Khám phá những vườn chim ở Nam Bộ
Xã hội 28/06/2023 09:55
Đến quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, chúng tôi ghé qua vườn cò Bằng Lăng ở ấp Thới Bình 1, phường Thuận An là một trong những sân chim lớn của vùng Ðồng bằng sông Cửu Long. Ðiểm du lịch sinh thái này vẫn giữ sự mộc mạc ở vùng quê thanh bình với không gian xanh của tre và hàng ngàn chim cò sinh sống.
Men theo con đường quê rợp bóng tre xanh khoảng tầm 1 - 2km thì đến vườn cò. Tại đây, chúng tôi bất ngờ trước hàng ngàn cá thể cò sinh sống trong môi trường tự nhiên.
Ông Nguyễn Không Lo, 50 tuổi, chủ vườn cò Bằng Lăng cho biết: “Hồi cha tôi còn sống thường kể rằng, vườn cò có từ năm 1983. Khi đó, cò tự nhiên đến ở vườn tre trong nhà. Lúc đó, cha tôi trồng tre giữ cò, đến hơn 10 năm thì mới để mọi người vào tham quan”. Theo đó, vườn cò Bằng Lăng chính thức đi vào hoạt động từ năm 1997, từ diện tích ban đầu chỉ hơn 3.000m2 đến nay đã mở rộng gần 17.000m2. Vườn cò hiện có 300.000 con; với 20 chủng loại chim cò như cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, le le... cùng sống chung, tăng gấp 5 - 6 lần so với trước kia. Tại đây, cò ruồi, cò trắng, cò xanh, cò quắm rất nhiều... Trong đó, còn có cò ráng hay còn gọi là cò lửa, lông có màu đỏ như ráng chiều. Ðặc biệt, một số loài như: Bồ nông, vạc, bìm bịp, bạc má và một số loài chim quý hiếm cũng hội tụ về đây.
Thông thường cò về nhiều nhất vào mùa sinh sản, khoảng tháng 4 và tháng 9 âm lịch. Lúc đó cò về rợp trời. Ðể có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của vườn cò, du khách nên tới lúc 6 - 7h sáng xem từng đàn cò trắng tỏa đi kiếm ăn, hoặc là đến lúc 16 - 17h khi ánh chiều tà đã buông xuống. Ðây là thời điểm lí tưởng nhất để quan sát cò tìm về tổ, bay từng đàn sà xuống trên những cành tre la đà, đong đưa theo gió, rối rít gọi đàn... tạo thành khung cảnh tự nhiên rất thú vị. Từ đài quan sát, chúng tôi được ngắm ánh bình minh, hoàng hôn với những đàn chim lượn cánh rất nên thơ và bình yên.
Theo ông Lo, nhiều người biết vườn cò rồi người này truyền cho người kia, du khách đến ngày mỗi đông, trong đó có nhiều khách quốc tế. Do đó, ông mong muốn địa phương công nhận vườn cò Bằng Lăng là điểm du lịch sinh thái. Như thế sẽ có thể quảng bá tốt hơn. Mặt khác, hiện tại việc gìn giữ vườn cò rất khó khăn vì môi trường đang ô nhiễm. Ông Lo kiến nghị: “Không gian sống rất quan trọng với cò, nếu môi trường không phù hợp thì chúng sẽ bỏ đi. Tôi mong địa phương làm cách nào đó hỗ trợ gia đình chúng tôi trong việc gìn giữ, tạo môi trường thuận lợi cho cò sinh sống”.
Vườn cò Bằng Lăng là điểm sinh thái rất đặc trưng của Cần Thơ. Tuy nhiên, những khó khăn về giao thông, kết nối lữ hành khiến cho điểm đến này chưa phát huy hết tiềm năng. Mong rằng địa phương, ngành chức năng quan tâm, có chính sách hỗ trợ và đầu tư phù hợp để nơi đây trở thành điểm đến sinh thái đúng chuẩn, thu hút du khách.
Những người yêu quý động vật thiên nhiên
Chia tay quận Thốt Nốt, Cần Thơ, chúng tôi sang tỉnh Kiên Giang tìm gặp những con người có niềm đam mê, sự yêu thích các loài chim trời mà họ đã bỏ tiền, công lao động nhiều năm trời để gây dựng, phát triển nên những khu vườn nuôi chim, cò, vạc...
Chúng tôi đến tham quan vườn cò của ông Nguyễn Văn Thanh, 52 tuổi, ở ấp số 8, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Khu vườn rộng hơn 22ha, được ông trồng tràm tạo môi trường tự nhiên cho loài cò, vạc và một số loài chim trời sinh sống. Ông Thanh cho biết, vườn cò không tạo ra lợi nhuận về kinh tế, nhưng giúp anh thỏa mãn niềm đam mê, yêu thích đối với các loài chim.
Anh Thanh chỉ về nơi đàn cò đang ăn. |
“Tôi thường phải tâm sự với người dân trong khu vực, để họ hiểu được việc làm của mình - cốt là để tạo ra một môi trường sinh thái. Nhiều lần người dân vào săn bắt cò, tôi phải mua lại, rồi phân tích, giải thích để họ hiểu, lâu ngày dài tháng, mưa dầm thấm lâu, riết người dân cũng ủng hộ” - ông Thanh chia sẻ.
Lâu ngày gắn bó với chim trời, nên ông Thanh rất am hiểu đặc tính, tập quán của từng loài chim. Chỉ tay về phía một đàn cò đang bay về tổ, ông nói: “Hôm nay, cò bay về tổ sớm hơn thường lệ, báo hiệu trời sắp có cơn mưa”. Rồi ông giải thích về đặc tính của loài cò chung quanh việc tránh trú mưa. Lúc sau, một cơn mưa nhỏ đổ xuống giữa mùa hạn, giúp giải nhiệt, giải tỏa nguy cơ cháy luôn rình rập từ bao tháng qua.
Còn đối với ông Tư Tỷ, ở ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đã có hơn 30 năm gây dựng và gắn bó với vườn cò. Ông Tư Tỷ tên thật là Châu Văn Tỷ, năm nay 71 tuổi, nhưng tình yêu của ông đối với loài chim trời vẫn còn mãnh liệt. Nói như ông là, chơi không biết chán, khi xa đàn cò nhớ như nhớ người yêu. “Tôi nhớ tiếng cò kêu lúc chúng đi ăn, lúc trở về tổ khi ráng chiều nhuộm. Ngắm nhìn cò thật đã con mắt, nghe tiếng cò kêu thật sướng cái lỗ tai” - ông Tư Tỷ nói.
Ông Tư Tỷ kể, xa đàn cò chỉ vài ngày là nhớ không chịu được. Có lần gia đình sang Cà Mau dự đám cưới của đứa cháu, dự định đi ba ngày, nhưng mới được hơn ngày ông Tư đã “tách bầy” thuê xe ôm về nhà để được nhìn ngắm và nghe tiếng cò kêu. “Nói vậy, chứ đi xa tôi sợ không ai trông coi, người ta vào vườn săn bắt cò”.
Ông Tư Tỷ với loài cò đã gắn bó hơn 30 năm. |
Yêu và gắn bó với đàn cò, cách đây hơn 10 năm, ông cất hẳn căn chòi lá trong vườn để sống cùng với đàn cò, mặc cho sự can ngăn của vợ và các con. Ông bảo, tui yêu cò chứ có làm gì trái quấy đâu mà ngăn cản. Đặc tính của cò là cư trú trong không gian yên tĩnh. Có tiếng động thường xuyên, hay không gian ồn ào là đàn cò không về trú ngụ, sinh sản nữa. Vì vậy, ông kiên quyết ngăn cản những người có ý định vào vườn săn bắn, giữ gìn không gian tốt nhất cho chúng.
Theo ông Tư Tỷ, để giữ, dẫn dụ được loài “chim trời” này về vườn, chủ vườn phải giữ được một môi trường sinh thái gần gũi hòa quyện với tự nhiên. Nghĩa là phải tái tạo được một quần thể cây tràm, bạch đàn hay cây bình bát, bên trong phải có một khu đầm lầy, ngập nước quanh năm, hạn chế có lối mòn hay có người thường xuyên đi lại trong vườn. Do đất đai hạn hẹp, vườn cò của ông Tư chỉ có 8ha, nhưng nhìn vào như là một khu rừng nguyên sinh, không có người qua lại, chỉ có các loài cò, vạc, giang sen và nhiều loài chim khác.
Việc làm của ông Tư Tỷ, của ông Thanh không phải ai cũng hiểu và chia sẻ. Có người còn nghĩ, đúng là làm việc vô ích. Còn người hiểu chuyện thì xuýt xoa khen ngợi. Bởi nhờ những con người “vô công rỗi nghề” như anh Thanh, ông Tư Tỷ mà đất nước có thêm nhiều cây xanh, nhiều cánh vườn, khu rừng... làm nơi trú ngụ cho chim muông và giúp nhiều loài thực, động vật phát triển, tạo nên một môi trường thân thiện, giúp ích cho cuộc sống của chúng ta.