Miệt mài giữ nghề truyền thống
Nhịp sống văn hóa 15/10/2021 09:18
Thú vui “cổ tích”
Một ngày tháng 8, chúng tôi tìm về thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội để gặp gia đình nghệ nhân Vũ Văn Sinh - một gia đình có truyền thống làm đèn kéo quân. Trong căn nhà nhỏ rộng rãi của nghệ nhân Vũ Văn Sinh - Nguyễn Thị Hạnh, nằm cuối xóm Hạnh Phúc lúc nào cũng tấp nập đông vui. Có người đến đặt đèn kéo quân, có người đến để được trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống. Nhưng dù đến với lí do gì đi chăng nữa, họ cũng luôn được "mắt thấy, tay sờ” những chiếc đèn, như được sống trong không gian của miền cổ tích.
Ở đây, dường như không ai còn xa lạ với cái tên Vũ Văn Sinh, bởi ông chính là tác giả của chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam vào năm 2006, đã được cả nước biết đến. Ở xã Cao Viên này có lẽ chỉ còn duy nhất gia đình ông “thủy chung” với nghề làm đèn kéo quân. Đến nỗi có người còn bảo ông Sinh bị “hâm”, bởi bây giờ đồ chơi trẻ em ngoại nhập và đồ Trung Quốc tràn ngập khắp phố, “xâm lấn” cả hồn quê thì nghề làm đèn kéo quân lấy đâu ra “đất sống” nữa!
Ai nói mặc ai, gia đình nghệ nhân Vũ Văn Sinh vẫn duy trì làm đèn kéo quân giữ nghề và nhắc nhớ cháu con về nguồn cội. Để làm những chiếc đèn kéo quân lớn nhỏ, những người thợ thường tận dụng ngay những vật dụng quanh nhà như tre, nứa, mây rồi ra chợ mua các loại giấy màu, giấy bóng kính, vải xô… trang trí.
Nghệ nhân Vũ Văn Sinh dán và căn chỉnh chiếc tản đèn |
“Khó nhất trong làm đèn kéo quân là trục và tán quay cho đèn. Trục làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để có thể quay, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ. Với khung bằng tre sẽ được cuốn quanh bằng giấy poluya. Người làm phải dùng keo cố định giấy xung quanh khung, chỉ đề chừa ra một ô để chỗ cho nến, tản đèn. Khi nến được thắp lên, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong và gây chênh lệch nhiệt độ với bên ngoài tạo ra luồng gió len lỏi qua khe của tản đèn và làm các hình ảnh quay vòng. Bóng của chúng được chiếu lên mặt giấy bên ngoài sống động như xem phim”, nghệ nhân Vũ Văn Sinh cho biết.
Điều dễ thấy là những chiếc đèn kéo quân của gia đình nghệ nhân Sinh - Hạnh đều làm từ chất liệu tự nhiên, khác hẳn với những chiếc đèn kéo quân có nguồn gốc từ Trung Quốc bày bán ở phố Hàng Mã, Hàng Gai hiện nay. Nếu chơi đèn kéo quân xong mà cất vào túi bóng cẩn thận thì đèn vẫn bền và có thể chơi được mấy năm liền. Đó là lí do những vị khách quen vào mỗi dịp Trung thu lại tìm đến nhà nghệ nhân Sinh để đặt đèn kéo quân cho con trẻ.
Mới lo nay còn, mai mất…
Hiện nay, trẻ con có nhiều đồ chơi hiện đại, bắt mắt nên các cửa hàng ở phố Hàng Mã không đặt hàng nghệ nhân nữa. Cả năm cũng chỉ lác đác vài khách. Gia đình ông Sinh vẫn cố gắng duy trì nghề làm đèn, vì bây giờ đối tượng đặt đèn kéo quân chủ yếu là các nhà văn hóa, các quán cà phê, các đám cưới... tuy chẳng thấm vào đâu. Hiện, ngoài làm đèn kéo quân, nghệ nhân Sinh vẫn được mời đến các lớp mẫu giáo, các làng trẻ em để hướng dẫn cách làm đèn kéo quân cho các em nhỏ. Thỉnh thoảng một số trung tâm giáo dục thường xuyên đưa những học viên nhí về tận gia đình ông để học làm đèn.
Nghệ nhân Sinh tâm sự: "Tôi đang ế hàng đây, làm từ đầu mùa được mấy chục cái, vứt chỏng chơ trong kho. Hiện nay, gia đình chủ yếu làm pháo bông phục vụ lễ hội, chứ còn làm đèn kéo quân cũng chỉ cho đỡ nhớ nghề. Mấy năm nay, khi có đơn đặt hàng từ các cửa hàng đồ chơi trẻ em hay các quán cà phê thì gia đình vẫn nhận".
Nghệ nhân Sinh - Hạnh bảo, để làm một chiếc đèn kéo quân dù là nhỏ cũng phải mất cả ngày mới xong. Vậy mà bán cũng chỉ được 50 nghìn đồng/chiếc, lãi từ 10 - 20 nghìn đồng. Thế nên người dân làng Đàn Viên không ai làm đèn nữa.
Trả lời câu hỏi tại sao gia đình vẫn gắn bó với nghề làm đèn kéo quân đến tận bây giờ, nghệ nhân Vũ Văn Sinh buồn bã: “Hồi còn nhỏ vì gia đình nghèo, nên mỗi Trung thu về, tôi ao ước có một thứ đồ chơi. Vậy là năm nào tôi cũng làm đèn kéo quân để chơi cho dù nghề này đã mai một. Bây giờ thì cố giữ nghề, nhưng chỉ còn phục vụ một số đối tượng khách hàng và những người hoài cổ. Thật đáng buồn!”.