Hiệu quả to lớn sau 2 năm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử
Xã hội 11/03/2021 09:26
Nâng cao chất lượng phục vụ qua vận hành Cổng dịch vụ công Quốc gia
“Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc cụ thể” trong xây dựng, triển khai CPĐT, VPCP đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình để thúc đẩy việc thực hiện. Trong thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lí quan trọng cho việc triển khai xây dựng CPĐT đã ban hành như: Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Nghị định số 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử, Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg quy định về chế độ họp…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kí ban hành văn bản trên hệ thống quản lí văn bản điện tử vào tháng 3/2019. Ảnh: VGP |
VPCP đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) trở thành đầu mối kết nối với các Cổng DVC, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, qua đó, người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ thông tin, hỗ trợ việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương mà không bị hạn chế về thời gian, không gian địa lí.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (ngày 9/12/2019) với 8 dịch vụ công ban đầu, đến ngày 8/3/2021 đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, với hơn 116 triệu lượt truy cập, hơn 468.000 tài khoản đăng kí… Chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG là hơn 8.100 tỉ đồng/năm.
Đổi mới phương thức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, việc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là bước đi quan trọng để thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường mạng, góp phần giảm đáng kể chi phí, thời gian gửi, nhận văn bản, thời gian xử lí công việc (tiết kiệm trên 1.200 tỉ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian…), nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ họp và xử lí công việc của Chính phủ, Hệ thống e-Cabinet đã được đưa vào vận hành kết nối đến 22 bộ, cơ quan ngang bộ, giúp quản lí đồng bộ, đầy đủ các phiên họp của Chính phủ, tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả trên môi trường mạng và góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí in ấn, sao chụp tài liệu giấy…
Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương tháng 8/2020 là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Các hệ thống thông tin do VPCP chủ trì triển khai nêu trên được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 9.900 tỉ đồng/năm (theo cách tính của OECD) và nhận được phản hồi tích cực của xã hội; tạo sự thay đổi rõ rệt về phương thức làm việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước cũng như trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; vừa tạo lực kéo vừa tạo lực đẩy trong triển khai CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phát triển kinh tế vừa hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.