Làm rõ sai sót trong kì thi tuyển sinh THPT tại tỉnh Thái Bình
Giáo dục 09/08/2024 10:04
Lá đơn của một phụ huynh nêu rõ: “Khi nhận điểm thi, gia đình tôi và rất nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên các trường THCS trong toàn tỉnh vô cùng bất ngờ và bức xúc, bởi điểm số không phản ánh đúng kết quả làm bài của học sinh. Mặc dù được động viên, nhưng con tôi và các cháu bị sốc tinh thần, trầm cảm, tâm lí không ổn định, cha mẹ luôn phải canh giữ và không yên tâm làm việc trong một tháng nay”.
Trước tình hình đó, ngày 30/7 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình xem xét, quyết định tổ chức thanh tra đột xuất kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) của tỉnh. Ngày 31/7/2024, UBND tỉnh lập đoàn thanh tra, đồng thời tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Hiến, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GD&ĐT để tiến hành thanh tra.
Kết quả trước và sau phúc khảo của một thí sinh ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. |
Trong kì thi vào lớp 10, tỉnh Thái Bình có 20.500 thí sinh dự thi tại 30 hội đồng với 32 điểm thi, trong đó có 1.100 học sinh dự thi tuyển vào các lớp chuyên Trường THPT chuyên Thái Bình. Số thi sinh này thi 2 môn Toán, Ngữ văn theo hình thức tự luận; môn Tiếng Anh thi trắc nghiệm. Đây cũng là năm cuối cùng tuyển sinh lớp 10 theo chương trình Giáo dục cũ (năm 2006). Theo kết quả thi và điểm chuẩn trúng tuyển cả hai đợt do Sở GD&ĐT công bố, toàn tỉnh có 14.240 thi sinh trúng tuyển đợt 1 và 1.520 thí sinh trúng tuyển đợt 2. Nhiều học sinh chấm ban đầu các môn Toán, Ngữ văn chỉ đạt 2 - 4 điểm (trong đó có nhiều học sinh giỏi) nhưng sau khi phúc khảo bỗng tăng lên 8 - 9 điểm. Có trường hợp môn Toán chấm lần đầu chỉ 3,75 điểm nhưng phúc khảo tăng lên 9,5 điểm (chênh lệch 5,75 điểm). Rất nhiều học sinh có nguyện vọng đăng kí vào Trường THPT chuyên Thái Bình và Trường PTTH Nguyễn Đức Cảnh, hai trường thuộc nhóm đầu trong tỉnh nhưng kết quả điểm thi lại rất thấp.
Như vậy có hay không việc bảo đảm tính chính xác, tính khách quan trong việc chấm thi? Động cơ nào “đánh trượt” nhiều học sinh giỏi, trong khi tỉ lệ chọn rất cao và thực tế cuộc thi vào lớp 10 còn gian nan hơn cả thi tốt nghiệp THPT để chọn vào đại học, nhất là thí sinh thi vào các trường chuyên.
Qua phúc khảo theo đơn của phụ huynh và học sinh cho kết quả rất nhiều trường hợp điểm chấm lần 1 với điểm sau phúc khảo chênh lệch “một trời một vực”. Xin dẫn chứng một số ví dụ cụ thể sau đây. Ở môn Toán: Số báo danh (BD) 270715 điểm thi chấm lần 1 chỉ 1,7 điểm, phúc khảo lên 4,7 điểm; số BD 260714 điểm lần 1 là 3,75 điểm, phúc khảo là 9,5 điểm; số BD 220255 điểm lần 1 là 6 điểm, phúc khảo lên 8,25 điểm; số BD 260233 lần1 là 5,5 điểm, phúc khảo lên 9 điểm; số BD 260313 lần 1 là 4,25 điểm, phúc khảo lên 9 điểm; số BD 220313 lần 1 là 5 điểm, phúc khảo lên 8 điểm; số BD 2770078 điểm lần 1 là 5,5 điểm, phúc khảo lên 9,5 điểm… Ở môn Ngữ văn: Số BD 260458 và 260458 điểm lần 1 là 4 điểm, phúc khảo lên 7,5 điểm; số BD 180408 lần 1 là 4,5 điểm, phúc khảo lên 7,75 điểm; số BD 220313 lần 1 là 5 điểm, phúc khảo lên 8 điểm…
Vì thế, sau ngày 16/7 khi có kết quả phúc khảo khiến mọi người bất ngờ khi nhận thấy hàng loạt điểm bị “chấm sai”, thậm chí có những thí sinh điểm Toán lần đầu chỉ 2 - 3 điểm, qua phúc khảo thì tăng lên 8 - 9 điểm. Từ đó, dư luận phụ huynh, học sinh, đội ngũ giáo viên ở tỉnh Thái Bình cực kì bức xúc về hiện tượng bất bình thường trong kì thi vào lớp 10. Đó là các cháu có bố mẹ làm đơn khiếu nại, hoặc tự học sinh khiếu nại nên được phúc khảo. Vậy còn biết bao học sinh khác không được phúc khảo sẽ thiệt thòi ra sao? Những tổn thất về điểm thi và tinh thần con trẻ ai chịu trách nhiệm?
Vụ việc chấm thi vào lớp 10 THPT năm 2024 ở tỉnh Thái Binh khiến mọi người nhớ lại kì thi tốt nghiệp PTTH để lấy điểm vào đại học năm 2018 đã xảy ra hàng loạt vụ án hình sự ở các tỉnh Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La. Cán bộ quản lí giáo dục, những ngườì chấm thi và cả cán bộ Công an đã có hành vi nâng điểm trắng trợn đối với hàng trăm bài thi của thí sinh là con cái rất nhiều quan chức trong tỉnh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ để nâng điểm, “đổi trắng thay đen”, gây choáng váng dư luận xã hội. Ngành Giáo dục 3 tỉnh này thuộc diện yếu kém, được coi là “điểm lõm” nhưng lại có kết quả điểm thi cao ngất ngưởng, nhất là điểm các môn Tự nhiên cao nhất cả nước, hơn cả các thành phố lớn. Năm 2020, các vụ án “thổi điểm” ở 3 tỉnh đó đã được đưa ra xét xử: 5 bị cáo ở tỉnh Hà Giang, 12 bị cáo ở tỉnh Sơn La, 15 bị cáo ở tỉnh Hoà Bình là những cán bộ quản lí Giáo dục, Công an sở tại đã nhận các bản án thích đáng; hàng chục cán bộ, đảng viên khác bị xử lí kỉ luật …
Đó là sự xuống cấp về đạo đức, nhân cách của một số người có hành vi cố ý làm trái của cán bộ ngành Giáo dục và căn bệnh trầm kha chạy theo thành tích làm xòi mòn lòng tin của Nhân dân, hạ thấp chất lượng giáo dục, làm méo mó “cánh cửa” vào đại học, vào lớp 10 của không ít học sinh có học lực tốt (bị hạ thấp điểm) để một loạt học sinh yếu kém giành điểm cao trong các kì thi.
Vụ việc “thổi điểm” ở 3 tỉnh nêu trên là bài học đắt giá còn nguyên giá trị cho ngành Giáo dục. Vậy mà, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình qua chấm thi vào lớp 10 năm 2024 không rút kinh nghiệm cho mình. Từ đó, cần làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ này và xử lí nghiêm vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.,.
Hãy chờ kết quả sau thanh tra vụ việc nghiêm trọng này ở tỉnh Thái Bìnhn