Hơn 50 năm đồng hành cùng báo chí
Đời sống 20/06/2023 10:02
Nói sao hết nỗi vui mừng khi nhận báo biếu có bài của tôi trong đó. Dừng công việc đang làm, tôi mở báo tìm ngay bài của mình; đọc đi, đọc lại và so sánh với bản nháp, tìm những câu chữ cần sửa chữa để rút kinh nghiệm bài sau. Đêm đó, tôi vui mừng không sao ngủ được. Nhiều người chuyền tay nhau đọc bài của tôi, vì trong bài có nêu về họ. Bạn bè xúm lại khích lệ chúc mừng, có người cao hứng gọi tôi là “nhà báo”.
Chiến tranh kết thúc, tôi được chuyển ngành về cơ quan Văn hóa-Thông tin; lại tiếp tục viết báo, công việc mà tôi say mê, yêu mến. Một anh bạn thân bảo: “Ông viết được báo, một phần là do ham đọc báo...”. Tôi thấy anh nói đúng với ý định tổng kết kinh nghiệm để rút ra bài học về viết báo của mình.
Thật vậy, chưa bao giờ tôi sao nhãng đọc, học và làm theo báo. Nhờ tìm hiểu và học tập trên báo mà tôi thấm nhuần được quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước..., nâng cao nhận thức tư tưởng, giúp tôi định hướng được suy nghĩ và hành động, biết nhìn nhận cuộc sống, đánh giá đúng sai.
Trong thực tiễn cuộc sống, tôi phát hiện ra điều hay, việc tốt cần phải biểu dương, thấy được điều dở, việc xấu cần phải phê phán. Việc biểu dương phê phán đó tốt nhất là đề cập trên mặt báo.
Ở Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn quê tôi những năm gần đây xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt trên mọi lĩnh vực. Tôi đã viết bài biểu dương họ. Tuy chỉ là những việc bình dị nhưng cao quý, song họ đã góp phần xây dựng và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người trong xã hội, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong Nhân dân, làm đẹp thêm, lành mạnh thêm cho xã hội, khích lệ tinh thần vượt khó... góp phần xây dựng hình ảnh đẹp, tiêu biểu và phẩm chất đạo đức, trí tuệ con người xứ Lạng.
Về tấm gương tập thể, tôi còn nhớ Báo Lạng Sơn số ra ngày 5/10/1979, đăng bài: “Tổ quốc gọi, tuổi trẻ Hữu Lũng sẵn sàng có mặt” của tôi. Ngay sau khi có lời kêu gọi của Đảng và Lệnh Tổng động viên của Nhà nước, (chống quân xâm lược tháng 2/1979), lập tức hàng chục cuộc mít tinh, tuần hành biểu dương lực lượng được tổ chức ở các cơ sở đoàn trong toàn huyện, biểu thị trách nhiệm của tuổi trẻ Hữu Lũng đối với đất nước và đề ra nhiệm vụ của mình trong lúc này. Trong 1400 lá thư, có 612 lá viết bằng máu, với lời lẽ tha thiết muốn được lên đường đánh giặc ngay. Tôi rất xúc động được chứng kiến sự kiện này và viết bài để ca ngợi họ, được Báo Lạng Sơn sử dụng ngay.
Bắt đầu từ những tin vắn, truyện nhỏ, gương người tốt việc tốt, bút kí..., tôi nghiên cứu kĩ nguyên tắc viết báo từng thể loại trên báo chí. Đọc cho người xung quanh nghe để họ nhận xét và góp ý. Sau đó, tôi sửa chữa rồi viết lại và gửi đi: giờ tôi đã có hàng nghìn tin bài được đăng, sử dụng trên các báo, tạp chí, trên sóng phát thanh của Trung ương và địa phương. Đến nay tôi đã được xuất bản 3 cuốn sách: “Những người sống quanh tôi” tập truyện và kí (NXB Hội nhà văn năm 2012)- Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2013, do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng; “Đất mẹ”- Tập truyện và kí- Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, năm 2018 và “Tự thú trước bình minh”-Tập truyện ngắn- Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc năm 2022; cùng một số tác phẩm in chung với nhiều tác giả.Năm 2022, tôi đoạt giải C, Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ II.
Bây giờ tôi cũng thấy nghề viết báo, viết văn không dễ chút nào, nó cũng thật truân chuyên, vất vả vô cùng. Để có được một bài viết hay, sát thực không những đòi hỏi người viết phải có trình độ nghiệp vụ nhất định, mà còn phải đi thực tế để nắm bắt tình hình, thu thập số liệu, sau đó lại phải viết đi, viết lại, chỉnh sửa nhiều lần sao cho bài viết đạt yêu cầu và để người đọc không chê là khô cứng, là “không có hồn”.
Tôi cũng biết, để có được một bài báo hay, đẹp và đúng thời gian, đáp ứng được nhu cầu bạn đọc thì từ các đồng chí lãnh đạo tòa soạn đến các phóng viên, cán bộ, phòng vi tính, xưởng in phải tốn rất nhiều công sức, trí tuệ và cả trái tim, nhiệt huyết của mình. Thế mới biết và thông cảm với các anh các chị nhiều lắm.
Chức năng của báo là thông tin nên bài viết càng giàu lượng thông tin mới tốt, không văn vẻ sáo rỗng, cần phải trung thực và chính xác. Còn cách viết thì tựa hồ như người nấu ăn, cũng thực phẩm, gia vị ấy nhưng có kĩ thuật, khéo chế biến thì ngon ai cũng thích ăn, còn vụng xào xáo thì dở, chẳng ai ngó tới. Nhờ ham đọc báo mà tôi học được cách viết báo. Cùng với việc học tập ở trường và đọc báo, viết báo, tôi nâng cao được nhận thức tư tưởng, quan điểm lập trường và năng lực hành động thực tiễn. Báo đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ của một quân nhân khi còn tại ngũ, một công chức, một công dân, chẳng những thế mà còn không lạc hậu về thời cuộc.
Nghề báo, nghề văn là một nghề cao quý, nhưng cũng là một nghề cực nhọc. Người viết phải quanh năm ngày tháng đánh vật với con chữ, cùng bao nhiêu sự vật hiện tượng, chuyện vui, chuyện buồn diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy trước hết phải phản ánh trung thực các sự việc, hiện tượng cũng như tâm tư nguyện vọng của quần chúng. Bởi quần chúng lao động là người làm nên lịch sử, là lực lượng hùng hậu của cách mạng, là đối tượng phục vụ của các tờ báo. Cách viết phải ngắn gọn dễ hiểu, để quảng đại quần chúng đọc được, hiểu được. Hơn nửa thế kỉ là cộng tác viên của một số tờ báo, tạp chí phát thanh của Trung ương và địa phương tôi đã đúc rút cho mình 5 điều phải nhớ:
- Phải có lòng yêu nghề, yêu cuộc sống, yêu người, yêu quê hương đất nước. Không có tình yêu ấy thì không thể có những bài văn, bài báo gọi là “được”
- Phải cần cù chịu khó, lăn lộn đi và viết. Đi thực tế về cơ sở, phải sâu sát cuộc sống của quần chúng lao động mới phản ánh được trung thực những nỗi niềm, những nguyện vọng của họ và viết được những bài tâm huyết nhất.
- Phải viết những vấn đề, những đề tài mình am hiểu, tâm đắc nhất. Dứt khoát không viết những vấn đề mình chưa hiểu, chưa biết hết, bởi vì viết sẽ sai, viết không đúng sự thật. Cũng cần chọn đề tài, thể loại thể hiện cho phù hợp với sở trường của mình.
- Một tác phẩm báo chí hay văn học, dứt khoát phải thể hiện tính Đảng, nhằm mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, của Nhà nước.
- Kịp thời phản ánh hiện thực, kịp thời phục vụ cho nhiệm vụ chung. Đó cũng là một yêu cầu không thể thiếu được của người cầm bút.