Hỗ trợ đầu ra nông sản cho người cao tuổi trong mùa dịch
Xã hội 29/09/2021 00:00
Bốn tháng thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, có lúc nông sản bị ứ đọng nghiêm trọng, NCT buộc phải bán sản phẩm nhỏ lẻ. Hiện nay, huyện Thoại Sơn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg tăng cường của Thủ tướng Chính phủ, nhưng việc thương lái thu mua nông sản vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Chính vì vậy, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện cùng với tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ nông dân, trong đó có nhiều NCT, đặc biệt là vai trò đầu mối liên kết giúp nông dân với doanh nghiệp “gặp nhau”, tiêu thụ nhanh hơn sản phẩm rau, củ, trái cây.
Tại xã Bình Thành, với sự vào cuộc tích cực của Hội Nông dân, đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo giải cứu nông sản, giúp hơn 25 tấn rau, củ, quả như: bầu, bí, dưa leo, khổ qua, khoai môn, gừng… được tiêu thụ. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Văn Hải cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể thành lập Ban Chỉ đạo giải cứu nông sản trên địa bàn, có sự tham gia của các thành viên tổ hợp tác. Thông qua đó, từng người kêu gọi bạn bè, đầu mối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho NCT nông dân, với phương châm làm hết mình, giúp bà con giảm bớt thiệt hại đồng nào hay đồng đó. Ngoài bán lẻ, chúng tôi nỗ lực tìm mối mua số lượng lớn cho người dân”.
Ảnh minh họa |
Được Ban Chỉ đạo giải cứu nông sản xã hỗ trợ tiêu thụ khổ qua, ông Nguyễn Văn Sơn, 62 tuổi ngụ ấp Bình Thành phấn khởi: “Thiệt tình mà nói, NCT trồng rẫy thu nhập bấp bênh. Nay trong cảnh dịch bệnh, thương lái không đến thu mua, vụ mùa sản xuất xem như mất trắng. Có địa phương hỗ trợ, tôi sẵn sàng bán giá rẻ để lấy lại vốn. Đây cũng là cách để bà con mình mua được thực phẩm giá rẻ trong những ngày dịch bệnh”. Tuy vui mừng vì được giải cứu dưa leo, nhưng ông Nguyễn Phúc Vinh, 65 tuổi, ngụ ấp Nam Huề, không khỏi băn khoăn cho vụ mùa sắp tới không biết tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào, việc tiêu thụ nông sản có được cải thiện so với trước đây?
Tại xã Định Thành, nhiều NCT gặp khó trong việc tiêu thụ nông sản. Đến nay, thương lái các nơi vẫn chưa trở lại nhịp làm việc thu mua nông sản tận ruộng, chở đến vựa tiêu thụ lớn, chợ lớn. Chính vì vậy, một số ruộng khoai, củ cải của người dân đến ngày thu hoạch nhưng không biết bán cho ai. Trước tình cảnh ấy, anh Nguyễn Vũ Linh, nhà hảo tâm xã Định Thành phối hợp Xã đoàn thu mua 2 tấn khoai lang sữa giá 6.000 đồng/kg, khoai lang tím giá 1.500 đồng/kg và 700kg củ cải trắng giá 3.000 đồng/kg. Anh chia sẻ: “Nghe tin NCT quê mình gặp khó, không bán được nông sản cho thương lái, tôi vô cùng xót xa, liên tục vận động bạn bè, nhà hảo tâm bỏ tiền thu mua hết cho bà con. Sau đó cùng các bạn đoàn viên, thanh niên phân chia rau củ, chở đến tận nhà tặng cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thực phẩm trong mùa dịch bệnh”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn, thời gian qua, Tổ phản ứng nhanh, bộ phận giúp việc hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch bệnh, các Tổ phản ứng nhanh tại xã, thị trấn thường xuyên cập nhật, hỗ trợ, giới thiệu đến doanh nghiệp, thương lái liên kết tiêu thụ, thu mua nông sản.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số mặt hàng tiêu thụ chậm, với tổng sản lượng cần kết nối tiêu thụ khoảng 186 tấn, gồm chanh bông tím, bắp nếp, dưa leo, cóc thái, đậu nành rau, hạnh, khoai môn… Ngoài ra còn có cá tra giống tại xã Mỹ Phú Đông, Vọng Đông, Tây Phú, Vĩnh Chánh, Định Thành, Phú Thuận, An Bình, Vọng Thê, Bình Thành và thị trấn Núi Sập.
Hướng sắp tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn sẽ triển khai liên kết các hộ trồng cây ăn trái, chăn nuôi liền kề với nhau để từng bước tiến tới hình thành Tổ liên kết sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp, nhằm ổn định đầu ra cho nông sản. Đồng thời kêu gọi, khuyến khích công ty, doanh nghiệp tham gia hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lúa gạo của nông dân, hướng dẫn nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân sinh học trong trồng trọt để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm, hướng đến liên kết tiêu thụ nông sản bền vững hơn với doanh nghiệp.
Các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên đã giúp cho người nông dân, đặc biệt là NCT ở huyện Thoại Sơn phần nào giảm bớt khó khăn, ổn định đời sông để yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.