Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Tạo bước “đột phá”!
Sự kiện 27/10/2022 07:51
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù do tính rủi ro cao, tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí. Do vậy, các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ tận thu nói riêng tại Điều 55 là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo luật lần này.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) |
Tuy nhiên để khung pháp lý được hoàn chỉnh hơn, đại biểu đề nghị rà soát, xem xét một số nội dung được quy định tại Điều 61, Điều 62, Điều 63 của dự thảo Luật, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao để thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước về dầu khí. Đồng thời, Điều 66 đã quy định tương đối chi tiết về quyền và nghĩa vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, hạn chế tối đa chồng chéo trong quá trình thực hiện, cần quy định rõ và tách biệt vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong quá trình phê duyệt giai đoạn hoạt động dầu khí nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí và quản lý vốn nhà nước.
“Theo đó, theo quy định của Luật Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khi bán tài sản dầu khí, đồng thời với việc tổ chức chào thầu cạnh tranh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải mời tổ chức độc lập đánh giá, xác định giá trị khởi điểm của tài sản dầu khí. Việc này không khả thi vì không có tổ chức tư vấn Việt Nam nào có thể thực hiện được việc này”, đại biểu Hùng cho hay.
Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum), để có cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư thực hiện khai thác tận thu dầu khí và tăng cường nâng cao hiệu quả của hoạt động, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đại biểu thống nhất với đề xuất việc bổ sung vào dự thảo quy định về chính sách đặc thù đối với khai thác tận thu dầu khí theo hướng doanh nghiệp khai thác được thực hiện tính toán trực tiếp chênh lệch thu chi trong hoạt động khai thác, không phải trích nộp trước thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu dầu khí. Sau khi hợp đồng này kết thúc thì giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tiếp quản, quản lý, sử dụng tài sản công là các tài sản công trình dầu khí đã được lắp đặt đầu tư và khai thác.
“Hoạt động dầu khí đóng góp rất quan trọng trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế đất nước, do vậy, trong các quy định về hợp đồng lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí, chuyển nhượng hợp đồng dầu khí, thẩm định và phê duyệt các chương trình, báo cáo kế hoạch tìm kiếm, khai thác dầu khí của hoạt động này cũng cần bổ sung các cơ chế kiểm soát, đánh giá thận trọng hơn đối với tác động về quốc phòng, an ninh cho thật chặt chẽ”, đại biểu Phước đề nghị.
Hoạt động dầu khí của Việt Nam trên biển |
Liên quan đến điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được quy định tại Điều 12, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) chỉ ra các quy định tại Điều 12 chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể có những điều kiện nào thì được thực hiện việc điều tra cơ bản về dầu khí.
Kết cấu của điều luật chủ yếu quy định về loại hình chủ thể. Việc điều tra cơ bản là hoạt động đặc thù, vậy chủ thể thực hiện ngoài điều kiện về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm cần phải có những điều kiện đặc thù hay không? Nói cách khác, nội dung điều luật chưa phản ánh đúng, đầy đủ nội hàm theo tên gọi của điều luật mà chỉ mới phản ánh được một phần, đó là điều kiện về chủ thể thực hiện việc điều tra cơ bản về dầu khí.
Mặt khác, nội dung quy định của Điều luật tại dự thảo được hiểu là chỉ có chủ thể là tổ chức mới được tham gia hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí còn cá nhân thì không, nếu cá nhân muốn tham gia thì phải liên doanh với tổ chức để có đủ điều kiện.
“Trên thực tế, cá nhân nếu muốn thì có thể liên doanh hoặc tự mình thành lập pháp nhân và khi đó có nghĩa là họ trở thành một tổ chức mà không nhất thiết phải liên doanh với tổ chức khác, do đó quy định như tại khoản 3 Điều 12 của dự thảo luật là không cần thiết. Do vậy, cần xem xét, điều chỉnh lại nội dung của Điều 12 của dự thảo luật để khắc phục, bổ sung những bất cập, thiếu sót”, đại biểu Cầm Thị Mẫn nhấn mạnh.
Về việc thực hiện các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí, chính sách ưu đãi đầu tư đã được quy định tại Điều 54 của dự thảo được đánh giá có bước tiến mới trong quá trình xây dựng dự thảo luật, cải thiện đáng kể môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện các chính sách ưu đãi này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hồi đề nghị bổ sung vào dự thảo luật để đảm bảo trong trường hợp các nhà thầu dầu khí đã ký kết hợp đồng dầu khí và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà các chính sách ưu đãi đầu tư tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thấp hơn chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54 của dự thảo luật thì nhà thầu được quyền đề xuất để hưởng chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54.
Việc bổ sung quy định này là phù hợp với chính sách bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, đồng thời phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế về bảo đảm đầu tư. Ngoài ra, việc bảo đảm đầu tư, kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật là cần thiết để tránh việc các nhà đầu tư, nhà thầu dầu khí có khiếu kiện với Chính phủ sau này, do quyền lợi đầu tư của nhà đầu tư, nhà thầu dầu khí không được đảm bảo.