Huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh: Điểm du lịch hấp dẫn vùng biên giới Đông Bắc
Du lịch 10/04/2023 13:33
Vài nét về vùng đất con người Bình Liêu
Huyện Bình Liêu được thành lập tháng 12/1919, cách nay hơn 100 năm trong bề dày lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Với diện tích tự nhiên gần 500 km2, có 7 đơn vị hành chính cấp xã(1 thị trấn và 6 xã), dân số 3,3 vạn người. Phía Bắc giáp huyện Yên Minh, TP Sùng Tả và khu Phòng Thành, TP Phòng Thành Cảng, thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc, với tuyến biên giới dài 43,168 km. Phía Tây tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn, phía Đông và Nam giáp với huyện Hải Hà, Tiên Yên và Đầm Hà. Bình Liêu có vị trí chiến lược trọng yếu, nằm trên tuyến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Thác Khe Vằn, xã Húc Động điểm thu hút khách du lịch trong những tháng hè. |
Là địa phương giàu truyền thống cách mạng, lịch sử và văn hóa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 25/12/1950, huyện Bình Liêu được hoàn toàn giải phóng khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp. Trong 9 năm kháng chiến, Bình liêu là căn cứ địa vững chắc của tỉnh Quảng Ninh và của miền Đông Bắc Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu luôn là thành trì, phên dậu trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới quốc gia. Trong lao động sản xuất, người dân Bình Liêu cần cù, chịu khó và năng động. Là một huyện miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng được sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, năm 2022, Bình Liêu đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, trước 1 năm so với kế hoạch.
Cùng với bề dày truyền thống, lịch sử và văn hoá, vùng đất Bình Liêu còn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan như: Thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, thác Sông Moóc, núi Cao Xiêm, Cao Ba Lanh, cột mốc biên giới đây là những lợi thế để địa phương khai thác, phát triển du lịch trong những năm qua. Năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng thời có quyết định công nhận Khu du lịch Bình Liêu, huyện Bình Liêu là Khu du lịch cấp tỉnh.
Các cô gái dân tộc Sán Chỉ đá bóng trong ngày hội Soóng Cọ ở Bình Liêu thu hút đông đảo sự tham gia cổ vũ của du khách trong và ngoài huyện. |
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Liêu, năm 2022 có hơn 100.000 du khách trong và ngoài nước đến với Bình Liêu, một con số mà nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh, điều kiện đi lại thuận lợi hơn cũng chưa đạt được. Năm 2023 thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Căn cứ Quyết định số 569/QĐ-UBND ngày 7/3/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế- xã hội huyện Bình Liêu đến năm 2030; Theo đó ngày 12/12/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU về nhiệm vụ và giải pháp năm 2023. Trong đó, chỉ tiêu mà đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu phấn đấu đạt được trong lĩnh vực du lịch là: Tổng lượng khách du lịch đến với huyện là 150.000 lượt, phấn đấu đạt trên 1.000 khách quốc tế, trong đó khách lưu trú đạt trên 40.000 lượt, doanh thu đạt hơn 60 tỷ đồng.
Du lịch Bình Liêu, những sự khác biệt
Là huyện miền núi có trên 96% dân số là người dân tộc thiểu số, các dân tộc trên địa bàn có sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau về phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa, tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng, mang một bản sắc vùng miền riêng, với nhiều lễ hội truyền thống, thể hiện lòng tự tôn dân tộc như; Lễ hội đình Lục Nà, xã Lục Hồn,, là nơi thờ thành hoàng là Đức ông Hoàng Cần, người có công dẹp khảo khấu, bảo vệ dân làng, diễn ra từ ngày 16 đến ngày 20 tháng Giêng hàng năm.
Ngày hội “Kiêng gió” của dân tộc giao tại xã Đồng Văn vào ngày 4/4 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo nam thanh, nữ tú dân tộc Dao trong vùng đến hát giao duyên, đối đáp làn điệu Sán cố, ngày hội còn thu hút được người Dao ngoài huyện, một số bản biên giới của Trung Quốc tham gia. Hay hội Soóng Cọ của đồng bào dân tộc Sán Chỉ diễn ra từ ngày 15 -16/3 âm lịch hàng năm thu hút đông đảo người Sán chỉ trên địa bàn huyện và các vùng lân cận ở huyện Tiên Yên, Ba Chẽ hội tụ về xã Húc Động để hát giao lưu Soóng Cọ. Ngoài hát Soóng Cọ, người dân tộc còn tham gia một số môn thể thao như: Kéo co, đẩy gậy, đáng quay, bóng đá nữ dân tộc…kết hợp với tổ chức thi ẩm thực, trình diễn trang phục dân tộc.
Festival dù lượn Bay trên mùa vàng Bình Liêu 2022. |
Ngoài ra, một nét riêng của đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu là những buổi chợ phiên truyền thống tại trung tâm phố huyện thường họp vào những ngày lẻ (3, 7, 11, 15, 17) âm lịch hàng tháng. Ngày nay chợ họp thường xuyên vào chủ nhật hàng tuần. Hàng hóa trao đổi chủ yếu là những loại nông, lâm thổ sản của địa phương và các loại lá thuốc chữa bệnh. Nét đặc biệt ở hiên chợ Bình Liêu là không gian gặp gỡ, giao lưu, tâm tình của nam, nữ thanh niên.
Thật là thiếu sót khi nói về tiềm năng du lịch Bình Liêu mà không nhắc tới Lễ hội Hoa Sở, đặc biệt là Tuần Văn hóa - Du lịch mùa vàng Bình Liêu diễn ra vào dịp tháng 10 âm lịch hàng năm được tổ chức từ năm 2020 đến nay. Lễ hội nhằm tôn vinh vẻ đẹp của những cung ruộng bậc thang (đã được công nhận là danh thắng cấp tỉnh) tại xã Lục Hồn, ca ngợi tình yêu lao động, sản xuất của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Bãi “Đá thần” trên đỉnh Cao Ba Lanh ở độ cao 1.113 mét so với mực nước biển thuộc xã Đồng Văn. |
Ngoài thế mạnh về truyền thống văn hóa với những đặc phẩm đặc trưng để phát triển du lịch, huyện Bình Liêu còn sở hữu những tiềm năng sinh thái tự nhiên như thác Khe Vằn, Khe Tiên, núi Cao Xiêm và đặc biệt hơn cả là đỉnh Cao Ba Lanh huyền thoại, thuộc xã Đồng Văn, giáp với bản Tràng Nhì, Bản Han, bản Nà Kép (Trung Quốc). Núi có độ cao 1.113 mét so với mực nước biển, diện tích trên 400 ha. Trên đỉnh núi có hai hồ nước tự nhiên, diện tích từ 0,2 đến 1ha. Ở đó có nhiều bãi đá kỳ lạ, nằm trong hồ và xen kẽ giữa các bãi cỏ và các khu rừng tự nhiên, khi dùng đá gõ nhỏ vào sẽ tạo ra những âm thanh khác nhau, dân gian gọi là bãi “Đá thần”. Đây là một nét huyền bí, riêng có của vùng đất Bình Liêu.
Thay cho lời kết.
Nhân kỷ niệm Ngày Giỗ tổ HùngVương (10/3 âm lịch), Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế lao động 1/5, hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023). Nhằm phục vụ du khách thập phương đến khám phá, trải nghiệm tại vùng đất Bình Liêu, UBND huyện Bình Liêu sẽ tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2023, diễn ra từ ngày 28/4 đến ngày 3/5/2023. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư huyện ủy Bình Liêu, Ngày Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu diễn ra nhiều hoạt động như; tổ chức không gian văn hóa - ẩm thực Bình Liêu, tổ chức các môn thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc. Hội Soóng Cọ năm 2023, ngoài tổ chức hát đối, hát giao duyên được tổ chức vào tối ngày 5/5/2023 tại xã Húc Động. Trên sân vận động xã Húc Động, từ ngày 29/4 đến ngày 6/5/2023 sẽ diễn ra Giải bóng đá nữ Hội Soóng cọ năm 2023 với sự tham gia của các đội bóng của các thôn, bản có cộng đồng người Sán Chỉ sinh sống tại xã Húc Động và các xã, thị trấn như xã Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Vô Ngại ... đặc biệt đội tuyển bóng đá nữ của xã Húc Động sẽ thi đấu giao hữu với các đội bóng đá nữ xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) và xã Hải Sơn (TP Móng Cái). Đây là nét mới trong Ngày Văn hóa -Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2023, các hoạt động ngày hội Văn hóa của Bình Liêu đã lan tỏa đến các huyện và thành phố bạn, tạo lên nét đẹp văn hóa khác biệt nơi miền núi biên giới Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh.
Tin rằng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện, sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm, mến và hiếu khách của nhân dân các dân tộc, Bình Liêu sẽ là điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, du lịch, khám phá và trải nghiệm vùng đất huyền bí và linh thiêng, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa của tỉnh Quảng Ninh trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay.