Khám phá những vườn chim ở Nam Bộ
Xã hội 27/06/2023 09:47
Được Hội NCT tỉnh Vĩnh Long tận tình hướng dẫn, chúng tôi đến ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn gặp ông Lê Văn Chìa, 77 tuổi, đã có 16 năm bảo vệ hàng nghìn con chim trú ngụ đất nhà.
Qua trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của ông Hai Chìa dành cho đàn chim trời, lúc nào cũng chăm lo bảo vệ, tìm mồi cho chúng trong vườn nhà mình và vẫn mỉm cười, an vui với câu nói: “Ngày xưa, khi chưa có chim trời bay về đây trú ngụ, vườn trái cây sum suê đã nuôi gia đình, nuôi các con tôi ăn học. Hơn mười mấy năm qua, vì đàn chim trời này mà gia đình tôi thất thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng để giữ sự bình yên, nếu đàn chim về đây ngày càng đông hơn, chúng tôi đã mãn nguyện lắm rồi. Ngày ngày, vợ chồng tôi ở nhà ngắm đàn chim trời và canh giữ không cho ai quấy phá, tiền thì các con chu cấp mỗi tháng, hưởng niềm vui tuổi già”.
Ông Hai cho biết, khoảng giữa năm 2007, vườn nhãn nhà ông bỗng xuất hiện đàn vạc vài chục con. Lúc đầu, ông nghĩ, chúng trú tạm thời gian ngắn rồi đi, nhưng do quý đàn vạc này nên gia đình ông canh giữ không cho ai bắn phá. Như hiểu được tấm lòng của ông, chúng trú ngụ ngày càng nhiều hơn và cứ thế ngày càng sinh sôi nảy nở, hiện tại theo ước lượng có thể lên đến hàng nghìn con. Cứ khoảng 5 - 6 giờ sáng mỗi ngày, ở khu vườn của ông, có từng đàn, từng đàn vạc bay về. Mỗi đàn có vài chục con đến cả trăm con biểu diễn với những đường bay uốn lượn và tiếng đập cánh phành phạch hòa lẫn trong tiếng kêu oạc, oạc, oạc làm xao động cả một vùng trời và đậu lại trên những cây nhãn, cây đủng đỉnh,... tạo nên một khung cảnh tuyệt vời không kém gì với các khu bảo tồn động vật hoang dã trên thế giới.
Lần theo bước chân nhè nhẹ của ông Hai Chìa đi vòng quanh khu vườn nhãn, chúng tôi thấy trên những nhánh nhãn san sát những tổ chim lớn. Vào đến giữa khu vườn, ông Hai vỗ tay vài cái thì ào ạt hàng trăm con chim lớn như con cò và có màu xám ngắt bay ra kêu “oạc... oạc...”. Ông Hai khẳng định, đây là loài vạc cùng họ với cò nhưng khác màu và thân mình to hơn, chân và mỏ cũng có vẻ ngắn hơn cò.
Ông Hai cho biết: “Chỉ tính riêng khu vườn cho vạc ở là 15 công, mỗi công trồng 20 cây nhãn, mỗi cây nhãn hơn 25 năm tuổi, tính nhẹ nếu bình thường thì mỗi cây cũng cho cả trăm kí nhãn một năm, lại thêm măng cụt cũng đã gần 20 năm tuổi. Nhưng đàn vạc trú ngụ làm thiệt hại hoàn toàn, nếu tính mỗi năm gia đình tôi thất thu cả vài trăm triệu đồng”.
Sống cách nhà lão nông Hai Chìa chừng 500m, ông Sơn Khen, 88 tuổi, cũng không khỏi ngạc nhiên khi nhắc đến ông Hai Chìa. Ông nói: “Tui đi buôn trái cây khắp cả cái đồng bằng này mà không thể nào kiếm được vườn chim hoang dã, tự nhiên như vườn của ông Hai. Thời buổi bây giờ, chim cò bị săn bắt khủng khiếp để làm mồi nhậu, hay đem bán ngoài đường thì ở xứ này lại có một vườn chim hoang dã cả nghìn con ngày đêm sinh sôi nảy nở, kêu ríu rít nghe đã lỗ tai. Mỗi lần đi ngang qua vườn của Hai, tui cứ ngỡ như mình đang sống ở cái thời mới đi khai hoang mấy chục năm về trước vậy”.
Mấy năm gần đây, gia đình ông Hai Chìa lại càng vất vả hơn khi khu vườn vạc của gia đình thường xuyên bị người khác vào bắn phá, bắt vạc; con lớn thì bắn, ổ thì bị họ dùng cây chọc lấy trứng và bắt chim ra ràng (chim con vừa búp lông). Nhiều lúc ông ra vườn, thấy xác của những con vạc gãy cánh, nằm chết thối rất thảm thương. Vì vậy, ngày đêm ông Hai không ngại nắng mưa, tuổi già vẫn canh giữ quyết tâm bảo tồn đàn vạc đã 16 năm qua. Những người săn trộm gièm pha, cạnh khóe rằng “chim trời cá nước...”, thậm chí ghét bỏ, nhưng ông bà vẫn nặng lòng với đàn chim.
Theo chân ông, chúng tôi đi một vòng khu vườn cây ăn trái mà bây giờ đã trở nên khá rậm rạp. Văng vẳng một góc trời, âm thanh “en éc, oạc oạc...” của “dàn giao hưởng” gồm chim còng cọc, cò, vạc nghe rất vui tai và khiến con người ta như trút hết bao muộn phiền.
Để bảo vệ đàn chim khỏi bị săn bắt, ông Hai Chìa dựng một căn chòi trên nóc nhà của người cháu bỏ lại để tiện việc quan sát. Còn ở cuối bìa khu vườn, lão cũng dựng một căn chòi và mắc võng để mỗi đêm đến đây canh trộm. Chỉ tay dọc theo bìa khu vườn, ông Hai Chìa cười nói sảng khoái: “Thấy vậy chứ không dễ ăn, ở đây đầy bẫy đó nhé, trộm vào là tui biết ngay”.
Theo kinh nghiệm của ông Hai Chìa, vào ban đêm nếu có kẻ gian xâm nhập khu vườn là lập tức đàn vạc cất tiếng “kêu cứu”. Không quản ngại tuổi tác, trời mưa hay nắng, ông Hai ngay lập tức xách đèn, ná ra bắn đuổi trộm đi. Trong lúc đi thăm vườn, có những con vạc bị bọn chúng bắn bị thương, ông nâng niu mang về nhà nuôi dưỡng đến khi chúng bay được.
Hiện nhiều loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng do con người săn bắt bừa bãi. Cũng giống như nhiều loài khác, loài vạc cũng ngày càng vắng bóng trên bầu trời miền Tây. Với ông Hai, đây là loài vật hoang dã và số lượng ngày càng ít dần, dù thiệt hại và khó khăn nhưng ông cũng quyết bảo vệ đàn vạc và ông bà Hai cũng mong cơ quan chức năng sớm có phương án bảo tồn. “Giờ còn khỏe, còn bảo vệ được lũ chim, không biết được bao lâu. Sợ đến lúc tôi không còn bảo vệ nổi thì đàn vạc này biết đi về đâu”, ông Hai bùi ngùi.
Khi tận mắt nhìn thấy khu vườn với hàng nghìn con vạc, cò, còng cọc... của ông Hai Chìa, thật lấy làm kì lạ và không hiểu vì sao chim lại kéo về đây ở nhiều. Thời buổi bây giờ, kiếm được khu vườn vài trăm con chim thật sự đỏ con mắt vì nạn săn bắt hoành hành quá dữ dội.
Việc làm của ông Hai Chìa là một nghĩa cử cao đẹp bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ các loài chim trước nạn săn bắt tận diệt. Do đó, chính quyền địa phương cần vào cuộc để bảo vệ tài sản vô giá này.