Kiểm toán Nhà nước chỉ ra loạt nhà ở xã hội tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh rao bán sai đối tượng, sai mục đích
Bất động sản 20/08/2021 13:20
Sai phạm trong quy hoạch dự án
Theo Kiểm toán Nhà nước đánh giá, chương trình nhà ở xã hội (NƠXH) năm 2020 tại 2 địa phương là thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều thực hiện chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, Hà Nội chỉ đạt 16% tổng diện tích sàn; TP. Hồ Chí Minh đạt 69% so với kế hoạch.
Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án NƠXH khi chưa có trong kế hoạch. Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, đã gồm 9 dự án được chấp thuận đầu tư từ năm 2014 trở về trước và xây dựng hoàn xong năm 2017. Chưa kể, 22 dự án đã được chấp thuận đầu tư trước khi có Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016-2025.
Ngoài ra, các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn quận 9, 12 và Bình Tân của TP. Hồ Chí Minh không xác định cụ thể vị trí khu vực để phát triển NƠXH. Một số dự án tại TP. Hồ Chí Minh được hoán đổi 20% diện tích đất để phát triển NƠXH bằng một khu đất khác không có trong quy định như Khu dân cư và công viên Phước Thiện, Khu dân cư Hoàng Nam ở phường An Lạc quận Bình Tân.
Còn tại Hà Nội, có 25 dự án đã được duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa có trong danh mục dự án phát triển NƠXH kèm theo kế hoạch, chưa xác định rõ quy mô quỹ đất dành cho NƠXH tại mỗi phân khu quy hoạch. Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 có quy mô từ 10ha trở lên có tỷ lệ bố trí đất ở NƠXH chưa đạt nguyên tắc dành bình quân 25% diện tích đất ở theo Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc cho phép nộp bằng tiền thay cho việc bắt buộc dành quỹ đất 20% phát triển NƠXH đối với các dự án có quy mô sử dụng đất dưới 10ha là trái với quy định của Luật Đất đai năm 2013. Cả 2 địa phương là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều chưa có hướng dẫn, quản lý, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nộp số tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% vào ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng NƠXH.
Việc lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán chưa chính xác về khối lượng, đơn giá, chưa xác định rõ diện tích chung, riêng, phương án tài chính còn sai sót làm ảnh hưởng giá bán, cho thuê.
Loạt nhà ở xã hội tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh rao bán sai đối tượng, sử dụng sai mục đích. |
Kết quả kiểm toán còn cho thấy một số tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách như chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án NƠXH. Điển hình như, cơ chế ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP còn chưa thống nhất với Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bán NƠXH sai đối tượng, sử dụng sai mục đích
Tại Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2020 cho thấy, tại 5 dự án được kiểm toán chi tiết ở TP. Hồ Chí Minh có 85 trường hợp người được mua, thuê NƠXH có dấu hiệu đã có nhà ở; 64 trường hợp người được mua, thuê NƠXH có giao dịch ủy quyền về NƠXH. Tại 2 dự án ở Hà Nội được kiểm toán chi tiết có 122 khách hàng được mua, 16 khách hàng được thuê NƠXH sử dụng không đúng mục đích.
Trước đó, theo kết quả kiểm toán hoạt động chương trình NƠXH của Hà Nội giai đoạn 2015-2018, đánh giá về việc phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý đối với các trường hợp vi phạm muc đích sử dụng NƠXH, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, các quy định hiện hành chưa rõ về trách nhiệm theo dõi, phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm mục đích sử dụng, không đảm bảo giải quyết được đầy đủ các trường hợp vi phạm mục đích sử dụng, không để cập cơ chế phối hợp, trao đổi và cung cấp thông tin giữa các cơ quan chức năng (Sở Xây dựng, Công an). Đồng thời không ràng buộc được trách nhiệm kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư dự án NƠXH.
“Sở Xây dựng Hà Nội chưa cung cấp được các kế hoạch kiểm tra cũng như phát hiện xử lý trường hợp vi phạm mục đích sử dụng NƠXH theo chức năng nhiệm vụ được giao” – Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Từ đó, Kiểm toán kiến nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thanh, kiểm tra rà soát để đảm bảo các dự án nhà ở xã hội được sử dụng đúng mục đích. Bên cạnh đó, cần xử lý các đối tượng mua dưới dạng công chứng hợp đồng ủy quyền toàn diện hoặc đã có nhà, không phải thu nhập thấp vẫn được mua nhà xã hội.
Tại báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2021, Bộ Xây dựng cũng lưu ý các địa phương về nội dung báo chí phản ánh tại một số tỉnh/thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… xuất hiện hiện tượng trên các trang thông tin về bất động sản, rất nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc NƠXH. Vì vậy, người mua nhà cần hết sức tỉnh táo trước những thủ đoạn trên, tránh tình trạng "tiền mất tật mang".
Thanh Hóa: Dự án nhà ở xã hội 379 chính thức mở bán Sau thời gian thi công khẩn trương, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá vật tư xây dựng ... |
Chung cư giá rẻ liệu đã hết thời, khiến người mua đỏ mắt kiếm tìm? Theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2021, tại các đô thị lớn, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ với mức ... |
Bắc Ninh đầu tư xây dựng 11 dự án nhà ở xã hội UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Quyết định số 559/QĐ-UBND phê duyệt danh mục dự án nhà ở xã hội cần đầu tư xây ... |