Lãng phí... điển hình!
Trong mắt người già 02/12/2024 08:57
Công viên này có diện tích 11,8ha nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân và quận Nam Từ Liêm, khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành trong năm 2017, nhưng đến nay đã 8 năm vẫn chưa đi vào hoạt động. Hiện tại, các hạng mục trong công viên đã được đầu tư cơ bản nhưng dự án vẫn “đang ngủ”. Còn đại diện chủ đầu tư cho biết, với những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và thủ tục, thì rất khó để hoàn thành dự án như “trát” của Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh. Có lẽ vì thế mà thời gian qua dư luận ở Hà Nội cho rằng, Công viên hồ Phùng Khoang là “điển hình về lãng phí”.
Công viên hồ Phùng Khoang |
Nhưng Hà Nội không chỉ lãng phí... chừng đó. Mới đây, khi rà soát, thành phố thấy còn 712 dự án chậm tiến độ. Vì “nước đã đến chân” nên, UBND thành phố quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để một số dự án khởi động trở lại. Với những dự án không thể triển khai, thành phố thực hiện các biện pháp thu hồi.
Đáng nói, 712 dự án này đều đã triển khai hơn 10 năm nay. Chưa hết, Hà Nội hiện còn nhiều trụ sở cơ quan nhà nước nằm rải rác, nhiều nhất là trên địa bàn quận Hà Đông đang trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Tại Nghệ An, Dự án xây mới Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Dự án cơ sở 2 Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật (đứng chân ở TP Vinh) được UBND tỉnh phê duyệt năm 2018 đến nay vẫn... dở dang. Nguyên nhân chính được cho là do tỉnh không bố trí đủ nguồn vốn nên các dự án "đắp chiếu" dài dài. Cũng do không được sử dụng nên nhiều hạng mục của hai dự án trên trở thành hoang phế.
Tình trạng lãng phí ở nước ta có tờ báo giật tít là “khủng khiếp”. Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nói rất gay gắt về sự lãng phí, cần phải chấn chỉnh. Để thực hiện mệnh lệnh của Tổng Bí thư, việc đầu tiên là phải kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập đến dự toán, quyết toán; mua sắm, trang bị, quản lí và sử dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị làm việc. Đặc biệt, quản lí các dự án đầu tư sử dụng vốn, tài sản Nhà nước; sắp xếp lại, xử lí nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; quản lí, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
Lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làm suy giảm các nguồn lực, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, cạn kiệt tài nguyên. Lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Rất mong hệ thống chính trị các cấp tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cạnh đó, các ngành, các cấp phải giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, để đất nước phát triển.