Liệu có hòa bình với bản kế hoạch lệch hướng?
Quốc tế 01/02/2020 08:30
Tuy nhiên, nếu mục tiêu của Mỹ đúng như tuyên bố suốt 3 năm qua, là thông qua bản kế hoạch này thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột dai dẳng giữa Palestine và Israel, thì có vẻ “thỏa thuận thế kỉ” của Tổng thống Trump đang chệch hướng.
Việc công bố “kế hoạch hòa bình Trung Đông” vào thời điểm này cho thấy phần nào tham vọng của Tổng thống Trump đối với một trong những vấn đề gai góc nhất mà các chính quyền Mỹ trước đây đều phải giải quyết, đúng lúc ông đang theo đuổi mục tiêu tái tranh cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới tại Washington, DC ngày 9/1/2020. Ảnh AFP/TTXVN |
Về mục tiêu chiến lược, Trung Đông chưa bao giờ giảm đi vai trò trong tổng thể chính sách đối ngoại dài hạn của Mỹ. Việc tiếp tục can dự, gây ảnh hưởng, nhất là trong những vấn đề phức tạp như cuộc xung đột Israel-Palestien sẽ giúp Mỹ duy trì được vai trò chủ chốt tại khu vực này.
Theo kế hoạch, Tổng thống Donald Trump đề xuất thành lập Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, kèm theo một số điều kiện, trước hết là người Palestine phải công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, điều mà người Palestine từ trước tới nay kiên quyết bác bỏ. Tổng thống Trump cũng đưa ra một bản đồ đề xuất phác thảo hai nhà nước, theo đó Palestine sẽ có quyền kiểm soát vùng diện tích lãnh thổ lớn gấp đôi, xây dựng một đường hầm nối Bờ Tây và Dải Gaza…
Về phần Israel, theo kế hoạch, Mỹ sẽ công nhận các khu định cư của Israel xây dựng tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine tại khu Bờ Tây, (đang bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế). Điều này đồng nghĩa với việc Washington công nhận chủ quyền của Israel tại một phần khu vực Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan và tất cả các cộng đồng người Do Thái tại Bờ Tây. Đổi lại, Israel sẽ phải đồng ý dừng các hoạt động xây dựng khu định cư mới trong vòng 4 năm trong khi đàm phán vấn đề nhà nước Palestine. Đồng thời, Jerusalem sẽ tiếp tục “là Thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng của Israel”.
Có thể thấy cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với những vấn đề gai góc nhất của cuộc xung đột Trung Đông không có gì mới. Tất cả những động thái của Mỹ được đánh giá là thể hiện sự thiên vị đối với Israel, đều vấp phải sự phản đối gay gắt của Palestine và nhiều nước trên thế giới.
Khi “kế hoạch hòa bình Trung Đông” chỉ là phần tiếp nối của chính sách thời gian qua, rõ ràng việc thực thi “thỏa thuận thế kỉ” trở nên bất khả thi bởi Palestine luôn bác bỏ cách tiếp cận của Mỹ. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định người dân Palestine sẽ phản đối đề xuất trên và sẽ không chịu đầu hàng, đồng thời lên án thỏa thuận trên là một âm mưu, là “cái tát thế kỉ” đánh vào tiến trình hòa bình Trung Đông. Cùng với Palestine, một số quốc gia khác như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng lên tiếng phản đối, cho rằng kế hoạch sẽ hủy hoại giải pháp hai nhà nước và cưỡng đoạt lãnh thổ Palestine.
Như vậy, khi Mỹ chưa thể đứng trên lập trường cân bằng trong vấn đề này thì các giải pháp của Washington để giải quyết bài toán xung đột Trung Đông khó có thể mang tính khả thi và hàm chứa nhiều rủi ro. Bản kế hoạch thiên lệch này không dựa trên sự cân bằng về lợi ích cho các bên mà chỉ nhằm phục vụ toan tính của Mỹ và Israel sẽ tiếp tục đẩy Trung Đông lún sâu thêm vào khủng hoảng