Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát
Kinh tế 18/05/2024 09:59
Các đại biểu tham dự cuộc họp đã phân tích, thảo luận sâu về tình hình kinh tế quốc tế, nhất là việc một số nước điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ và tác động tới Việt Nam; các vấn đề liên quan điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ trong nước như: Tình hình tỉ giá, lãi suất, diễn biến thị trường vàng, lạm phát, thu ngân sách, chi tiêu công, dư địa chính sách tiền tệ, những thách thức đối với điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ. Đặc biệt, các đại biểu rà soát và đề xuất một số giải pháp điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ thời gian tới phù hợp với tình hình.
Đánh giá tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường, với phương châm phải phòng ngừa từ sớm, từ xa, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm; đồng bộ các công cụ chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lí với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm hài hòa, hợp lí giữa tỉ giá và lạm phát phù hợp với xu hướng giảm phát của thế giới; sử dụng hợp lí các công cụ thị trường như bơm tiền ra - rút tiền về, can thiệp thị trường ngoại tệ phù hợp. Trong đó bơm tiền ra thì phải giảm lãi suất cho vay phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế cho người dân.
Cùng với đó, tiếp tục có giải pháp, tăng cường quản lí thu, tăng thu ngân sách nhà nước; quản lí chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lí, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước, siết chặt kỉ luật, kỉ cương tài chính.
“Không để tỉ giá ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành tỉ giá về tiền gửi có thể linh hoạt; tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng; tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay; tăng cường số hóa; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 5-6% ngay trong quý II này; tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay 1-2%”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thúc đẩy đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Nhà nước, các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia, các công trình có tính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, nhà ở xã hội; nghiên cứu phát hành trái phiếu, huy động mọi nguồn lực xã hội, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư vào các công trình, dự án hạ tầng, trước mắt cần huy động ngay khoảng 100 nghìn tỉ đồng phục vụ các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025; tập trung vốn cho các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nhà ở xã hội…
Về điều hành thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động triển khai ngay các công cụ, giải pháp quản lí, điều hành và bình ổn thị trường vàng phù hợp, kịp thời và hiệu quả hơn nữa; tiếp tục rà soát kĩ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lí hoạt động kinh doanh vàng; kiểm tra, giám sát, kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng tại các doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lí nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm, nhất là buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thông tin, truyền thông phản ánh kịp thời, đúng tình hình, tạo đồng thuận trong xã hội; thực hiện hiệu quả các chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân.