Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, NCT vượt qua dịch bệnh
Kinh tế 16/09/2021 07:52
Dịch Covid-19 có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp và kéo dài khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có không ít người cao tuổi (NCT) làm chủ bị ảnh hưởng nặng nề và suy giảm sức chống chịu, nguồn lực dự trữ dần cạn kiện.
Nghị quyết số 105/NQ-CP hướng đến mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đối tượng này gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19. Với tinh thần đó, Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất, quyết liệt chống dịch Covid-19 đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với việc tiếp tục phân bổ hợp lí, hiệu quả nguồn vaccine phòng chống Covid-19 tới các đối tượng ưu tiên tiêm (trong đó có NCT), trong tháng 9/2021, Bộ Y tế sẽ ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị trên mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện tự xét nghiệm và công nhận xét nghiệm; nghiên cứu xây dựng cơ chế, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vaccine, Nhà nước thực hiện kiểm tra chất lượng, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vaccine miễn phí.
Chế biến cá tra xuất khẩu. |
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% huyện, xã; ban hành Sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó với Covid-19. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành xây dựng cơ chế đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam. Các địa phương chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn. Các nền tảng ứng dụng công nghệ phục vụ cho công tác phòng chống dịch, bảo đảm lưu thông lực lượng lao động, phương tiện, hàng hóa cần thống nhất, đồng bộ, dễ cài đặt, ứng dụng ở nhiều địa phương, tránh gây phức tạp phiền hà cho người sử dụng, nhất là với số lao động là NCT.
Thứ hai, bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.
Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa thông suốt, nhanh chóng và thuận lợi. Không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống và nguyên liệu sản xuất. Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, không để đứt gãy sản xuất đồng thời giúp tiêu thụ sản phẩm (trong đó có sản phẩm do các hội nông dân NCT làm ra). Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ kí số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực theo quy định của bộ, cơ quan để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hóa.
Các địa phương cùng với doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương. Đánh giá đầy đủ khả năng của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong việc áp dụng mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến”, “3 tại chỗ” và “3 cùng” để có mô hình áp dụng phù hợp. Triệt để tháo gỡ tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng chống dịch Covid-19 (ưu tiên tiêm cac-xin cho đội ngũ lái xe, tạo “luồng xanh” để nhanh chóng vận chuyển hàng hoá cung ứng các cơ sở sản xuất, chế biến và đặc biệt phòng dịch cho đội ngũ làm công tác này).
Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Các bộ ngành khác xem xét các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ tiền điện nước, gia hạn tiền nộp khai thác tài nguyên, chích sách lãi suất thấp cho doanh nghiệp… Riêng đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, xem xét miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên trong năm 2021 và 2022; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được giảm đóng phí công đoàn theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong quá trình sửa đổi Luật Công đoàn, nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
Các ngân hàng cần có nhiều hình thức cho vay vốn linh hoạt (thế chấp bằng sản lượng nông sản sau thu hoạch, tín chấp thông qua các tổ chức chính trị-xã hội đảm bảo…) để các DN, đặc biệt các hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có hộ nông dân NCT) được vay vốn ưu đãi, tái sản xuất.
Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi về lao động và chuyên gia.
Trong tháng 9/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo địa phương nới lỏng một số quy định, điều kiện cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch. Nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục rút gọn cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thỏa thuận với người lao động tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch bệnh và theo quy định.