Gần 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân
Tin tức 01/12/2021 11:28
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, 3 cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, hộ tịch điện tử đã, đang được các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai để phục vụ cho phát triển chính phủ điện tử.
Cụ thể, hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với hơn 20.000 người dùng tại UBND cấp xã, phòng tư pháp, sở tư pháp. Tính đến ngày 19/11, hệ thống đã có trên 20,846 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh; trong đó có hơn 6,4 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân, trên 4,1 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn, 2,9 triệu dữ liệu đăng ký khai tử…
Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đồng bộ dữ liệu, bổ sung thông tin, sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu với một số bộ, ngành. Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm được sử dụng để đối chiếu và đồng bộ dữ liệu thông tin về tiêm chủng của người dân…
Hệ thống máy móc thiết bị ở Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Bộ Công an phục vụ việc cấp mã số định danh cá nhân. Ảnh: Vnexpress |
Theo Quyết định 34/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh (có hiệu lực từ ngày 9/11/2021), cá nhân đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử. Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Trong tương lai, khi dự án Dữ liệu cư dân quốc gia được hoàn thiện với việc chia sẻ, kết nối vào kho cơ sở dữ liệu chuyên ngành, công dân đi giải quyết các thủ tục hành chính chỉ cần cung cấp mã số định danh mà không cần mang theo nhiều loại giấy tờ tùy thân như hiện nay. Cơ quan nhà nước sẽ truy cập từ mã số định danh ra dữ liệu thông tin về công dân cần để phục vụ cho các thủ tục hành chính.
Ước tính với mã số định danh cá nhân, người dân sẽ không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải sao, chụp, chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân khi thực hiện khoảng 1.300 thủ tục hành chính. Điều này sẽ giúp tiết kiệm 1.600 tỷ đồng một năm.
Xây dựng Chính phủ điện tử là một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kì Chính phủ vừa qua Chiều 10/3, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tổ chức cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ... |
UBTVQH xem xét về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét tại phiên họp thứ 47 diễn ra vào ... |