Mùa Cà phê
Kinh tế 22/12/2020 09:52
Nhân công… tới từ nhiều nơi
Tiếp xúc với các chủ vườn cà phê ở các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, Di Linh…(Lâm Đồng), chúng tôi được biết, nhân công mà họ thường thuê hái cà phê tới từ rất nhiều nơi. Một số ít là người địa phương, do không có rẫy, không trồng trọt, nên tranh thủ đi hái thuê cà phê dăm bữa nửa tháng. Còn phần đông tới từ các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận và cả xa xôi như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam, Nam Định...
Anh Nguyễn Văn Nam 38 tuổi, quê Thanh Hóa, người có “thâm niên” 8 năm hái cà phê thuê ở Tây Nguyên kể: “Lần đầu tiên đi hái thuê chỉ là đi cho biết, chứ không rõ sẽ phải làm như thế nào. Rồi các năm sau cứ tới mùa cà phê là lại lên Tây Nguyên hái thuê. Tôi còn rủ thêm 2 đứa cháu và cả bà chị gái cùng tham gia vào công việc hái cà phê thuê cũng được 5 năm nay…”.
Khi bước vào mùa thu hái cà phê tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Nông…, đều có những khu “chợ lao động” có khá đông người đợi chủ vườn tới gọi. Thế nhưng, gần đây các khu chợ lao động thưa vắng là do các chủ vườn “đặt mối” nhân công sẵn theo kiểu gối mùa, nghĩa là những người hái cà phê năm nay sẽ được dặn tới sang mùa sau hái tiếp.
Mùa cà phê tới rất nhiều người lao động nghèo từ các tỉnh đổ lên Tây Nguyên hái cà phê thuê |
Bà Trần Thị Thắm, ở TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, chủ một rẫy cà phê 12 héc ta, đang thuê tới gần hai chục nhân công thu hái cà phê, kể: “Mấy năm nay nhà tôi không phải ra chợ lao động tìm thuê nhân lực, mà tất cả những người đang hái cà phê cho rẫy của tôi họ đều làm từ lâu. Có người thì vài ba năm, có người làm tới cả chục vụ mùa. Nếu năm sau tôi cần nhiều nhân công hái cà phê hơn, chỉ cần “a lô” với một trong số các nhân viên cũ là họ lại rủ thêm bạn bè, anh em, đồng hương đi làm cùng”.
Những năm gần đây, do diện tích cà phê ngày càng được mở rộng, khi bước vào mùa thu hái nhà nào cũng cần một lượng nhân công nhất định cho vụ mùa và do không có mối quen vụ trước, nên nhiều chủ rẫy tìm đến dịch vụ môi giới để thỏa thuận về số lượng và giá cả, vì thế, những chợ lao động tự phát xuất hiện.
Tuy vất vả nhưng thu nhập khá
Mùa thu hoạch cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên thường rơi vào mùa khô, thời tiết nắng nóng, khiến công việc của nhân công thêm phần cực nhọc. Thông thường họ phải làm việc cật lực từ khoảng 7 giờ sáng cho tới khoảng 18-19 giờ, chỉ nghỉ ăn cơm trưa ngay tại rẫy, sau đó lại làm tiếp.
Công việc vất vả nhưng bù lại người lao động có thể kiếm được từ 300 đến 400 nghìn đồng một ngày công |
Anh Nguyễn Văn Hồng, 29 tuổi, quê huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đang hái cà phê thuê tại thị xã Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, cho hay, 5 người trong nhóm đồng hương với anh mới từ quê vào làm được hơn 1 tuần nay. Đây đã là mùa cà phê thứ 5 anh và mấy người cùng quê vào đây hái cà phê thuê. Anh Hồng kể: “Công việc hái cà phê tưởng nhàn hạ nhưng kì thực rất vất vả. Đội nắng suốt từ sáng sớm tới tối để làm việc nên mồ hôi tuôn như tắm. Những người yếu khó có thể trụ được với công việc này!”.
Quan sát một nhóm những người làm công việc hái cà phê thuê ở một rẫy ven đường theo hướng từ Lộc Thắng đi xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tôi mới thấy được sự vất vả cực nhọc của họ. Thường là từ 2 người trở lên tập trung hái cho 1 cây cà phê, xong cây này chuyển tiếp cây khác, và tùy theo cây đó nhỏ hay lớn, bởi nếu là cây nhỏ họ có thể trải bạt quây quanh gốc rồi đứng dưới đất dùng 2 tay bứt các chùm cà phê chín cho chúng rơi xuống, để lúc hái xong sẽ thu gom cho vào bao. Nhưng nếu là cây cà phê to, cao, thì ngoài việc đứng dưới đất để hái các cành la, thì lúc lên tới cành cao họ phải bắc ghế, thậm chí đứng thang để hái.
Mặc dù nhân công hái cà phê thuê nào cũng nai nịt áo quần, khăn mũ trùm kín mít, vậy mà khi họ ngừng tay uống nước, nhìn ai cũng sạm nắng. Chị Lê Thị Lanh, một người hái cà phê thuê đến từ tỉnh Ninh Thuận kể rằng, trung bình một ngày chị phải uống từ 3 tới 4 lít nước mới đủ, khi cứ làm việc khoảng 15 đến 20 phút thấy khát là lại phải uống ngay. Chẳng vậy mà các chủ rẫy ngoài chuẩn bị cơm trưa đồ ăn phụ ra, họ còn phải cung ứng các bình nước lọc kèm theo thùng chứa đá lạnh để người làm uống.
Công việc hái cà phê thuê vất vả, cực nhọc là vậy nhưng bù lại họ có mức thu nhập theo thời vụ được xem là… khá; được bao cơm nuôi và từ 300-400.000 đồng/ngày. Nếu ai chỉ làm độ mươi hôm cũng có được từ 3-4 triệu đồng; với những người “cày’ thuê cả tháng trời thì chuyện họ mang theo về quê cả chục triệu đồng, thậm chí hơn là có thật.
Ở các vùng chuyên canh cây cà phê còn có vài kiểu thuê mướn khác, như khoán theo trọng lượng, và trả lương theo tháng! Với những ông bà chủ có diện tích mấy chục, thậm chí cả trăm héc ta, hình thức mà họ “thích” chọn thuê hái cà phê là nuôi ăn rồi trả công theo tháng trung bình cũng từ 9-12 triệu đồng/tháng/người. Và một kiểu thuê hái cà phê theo kiểu khoán ăn theo sản phẩm, dẫu không phổ biến lắm nhưng cũng có một số chủ rẫy thỏa thuận với người làm thuê bằng hình thức này. Tính ra một người làm thuê theo kiểu ăn theo trọng lượng sản phẩm nếu hái được cỡ 5 tạ trái cà phê tươi thì cũng chỉ có mức thu nhập trên, dưới 350.000 đồng/ngày công. Nếu hơn thì cũng chỉ trên 400.000 đồng/ngày công…