“Khúc tráng ca Thành Cổ” - niềm tự hào của thế hệ trẻ Việt Nam
Văn hóa - Thể thao 05/12/2023 14:54
Đến năm 1972, tôi đã có 13 năm tuổi quân; là cán bộ của Trung đoàn 16 pháo binh trực thuộc Bộ tư lệnh 381 vào phối thuộc với quân khu Trị Thiên Huế từ năm 1973, vậy mà vẫn phải ngưỡng mộ các sinh viên nhập ngũ từ các trường đại học vào thành cổ chiến đấu về chí khí và nghị lực cùng tình yêu đất nước và lòng căm thù giặc.
Đã 48 năm đất nước bước ra khỏi chiến tranh, 51 năm sau chiến thắng thành cổ Quảng Trị mới có dịp được đọc cuốn “Khúc tráng ca Thành Cổ”. Cuốn sách gần 500 trang của gần 90 tác giả viết ở nhiều thể loại khác nhau như: Thơ, nhạc, nhật kí, ghi theo lời kể cũng như tự chuyện của chính những đồng chí trực tiếp tham gia chiến dịch ngày đó, là sinh viên từ các trường đại học như: Bách khoa, Sư phạm, Tổng hợp Văn cho đến Thủy lợi, Nông nghiệp. Nội dung của các tác phẩm dù ở thể loại nào đều nói lên tình yêu đất nước, chí căm thù giặc và trách nhiệm của tuổi trẻ với sự hi sinh vì độc lập tự do như lời dạy của Bác Hồ.
“Khúc tráng ca Thành Cổ” càng đọc càng nhìn thấy sự gian truân ác liệt có một không hai của những người lính là sinh viên từ các trường đại học, trong đó có cả một số là cán bộ giảng dạy. Tuổi xuân phơi phới đứng trước một tương lai rực rỡ của con đường công danh. Họ biết chiến trường Thành Cổ là gian khổ ác liệt, nơi từng giây phút đối đầu cái chết. Một tác giả kể về lá đơn viết trước giờ nhập ngũ. Lá đơn không viết bằng máu mà chỉ viết bằng mực Cửu Long thôi nhưng cảm nghĩ của anh khiến người đọc nhỏ lệ. Lá thư viết vào giờ tạm vắng tiếng đạn bom. Thư viết: “Mẹ kính yêu, lá thư này con viết giờ này hôm nay, có thể ngay giờ sau ngày mai con sẽ không còn nữa bởi bom đạn quân thù, song mẹ cũng không phải buồn vì chiến tranh, chiến tranh vì độc lập, con cũng như anh em khác không phải con của mẹ…”.
Một sự việc khác xảy ra ở tiểu đội thuộc Sư đoàn 325 chiến đấu để giữ thành Quảng Trị trong thời điểm khốc liệt nhất, ta quyết giữ, địch quyết chiếm để tạo thế cho hội nghị Pa- ri. Tại một căn hầm phòng thủ đang bị cắt đứt bởi công tác tiếp viện, thiếu nước uống nghiêm trọng. Cuối cùng đã phải dùng tới nước tiểu của nhau để mà hoàn thành nhiệm vụ.
Một mẩu chuyện khác: Một bà mẹ ở Hà Nội có 2 người con đều là sinh viên đại học, đều trúng tuyển nhập ngũ cùng ngày, cùng vào Sư đoàn 325. Trước giờ nhập ngũ tại gia đình bà mẹ có nói với 2 con: Trường hợp này nếu mẹ nói thì 1 trong 2 con sẽ phải ở lại. Nhưng không! Các con cứ vui vẻ mà đi vì nhiệm vụ mẹ chờ đón các con ngày trở lại. Rất may là 2 anh đều đã trở về nguyên vẹn.
Còn nhiều nhiều lắm, ai đó được đọc “Khúc tráng ca Thành Cổ” mới thấy được sự ác liệt hi sinh ở nơi đây đến thế nào. Đúng là chỉ có lòng yêu nước và tự hào dân tộc mới có thể làm nên.
Đúng là tuổi trẻ Việt Nam dám hi sinh vì nghĩa lớn.