Huyền thoại bến Vũng Rô và những chuyến tàu “không số"
Nhịp sống văn hóa 28/11/2022 09:15
Theo tài liệu lưu trữ tại Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, tháng 5/1964, Tỉnh ủy Phú Yên nhận được chỉ thị của Trung ươnggiao nhiệm vụ tìm chọn bến bãi sẵn sàng tiếp nhận khí tài từ miền Bắc chuyển vào bằng đường biển. Thực hiện chỉ đạo trên, tháng 7/1964, Thường vụ Liên Tỉnh ủy 3 và Phân khu Nam (thuộc Khu 5) tổ chức Hội nghị Liên tịch ở suối Phẩn, xã Hoà Mỹ, huyện Tuy Hòa I để chọn bến đón tàu. Sau khi xem xét nhiều khu vực, bàn bạc, đánh giá các yếu tố, Hội nghị thống nhất chọn Vũng Rô, vì đây hội tụ được các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Hội nghị quyết định thành lập Ban Chỉ huy bến Vũng Rô, do đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy phụ trách.
Bến Vũng Rô nằm ngay dưới chân đèo Cả, phía Đông Quốc lộ 1, là bến nước sâu, êm sóng có nhiều hang, gộp đá có thể làm nơi cất giấu nhiều loại khí tài; có những tuyến hành lang an toàn đến Hòa Hiệp, Hòa Xuân và lên căn cứ của Tỉnh ủy Phú Yên, căn cứ Liên Tỉnh ủy 3 và các tỉnh Nam Tây Nguyên. Sau khi chọn được địa điểm và thành lập Ban Chỉ huy bến, các công tác chuẩn bị được xúc tiến khẩn trương; tuyển nhân sự từ các tổ chức quân, dân, chính, Đảng; chuẩn bị bãi, hang, gộp, cầu cảng bằng gỗ lắp ráp giảm tối đa thời gian để tránh địch phát hiện; chuẩn bị nhiều phương án đón tàu, đưa hàng xuống bến, đưa lên gộp, chuyển về căn cứ chi tiết, cụ thể.
Đại tá Đặng Phi Thưởng ngoài cùng (bên trái). |
Để đưa tàu bí mật cập bến an toàn, sau khi nghiên cứu, đánh giá tình hình thực địa, Ban Chỉ huy Bến chọn bãi Chính, điểm đậu của tàu là vũng nước sâu tiếp giáp vách núi phía Tây bãi Chính. Nơi có địa hình kín đáo lại khá rộng rãi, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa từ tàu xuống.
Lực lượng bảo vệ bến và bảo vệ hành lang vận chuyển có các trung đội bộ đội địa phương K6, Đại đội 377, các trung đội, tiểu đội du kích tập trung của các xã cạnh bến. Lực lượng chuyển hàng là cán bộ, đảng viên, đoàn viên được lựa chọn ở các thôn của xã Hòa Hiệp và xã Hòa Xuân, với hơn 200 người.
Đến đầu tháng 12/1964, công tác chuẩn bị được hoàn chỉnh đến từng chi tiết. Cuối năm 1964, theo đề nghị của Tỉnh ủy Phú Yên, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập Đại đội bảo vệ bến Vũng Rô, mật danh K60, do đồng chí Hồ Thanh Bình làm Đại đội trưởng, đồng chí Phạm Ân làm Chính trị viên.
Những chuyến tàu “không số” huyền thoại
Đêm 28/11/1964, bến Vũng Rô tiếp đón chuyến tàu “không số” đầu tiên. Từ chiều, lực lượng chuyển hàng bí mật tập kết dưới chân hòn Vọng Phu và mỏm Đá Bia. Theo kế hoạch, đêm 22/11/1964, tàu 41, do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy 18 cán bộ, thủy thủ, chở 63 tấn khí tài xuất phát từ Hạ Long (Quảng Ninh). Trong hành trình, khi tàu đi qua vùng biển Ðà Nẵng, máy bay trinh sát của giặc Mỹ phát hiện, nghi ngờ, báo vào bờ và lập tức 2 tàu tuần tiễu của địch lao ra kèm và chĩa thẳng nòng pháo về phía tàu 41. Nhờ ngụy trang tốt, thấy tàu 41 mang biển hiệu 412 treo cờ nước ngoài nên địch bỏ mục tiêu. Lúc 23 giờ 50 phút đêm 28/11/1964, tàu 41 cập bến Vũng Rô. Phút gặp gỡ giữa cán bộ, thủy thủ tàu và lực lượng của ta có mặt tại bến vô cùng xúc động. Tàu chỉ được phép ở lại bến Vũng Rô trong thời gian từ 24 giờ đêm đến 3 giờ sáng phải rời bến. Tuy nhiên, do lượng hàng quá lớn so với khả năng bốc xếp, nên tàu 41 phải ngụy trang ở lại bến thêm 1 ngày. 3 giờ sáng hôm sau bốc xếp xong tàu rời bến. Bình minh biển Vũng Rô vẫn bình yên như chưa có chuyện gì xảy ra.
Sau thắng lợi chuyến đầu, tàu 41 tiếp tục vào Vũng Rô 2 chuyến nữa. Việc tiếp nhận vũ khí từ các chuyến tàu “không số” được quân, dân Phú Yên tổ chức chu đáo, chặt chẽ. Từ Vũng Rô, những con đường mòn bí mật len qua khe núi, đèo dốc, với sự tham gia của hàng nghìn lượt thanh niên xung kích, dân công vận chuyển hàng trăm tấn khí tài về hậu cứ và tỏa đi khắp chiến trường Nam Trung Bộ.
Tháng 2/1965, Bộ Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ cho tàu C143, do thuyền trưởng Lê Văn Thêm phụ trách vận chuyển 60 tấn vũ khí vào Lộ Diêu (Bình Định). Sau nhiều ngày vất vả nhưng không thể đưa tàu vào bến, Bộ Tư lệnh quyết định cho tàu vào Vũng Rô. Ngày 15/2/1965, tàu C143 vào bến Vũng Rô, đến gần 4 giờ sáng toàn bộ hàng mới bốc hết, nhưng khi tàu quay ra thì tời neo bị hỏng. Đến sáng mới sửa chữa xong, nên tàu C143 đành ở lại, các thủy thủ và du kích chặt cây phủ lên tàu để ngụy trang, trông như một núi đá nhỏ lạnhô ra biển. Sáng 16/2/1965, một máy bay của địch từ Quy Nhơn về Nha Trang qua Vũng Rô, tên phi công phát hiện “một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía Tây Vũng Rô”. Ngay lập tức báo cáo về Bộ Chỉ huy Quân đoàn 2 đóng ở Nha Trang.
Phát hiện chính xác mục tiêu, địch lập tức huy động cả máy bay, tàu chiến và pháo binh, bộ binh tập trung tấn công Vũng Rô. Lực lượng của ta gồm thủy thủ tàu C143, bộ binh và dân quân du kích kiên cường đánh trả, nhằm bảo vệ số vũ khí từ miền Bắc đưa vào. Bọn địch có ý đồ bắt sống tàu C143 và chiếm vũ khí ta cất giấu. Biết ý đồ của địch, Chỉ huy trưởng bến Trần Suyền ra lệnh hủy tàu. Nhiệm vụ hủy tàu được giao cho 2 đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh và Dương Kính, với gói bộc phá 100kg thuốc nổ. Do không thể lên tàu nên ta phải chọn phương pháp ốp bộc phá vào tàu kích nổ. Những mảnh vỡ của con tàu văng lên tận đỉnh núi, nhưng con tàu vẫn chỉ vỡ đôi…
Địch tiếp tục điều thêm quân, khiến cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Quân ta chủ trương phá vòng vây rút lui và hủy số vũ khí còn lại. Bọn địch quyết chiếm hang Vàng, bị ta cho nổ tung kho vũ khí khiến nhiều tên bị chết. Sau đó, chúng tổ chức lặn tìm vũ khí của ta ở con tàu chìm, tháo gỡ một số bộ phận của tàu mang về Sài Gòn triển lãm, để rêu rao chiến công thu hồi khí tài do miền Bắc tiếp tế bằng đường biển.
Từ đây, con đường vận chuyển chiến lược trên biển đã bị lộ. Nhưng sự kiện Vũng Rô đã gây cho kẻ địch một phen kinh hoàng, Đại tá hải quân Mỹ R.Sorhesdley viết: “Vụ Vũng Rô khẳng định điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng vũ khí lớn bị phát hiện đã chỉ ra, nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó… Một điều chắc chắn là địch còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển”.
Thời gian qua đi nhưng chiến công mãi rạng ngời. Năm 1986, Vũng Rô được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia; năm 2001, Bia di tích bến Vũng Rô, Đài tưởng niệm Vũng Rô hoàn thành, để mãi khắc ghi một sự kiện oai hùng trong lịch sử chiến tranh dân tộc. Vũng Rô và những chuyến tàu “không số” huyền thoại mãi mãi là niềm tự hào của nghệ thuật quân sự Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Phú Yên và của dân tộc Việt Nam anh hùng.