Hụt nguồn cung 1,36 triệu tấn than để phát điện, nguy cơ thiếu điện hiện hữu
Xã hội 31/03/2022 07:37
Ngày 30/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, quý 1/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các NMNĐ của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ 76,76%). Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.
Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Cụ thể: các NMNĐ Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 – 70% công suất; NMNĐ Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho một trong 4 tổ máy. Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện. Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung than cho phát điện EVN cho cảnh báo nguy cơ thiếu điện trong tháng 4 tới đây là hiện hữu, nhất là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc.
Hụt nguồn cung 1,36 triệu tấn than để phát điện, nguy cơ thiếu điện hiện hữu |
Theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Trước tình hình khó khăn nguôn cung nhiên liệu EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như: tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm, sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ,... góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện. EVN rất mong nhận được sự chia sẻ của các khách hàng sử dụng điện.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn than cung cấp là do công nhân mắc dịch Covid - 19 không ngừng tăng, tính từ đầu năm các ca F0 là 32.613 người chiếm 42% tổng số lao động. Số lao động khối sản xuất than phải nghỉ việc do dịch bệnh tăng (nhất là giai đoạn cuối tháng 2, đầu tháng 3/2022 có thời điểm có những đơn vị chỉ còn khoảng 20-45% lao động đi làm, hầu hết các đơn vị khai thác than hầm lò chỉ bố trí sản xuất được 2 ca/ngày), gây thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Bên cạnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột Nga – Ucraina đã tác động đến thị trường năng lượng quốc tế. Trong những ngày từ cuối tháng 2 trở lại đây, giá các loại nhiên liệu như dầu, khí, xăng và cả than ở nhiều thị trường quốc tế đã liên tục tăng cao. Việc vận chuyển nhiên liệu bằng các phương thức vận tải đều có nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt, kể cả các chuyến tàu biển vận chuyển than. Điều này không chỉ làm hạn chế khối lượng than lưu thông trên thị trường mà còn làm giá than quốc tế cũng đã tăng cao kỷ lục chưa từng có so với trước đây.
TKV cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, số lao động phải nghỉ việc tăng cao. |
Trước bối cảnh thiếu điện do nguồn cung than sụt giảm, ngày 11/3/2022, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp, cung cấp đủ than cho sản xuất điện.
Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn TKV và Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng Hợp đồng mua bán/ cung cấp than đã ký (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu).
Trong bất luận trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại Hợp đồng mua bán/ cung cấp than đã ký. Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia có giải pháp điều độ phù hợp với tình hình thực tế cũng như thông báo kế hoạch huy động cập nhật hàng tháng cho Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than để kịp thời thu xếp nguồn than cho sản xuất điện.