Lễ hội đền Cuông nhắc nhở mọi người bài học cảnh giác
Văn hóa - Thể thao 11/03/2018 08:22
Mất cảnh giác, sụp đổ một triều đại
Năm Giáp Thìn ( 257 trước Công nguyên) Thục Vương dẹp yên mọi nơi xưng là An Dương Vương, cải Quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê (nay thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Hai năm sau, An Dương Vương xây thành Cổ Loa. An Dương Vương lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tần của người Âu Lạc. Nhà Tần suy, Triệu Đà đem quân sang đánh nước Âu Lạc. Nhưng nhờ có nỏ thần, bắn một phát giặc chết hàng vạn tên. Nên Triệu Đà không thể đánh được An Dương Vương. Triệu Đà dùng kế hòa hoãn cho con trai Trọng Thủy sang lấy Mỵ Châu con gái An Dương Vương để do thám.
Lấy được Mỵ Châu Trọng Thủy hỏi dò vợ: “Bên Âu Lạc có tài gì mà không ai đánh được”. Mỵ Châu nói chuyện cái nỏ và lấy cho chồng xem. Trọng Thủy lấy cái móng thần Kim Quy cho An Dương Vương đi, thay một cái lẫy giả vào nỏ, rồi về báo với cha. Trước khi về Trọng Thủy hỏi Mỵ Châu: ta về nếu có giặc biết nàng đâu mà tìm. Mỵ Châu bảo: “Thiếp có chiếc áo lông ngỗng, đi đến đâu thiếp lấy lông rắc ra dọc đường”.
Trọng Thủy về tâu với cha, Triệu Đà khởi binh sang đánh Âu Lạc ngay. An Dương Vương cậy có nỏ thần đợi khi giặc đến chân thành mới đem nỏ ra bắn, thấy không còn hiệu nghiệm nữa. An Dương Vương đem Mỵ Châu lên ngựa chạy về phía Nam. Chạy đến núi Mộ Dạ (thuộc huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An ngày nay) sát bờ biển, vua thấy giặc đuổi kíp quá, mới khấn Kim Quy lên cứu. Kim Quiynói rằng: “ Giặc ngồi sau lưng nhà vua đấy!”. An Dương Vương uất quá rút gươm chém Mỵ Châu nhảy xuống biển tự tử. nước Âu Lạc rơi vào tay quân thù.
Đền Cuông
Ngôi đền linh thiêng, lễ hội long trọng
Đền thờ An Dương Vương chưa có tài liệu nào ghi xây dựng năm nào, nhưng theo Nhân dân địa phương và các cụ lão nho cho rằng ,trước đây chỉ một ngôi miếu nhỏ nằm ở núi Đầu Cân. Đến thời Hậu Lê mới chuyển lên núi Mộ Dạ gọi là đền Cuông. Đền Cuông nằm lưng chừng núi Mộ Dạ, sát đường Quốc lộ 1A đứng dưới trông lên cổng tam quan cao vời vợi, khá nguy nga, cấu trúc kiểu chữ tam, có bái đường, trung điện, thượng điện. Ngọn núi dựng đền Cuông mang theo dáng “Phượng hàm công” (con phượng ngậm thư), phía sau là biển cả mênh mông. Vào đền ta bắt gặp hai câu đối ở mặt ngoài cột nanh của Hoàng giáp Đặng Văn Thụy:
Vạn cổ anh linh khai cố quốc
Cửu trùng cung điện đối Cao sơn
(Ngàn năm văn hiến khai Tổ quốc
Cửu trùng cung điện sánh Cao sơn)
Qua cổng tam quan có tác môn, tả vu, hữu vu, bái đường. Bái đường một ngôi nhà ba gian hai hồi, một bức hoành phi treo ở giữa đề 4 chữ: “ Viêm phương triệu tích” (phương Nam dựng sự tích) do Phạm Phú Thứ bái phụng. Dưới hoành phi là một hương án cao to. Dưới chân hương án là giếng Ngọc. Tương truyền giếng Ngọc ngày xưa thông ra biển. Bái đường nằm sát Trung điện. Trung điện có tường bao quanh hai câu đối hai đầu hồi có vẽ cuốn thư. Cột cánh hai hoành phi treo câu đối:
Âu lạc thiên thu khai cố quốc
Mộ Sơn vạn cổ ngưỡng thần từ
Bàn thờ đặt giữa thờ tướng Cao Lỗ, có một pho tượng thay cho bài vị.
Từ Trung điện qua một cái sân nhỏ đến Thượng điện, đây là nơi thờ An Dương Vương. Trước điện có ba chữ “ Phối cao thiên “ (sánh với trời cao). Thượng điện kiến trúc theo kiểu nhà gác chếnh, mẹ tròn, con vuông, nhà nhỏ hơn, cột to hơn. Tượng của An Dương Vương đúc bằng đồng đặt ngay phía trước, lớn bằng người thực, mặc triều phục, trông uy phong lẫm liệt. Cung thờ An Dương Vương ghép ván, sơn màu đỏ vẽ hình trang trí, bài vị phủ vải điều. Bức hoành phi treo trên cao có ba chữ:: Tế như tại (Tế ngài như còn sống ở đây).
Đền thờ An Dương Vương đẹp, cổ kính nguy nga, linh thiêng quanh năm cây cối xanh tươi.
Hàng năm vào ngày 15 tháng 2 âm lịch người dân khắp cả nước về đây dự Lễ hội đền Cuông. Nhưng trước đó ngày 12 tháng 2 âm lịch tổ chức Lễ khai quang: dâng dương xin các vị về trời để nhân dân dọn dẹp trong đền các khu vực xung quanh chuẩn bị cho Lễ hội được chu đáo. Tiếp sau đó Lễ cáo trung thiên tổ chức sau khi kết thúc công việc dọn dẹp. Lễ yết diễn ra tối ngày 14 tháng 2 âm lịch. Theo đúng thông lễ diễn ra vào lúc 22 giờ khuya trở đi. Nhưng nay theo yêu cầu của bà con địa phương thường tổ chức khoảng 17 giờ ngày 14 tháng 2 âm lịch. Lễ yết gồm 6 bước, tiến hành qua 35 lần xướng. Nội dung Lễ yết là xin phép được mở Lễ và mời các ngài về dự Lễ.
Lễ rước có 3 phần: rước vua và công chúa vi hành, lễ rước kiệu từ nhà thờ họ Cao và đình Xuân Ái về đền Cuông. Lễ đại diễn ra sáng ngày 15 tháng 2 âm lịch. Buổi Lễ diễn ra sự phối hợp nhịp nhàng giữa đông xướng, tây xướng, nhạc công, người hàng lễ. Kết thúc phần hành lễ mở cửa tam quan cho nhân dân vào thắp hương. Lễ tất tổ chức vào ngày 16 tháng 2 âm lịch.
Phần hội được tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: chơi cờ, thi, vật, hoạt động văn nghệ, hát chầu văn.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, Lễ hội đền Cuông còn nhắc nhớ mọi người về bài học cảnh giác. Sự sụp đổ của một triều đại cách đây mấy ngàn năm vẫn nóng hổi tính thời sự..
Bài và ảnh: Hải Hưng