn dắt của LHQ, 4 năm sau khi 193 quốc gia phê chuẩn các SDG 2030, thế giới nhìn chung đã gặt hái được những kết quả rõ rệt trong việc thực hiện 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu toàn cầu, từ giải quyết đói nghèo cho tới cải thiện y tế, bảo vệ quyền con người và chống biến đổi khí hậu.
Thế nhưng, có những “điểm nóng” mà nỗ lực của LHQ vẫn chưa đủ để chạm tới. Đó là các cuộc chiến ở Libya và Afghanistan; là giải pháp hai nhà nước đối với Israel và Palestine có nguy cơ đổ vỡ; là khả năng cuộc chiến vũ trang ở vùng Vịnh có thể nổ ra bất cứ lúc nào… Tâm điểm là cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran đã bị đẩy lên mức rất cao kể từ khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời tái áp đặt và ngày càng siết chặt trừng phạt Iran. Cơ quan quyền lực nhất của LHQ là Hội đồng Bảo an lại luôn bị tê liệt vì sự chia rẽ.
Trong khi đó, tình trạng bất bình đẳng đang đe dọa xóa nhòa bước tiến đáng ghi nhận về phát triển bền vững. Dù nền kinh tế toàn cầu đang tạo ra nguồn của cải rất lớn, nhưng phần lớn lại nằm trong tay một số ít những tỉ phú giàu có.
Tổng Thư kí Guterres cũng cho rằng, những gì LHQ và các quốc gia làm được vẫn còn quá xa đích đến. Hơn nữa, sau 4 năm kể từ khi LHQ đưa ra các SDG, nhiều chính phủ vẫn chưa triển khai những bước đi quan trọng để đạt những mục tiêu này. Tính tới nay, chưa có quốc gia nào đạt được tất cả 17 mục tiêu do LHQ đề ra.
Bên cạnh đó, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ngày càng gian nan, dù LHQ đã tập trung rất nhiều nguồn lực. Tổng Thư kí LHQ gọi đó là “cuộc khủng hoảng” bởi thế giới giờ đây đang phải đối phó với tình trạng trái đất nóng lên chứ không phải ấm lên như người ta vẫn tưởng. Theo số liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhiệt độ trung bình toàn cầu giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019 đã tăng cao hơn so với bất kì giai đoạn 5 năm nào trước đây. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2) đã tăng 2% trong năm ngoái, lên mức kỉ lục 37 tỉ tấn. Nỗ lực của LHQ đang như “muối bỏ bể” bởi vô số rào cản, kể cả việc Mỹ, một trong những nền kinh tế đứng đầu về lượng khí thải, chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Khép lại một năm còn nhiều bộn bề và mục tiêu dang dở, năm 2020, LHQ nói chung, đặc biệt là Hội đồng Bảo an nói riêng, sẽ phải giải quyết hàng loạt công việc, sẽ phải tăng thêm nỗ lực và ý chí chính trị để thực hiện sứ mệnh duy trì hòa bình và thúc đẩy phát triển, đúng như những gì được ghi trong Hiến chương LHQ.