Họp báo Chính phủ thường kì tháng 1/2022
Sự kiện 28/01/2022 21:48
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày đánh giá những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có tác động ngay tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc, tiếp tục quỹ đạo phục hồi.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận trong thời gian tới, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ dịch bệnh và tình hình biến động quốc tế, khu vực. Do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là, phải khẩn trương, quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch đã đề ra ngay từ đầu năm, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2022, tạo nền tảng, động lực cho phục hồi và phát triển của cả giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành bắt tay ngay vào công việc ngay sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, không có tâm lí "Tháng giêng là tháng ăn chơi". Các bộ, ngành đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, có kế hoạch chuyển vốn sang các công trình có tiến độ thực hiện nhanh đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát. Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông…
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,94% so với cùng kì năm 2021. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản tốt. Tính đến 25/1/2022, huy động vốn tăng 0,74%, tín dụng tăng trưởng 1,92% so với cuối năm 2021, lãi suất liên ngân hàng trong kì có xu hướng tăng nhẹ.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Minh Đức – TTXVN |
Ước tính đến 31/1/2022, tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 2,5% kế hoạch. Tính đến 20/1/2022, so với cùng kì năm ngoái, tổng vốn đầu tư đăng kí có yếu tố nước ngoài, bao gồm vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt trên 2,1 tỉ USD, tăng 4,2%. Giải ngân vốn FDI trong tháng đạt ước đạt trên 1,61 tỉ USD, tăng 6,8%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tiếp tục tăng. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Số doanh nghiệp đăng kí mới và quay trở lại thị trường tăng 28,9% và 194%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 2,4%; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8%, riêng ngành khai khoáng giảm 4,6%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2022 ước đạt 58,5 tỉ USD, tăng 6,3%. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 29 tỉ USD, tăng 1,6%; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 11,5%. Nhập siêu tháng 1 ở mức 500 triệu USD. Các cơ quan chức năng và địa phương đã giải quyết hiệu quả việc xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ phía Bắc.
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi về một số vấn đề được dư luận quan tâm được đặt ra cho lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng.
Trả lời phóng viên về tiến độ và kết quả điều tra mở rộng vụ án kit test của Công ty Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đang rất tích cực triển khai theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kết quả hiện đang từng bước làm rõ bản chất của vụ việc và đã có chi tiết mới.
Hiện nay cơ quan cảnh sát điều tra đang phối hợp, trao đổi thông tin với 3 đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Cục Kiểm tra hình sự Bộ Quốc phòng để xử lí các vấn đề liên quan. Trong đó có thu thập hồ sơ, tài liệu và xác định các sai phạm… Vụ việc này liên quan đến rất nhiều cá nhân.
Về kết quả thu hồi tài sản, ngoài thông tin trước đó đã nêu, tại họp báo hôm nay tôi thông tin cụ thể thêm: Cơ quan điều tra đã thu giữ kê biên phong tỏa, ngăn chặn giao dịch bất động sản và tài khoản giá trị là 1.220 tỷ đồng. Trong đó có 380 tỉ đồng tiền mặt và giá trị bất động sản vào khoảng 840 tỉ đồng và đang rất tích cực điều tra. Cơ quan Cảnh sát điều tra, cơ quan an ninh của Bộ Công an đang tích cực tiến hành các công tác nghiệp vụ để làm rõ một số hành vi trục lợi liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh này. Các cơ quan điều tra của Bộ Công an sẽ làm xuyên Tết và sẽ thông tin sớm đến báo chí.
Về phương án bảo đảm vận chuyển cho người dân về quê ăn Tết, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin: Trước Tết hơn 1 tháng, Bộ GTVT đã ban hành các kế hoạch thông qua các quyết định, công điện hướng dẫn tất cả các đơn vị liên quan, các Sở GTVT địa phương, vận tải đường bộ, thủy nội địa, hàng hải, hãng hàng không, các cục, tổng cục triển khai công tác giao thông vận tải Tết, đảm bảo việc đi lại trước, trong và sau Tết.
Năm nay là năm thứ 2 vừa vận tải, vừa phải bảo đảm kiểm soát dịch bệnh trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế, nên trong kế hoạch và chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải phải hạn chế ùn tắc giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm giao thông thông suốt trước, trong và sau Tết Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và siết chặt kỉ cương ở các bến xe, bến tàu, cảng hàng không để bảo đảm trật tự an ninh, an toàn hành khách đặc biệt là kiểm soát dịch trong điều kiện vận tải.
Qua đánh giá, đến thời điểm này (26 Tết), các Sở GTVT đã chủ động xây dựng kế hoạch. Đối với vận tải đường bộ, năm nay giảm rất nhiều nhu cầu so với các năm. Vận tải đường sắt cũng giảm. Hàng không mấy ngày gần đây có tăng, gây ùn cục bộ như ở Tân Sơn Nhất nhưng đã được xử lí ngay. Sự vào cuộc của tất cả các đơn vị vận tải từ hàng không đến đường bộ, đường sắt, sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại trước, trong và sau Tết.
Về việc mở cửa lại các trường học. nhất là ở các trường lớp đầu cấp, cuối cấp, bậc đại học, cao đẳng và các cháu chưa được tiêm vaccine, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nêu rõ: Việc đưa học sinh trở lại trường là mối quan tâm của toàn xã hội, Chính phủ trong thời gian qua cũng chỉ đạo rất quyết liệt. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 19/1, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo với các địa phương, mời các chuyên gia để tham khảo ý kiến, đồng thời thống nhất việc mở cửa trường học, là yêu cầu cấp thiết tại thời điểm hiện tại, sớm nhất là sau Tết Nguyên đán.
Theo kinh nghiệm của thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới, UNESCO và UNICEF đưa ra 8 khuyến nghị về việc đưa học sinh trở lại trường, trong đó có khuyến nghị số 1: Trường học phải là một trong những cơ sở cuối cùng đóng cửa và một trong những cơ sở đầu tiên mở cửa. Trên tinh thần như vậy, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn để hướng dẫn các địa phương, đề nghị các địa phương kiên quyết, quyết liệt có các biện pháp nhanh chóng, có kế hoạch, lộ trình, trước hết trang bị, xem lại điều kiện cơ sở vật chất an toàn tại trường học, sớm đưa học sinh trở lại trường trước ngày 14/2/2022, tức sau Tết 1 tuần.
Bộ cũng đề nghị các địa phương hoàn trả những cơ sở vật chất đã trưng dụng để các cơ sở giáo dục cho sinh viên trở lại trường cũng như các địa phương chỉ đạo các cơ sở trực thuộc, phối hợp hỗ trợ các trường học trên địa bàn đưa sinh viên trở lại trường.
Đến nay, theo thông tin mới nhất, khối THPT với tỉ lệ 63/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường (đạt 100%); khối đại học, cao đẳng có khoảng 91% trường đã có kế hoạch đưa sinh viên trở lại trường, dự kiến vào ngày 7/2; khối THCS có 57/63 tỉnh, thành phố; khối tiểu học có 53/63 tỉnh, thành phố và khối mầm non có 51/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường ngày 7/2.
Đối với học sinh dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine thì Bộ Y tế cũng rất khẩn trương và có tham khảo ý kiến chuyên gia, thế giới để có kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa học sinh trở lại trường không nên phụ thuộc vào việc tiêm cho học sinh ở tuổi nhỏ, bởi có thể việc tiêm này sẽ có những rủi ro. Do đó, các địa phương nên có lộ trình từng bước cho học sinh nhỏ tuổi tới trường và phải căn cứ thực tiễn, đưa học sinh tới trường làm thế nào an toàn.
Việc sớm cho học sinh trở lại trường là cần thiết. Các cháu đã tiêm chủng nên đưa trở lại trường còn các cháu chưa tiêm chủng nên có kế hoạch kết hợp học trực tiếp và trực tuyến; có thể có phương án chia lớp để giảm mật độ ở trường, những việc này Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo.