Một chặng đường phát triển
Văn hóa - Thể thao 20/03/2018 14:30
Trong năm qua, dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam, Hội đã có những đóng góp tích cực vào thành tích chung của Trung tâm như tham gia đầy đủ các cuộc Hội nghị sơ kết, tổng kết; đóng góp tích cực vào các hoạt động phong trào như văn hóa an toàn giao thông; cổ động triển lãm thiếu nhi; các cuộc Hội thảo khoa học do Trung tâm chủ trì hoặc Hội tự tổ chức cùng các hoạt động văn hóa khác, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần trong Nhân dân.
Đầu năm 2017, Hội có 68 Chi hội cơ sở là những đơn vị hoạt động thơ Đường ở 37 tỉnh thành trong cả nước với trên 2.000 hội viên. Cho đến tháng 11 năm 2017 đã thành lập thêm được 2 Chi hội ở Hoài Đức (Hà Nội) và Lục Nam (Bắc Giang), nâng tổng số lên 70 Chi hội với gần 2.500 hội viên. Một Ban chấp hành (BCH) gồm 17 thành viên trải khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam đảm trách công việc của Hội luôn thể hiện vai trò tiên phong, đoàn kết.
Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 với chủ đề “Mừng Xuân - Mừng Đảng - Đất nước - Biển đảo”, Hội dựng lều thơ tại Vườn thơ Văn Miếu Quốc - Tử Giám (Hà Nội), giới thiệu các hoạt động hằng năm của Hội với những tác phẩm cá nhân và tập thể thu hút nhiều khách tham quan. Ngoài ra, tại nhiều tỉnh thành như Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thái Bình, Yên Bái, Điện Biên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ… các Chi hội thơ Đường luật địa phương phối hợp với ngành văn hóa tổ chức Ngày thơ Nguyên Tiêu hết sức phong phú, tạo không khí sôi nổi.
Quán thơ của Hội thơ Đường luật Việt Nam năm 2018
Để nâng cao nghiệp vụ, Hội đã cho ra mắt 9 tập Chuyên san với nhiều nội dung đặc sắc, ấn tượng. Tổng tập “Thơ Đường luật Việt Nam” lần thứ XII cũng được ra mắt vào đầu quý I năm 2017 với 2.400 bài thơ của 1.200 tác giả ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người. Nét nổi bật của những tác phẩm thơ Đường là nhằm ca ngợi miền đất Nghệ Tĩnh “Địa linh nhân kiệt”, nơi sinh ra nhiều danh nhân, nhà cách mạng yêu nước kiệt xuất.
Đặc biệt, tháng 4/2017, Hội phối hợp với UBND thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An tổ chức thành công Ngày hội thơ Đường toàn quốc lần thứ XII, thu hút 800 đại biểu từ 43 tỉnh thành về tham gia. Theo đánh giá của Giáo sư Hoàng Chương: "Đây là một minh chứng về sức sống dồi dào của thơ Đường luật Việt Nam, mặc dù hầu hết các tác giả không phải là những nhà thơ chuyên nghiệp". Cũng trong năm 2017, Hội thơ Đường luật Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Thơ Đường luật Việt Nam trong dòng văn học yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX” gây được tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu, bảo tồn, góp phần đưa phong trào thơ Đường luật Việt Nam bước sang một giai đoạn mới – giai đoạn không ngừng đổi mới và phát triển.
Để chuẩn bị cho Ngày hội thơ Đường lần thứ XIII năm nay, Hội tổ chức thành công cuộc sáng tác thơ luật Đường về thành phố biển xinh đẹp với chủ đề “Hải Phòng thân yêu qua những áng thơ Đường”, thu hút được 986 tác giả từ các vùng miền với trên 2.000 bài thơ ca, phần lớn những tác phẩm ca ngợi thành phố “Trung dũng, quyết thắng”, truyền thống kiên cường trong đấu tranh và đổi mới trong xây dựng cuộc sống mới.
Sau thành công của ngày Hội thơ luật Đường toàn quốc, Hội tiếp tục tập trung tổ chức những chương trình hội thảo gắn với những danh nhân đất nước, cùng nhau chung sức hướng về hành trình hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Chuẩn bị những sáng tác cho Tổng tập “Thơ Đường luật Việt Nam” tập thứ XIV. Và tập trung cao độ cho ngày Hội thơ Đường lần thứ XIV tại TP Bà Rịa – Vũng Tàu vào đầu năm 2019.
Có thể nói, dưới mái nhà chung của Hội thơ Đường luật Việt Nam, các Chi hội luôn kề vai sát cánh, gây dựng Hội ngày càng vững mạnh, trở thành một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, đóng góp tích cực vào phong trào thơ ca nói riêng và phong trào văn hóa, văn nghệ của nước nhà nói chung. Với những thành tích đó, tin tưởng rằng nguồn sáng tác của Hội thơ đường Luật Việt Nam, một di sản văn hóa quý báu sẽ ngày càng tỏa sáng.
Phúc Minh