Lương y cao tuổi có bàn tay vàng
Văn hóa - Thể thao 31/05/2018 09:11
Ông Sinh và tôi cùng học Trường Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, ông về trường Đảng huyện Bình Lục công tác cho đến khi nghỉ hưu rồi chuyển gia đình vào sinh sống ở TP Hồ Chí Minh. Hơn 20 năm mới gặp lại, nhưng tôi thấy ông chẳng khác xưa là mấy. Gần 80 tuổi mà nước da trắng mịn, tóc chưa có sợi bạc, tiếng nói sang sảng và vẫn giữ tác phong của người lính chiến trường.
Năm 1964, khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, ông xung phong vào bộ đội rồi sang chiến đấu ở đất bạn Lào. Đó là thời kì khó khăn gian khổ, cuộc sống bộ đội thiếu thốn nên bệnh tật xuất hiện nhiều. Ông trăn trở, suy nghĩ, tìm cách chữa trị cho đồng đội trong lúc thuốc của đơn vị chưa đến kịp hoặc không đủ đáp ứng. Sẵn có nghề Đông y của ông nội và bố để lại, những lúc nghỉ ngơi, ông vào rừng, vào bản tìm tòi các loại cây lá để làm thuốc chữa bệnh. Có chiến sĩ sáng uống thuốc của ông, chiều đã cắt cơn sốt rét, hôm sau lại tiếp tục lên đường chiến đấu. Được tin ấy, một số đơn vị, có cả bộ đội Pa-thét Lào cũng tìm đến ông xin thuốc, chữa trị.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng lưu niệm cho Lương y Phạm Bá Sinh
Sau 10 năm trên đất Lào, năm 1975 ông được cử đi học chính trị rồi chuyển ngành làm giảng viên trường Đảng huyện cho đến năm 1990 nghỉ hưu. Dù cả hai ông bà đều có lương hưu, có chế độ của người bị nhiễm chất độc da cam, cuộc sống tạm đủ, nhưng ông không chịu nghỉ. Khi vào TP Hồ Chí Minh, ông cùng với vợ, vốn là quân y sĩ từ chiến trường Quảng Trị, mở phòng chẩn trị đông tây y kết hợp chữa bệnh cho mọi người. Tuy tuổi cao nhưng ông không dừng ở kinh nghiệm và sách gia truyền, mà quyết định học Đại học Đông y tại chức để có thêm kiến thức. Phòng chẩn trị y học của ông tiếng tăm lan tỏa, người trong Nam, ngoài Bắc đến chữa bệnh mỗi ngày một đông. Có người chỉ cần liên lạc qua điện thoại ông cũng gửi thuốc về tận nhà.
Người đến chữa bệnh, nếu là quân tình nguyện ở Lào có giấy xác nhận của Hội CCB, ông đều cấp thuốc miễn phí, ai đưa tiền hoặc trả ơn khi khỏi bệnh ông cũng không nhận. Những hộ nghèo có xác nhận của địa phương, ông chỉ lấy một phần tiền thuốc. Với địa bàn nơi cư trú và quê hương, ông cấp học bổng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó, biếu quà những gia đình bất hạnh, mỗi năm từ 300 - 400 triệu đồng...
Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng ở phòng khám, tôi bắt gặp rất nhiều lời cảm ơn của bệnh nhân các vùng miền. Bà Nguyễn Thị Toán, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội viết: "Tôi chỉ là người giúp việc trong gia đình, bị viêm cầu thận cấp, đi mấy bệnh viện không khỏi, nhờ thuốc của ông gửi, tôi đã khỏi bệnh". Ông Phạm Ngọc Nam ở TP Huế, làm phụ hồ bị vôi vữa ăn dẫn đến nhiễm trùng máu, bệnh viện trả về, được ông điều trị khỏi bệnh. Bà Nguyễn Thị Được ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, bị zô-na thần kinh và nhiễm trùng chạy vào thận, đi nhiều bệnh viện chữa không khỏi, sau khi uống thuốc của ông đã ổn định...
Kết quả chữa bệnh của lương y Phạm Bá Sinh đóng góp không nhỏ cho y học nước nhà, phát huy giá trị nhiều bài thuốc quý và phương pháp chữa bệnh độc đáo của y học cổ truyền. Nhiều năm, ông được Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Chương trình giao lưu thầy thuốc ưu tú tiêu biểu mời ra Hà Nội dự hội thảo về những bài thuốc hay, phương pháp chữa trị hiệu quả. Có những lần ông còn được Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm, coi ông là danh y có bàn tay vàng trong chữa bệnh cứu người. Năm 2015, ông được Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam tặng Bằng khen.
Ngày 19/8/2017, ông vinh dự được mời dự chương trình giao lưu thầy thuốc Việt Nam tiêu biểu hội nhập Châu Á -Thái Bình Dương
Vũ Trùng Vương