Đông y trị liệu ung thư thế nào?
Sức khỏe 25/05/2023 09:28
Danh từ “Ung thư” trong y học cổ truyền (YHCT) dùng để chỉ các loại ung nhọt, áp xe phát sinh cấp tính có phản ứng viêm (sưng, nóng, đỏ đau), vị trí có thể giữa da và cơ, dễ làm mủ và dễ vỡ thuộc dương chứng (ung) hoặc chìm sâu bên trong giữa gân cơ và xương, sắc da tối đen, khi chưa thành mủ thì khó tiêu, khi thành mủ thì khó vỡ, khi vỡ thì khó liền miệng thuộc âm chứng (thư).
Trong các sách YHCT cổ vẫn có những từ như “thạch thư” (sách “Linh khu”) mô tả như ung thư xương, “thạch ung” (sách “Chư bệnh nguyên hậu luận”) mô tả tính chất cứng rắn có gốc liền với da như ung thư hạch. Sau thời Kim Nguyên cho đến nay thường dùng từ “Thũng lựu” để chỉ các loại ung thư nói chung. Với loại ác tính thì dùng từ “Nham” (đá núi) vì bờ của khối u nham nhở và cứng như đá. Như vậy ung thư (cancer) trong Y học hiện đại thuộc nham chứng trong y học cổ truyền. Nhiều năm gần đây, Y học cổ truyền đã và đang đạt được những thành tựu nhất định trong nghiên cứu ung thư, từ mặt nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh, cơ chế bệnh sinh đến chẩn đoán, điều trị, hiệu quả điều trị và tiên lượng bệnh.
1. Bệnh nguyên của nham chứng
Những tài liệu cổ đã được nhắc đến cho thấy rằng, ung thư cũng đã từng được các y gia cổ đại quan tâm nghiên cứu. Hơn 3.500 năm trước dưới triều Ân, có ghi chép lại bệnh danh “lựu (bướu)” do bộ bệnh và chữ lưu hợp thành, ý nói bệnh có sự lưu lại tích tụ mà không đi.
Sự miêu tả các chứng “tích tụ”, “trường đàm”, “trưng hà” trong sách “Hoàng đế nội kinh” tương tự một số chứng trạng của bệnh u bướu trong y học hiện đại, ví dụ do nghẹn thức ăn không đưa xuống dưới được giống như u thực quản và môn vị gây ra triệu chứng tắc nghẽn trong y học hiện đại. Bệnh kết u trong bào cung, triệu chứng như mang thai, chậm kinh, xuất hiện ở nữ, tương tự như bệnh u xơ tử cung. Những phân tích này đặt cơ sở tốt cho sự hình thành của bệnh hoặc ung bướu trong y học cổ truyền. Những phân tích về căn nguyên bệnh trong tác phẩm này và nhận thức về nguyên nhân sinh bệnh trong y học ngày nay cũng có những nét tương đồng. Sự hình thành khối u là quá trình tương hỗ, tiêu trưởng, đấu tranh giữa chính khí và tà khí trong nội bộ cơ thể. Chính khí suy giảm, tà khí thừa cơ xâm nhập dẫn đến khí trệ, huyết ứ, đàm ngưng và một loạt các biến đổi vật lí khác. Theo YHCT: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can”; “Tà chi sở tấu kì khí tất hư”. Tà độc xâm nhập cơ thể hóa hỏa, nhiệt độc thương âm gây thương dịch hư tổn. Theo YHCT, nguyên nhân gây ung thư gồm 2 nhóm: Ngoại nhân và Nội nhân.
1.1. Yếu tố ngoại nhân
Ngoại nhân là 6 yếu tố thời tiết ở môi trường xung quanh khi tác động đến con người một cách thái quá hoặc nhân khi cơ thể suy yếu liền xâm nhập vào cơ thể để gây ra bệnh gồm: Phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Y học cổ truyền gọi là lục dâm. Lục dâm phạm vào kinh lạc làm khí huyết bị trở trệ, lâu ngày không giải tỏa được dẫn đến kinh lạc bị ứ tắc, tà độc uất kết mà sinh bệnh. Trong sách “Linh khu-Cửu châm luận” có viết: “Gió tám hướng xâm phạm kinh lạc có thể sinh ra ung bướu”. Một số sách cổ khác của y học cổ truyền cũng thể hiện rõ điều này. Sách Y tông kim giám viết: “Hỏa ứ trệ thành độc mà gây bệnh”. Sách Linh khu-Bách bệnh sử sinh thiên viết: “ Sự ứ trệ thường do hàn gây nên, ứ trệ lâu ngày sẽ sinh u”. Sách “Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận” viết: “Do phong tà hợp với độc gây nên bệnh ”. Thân Đấu Viên thời nhà Minh cho rằng: “ Người lao động cực khổ không tiếc sinh mạng, quá trình làm việc phơi nắng nóng lâu làm đau rát, tổn thương da”. Theo quan điểm của y học hiện đại cũng cho rằng, ung thư da có liên quan đến việc bị tia tử ngoại chiếu vào trong thời gian dài.
Ngoài ra y học cổ truyền còn nhấn mạnh, ăn uống không điều độ là nguyên nhân quan trọng có thể sinh ra ung thư ác tính. Sách “Tố vấn - Dị pháp phương nghi luận” viết: “Ăn nhiều thức ăn có tính chất thuộc hỏa làm cho nhiệt tích ở trong, bệnh tật hay phát loại ung nhọt”.
Sự phát sinh và phát triển của Nham chứng từ quan điểm tạng tượng, chính tà có quan hệ với các yếu tố di truyền, virus, yếu tố vi lượng, dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường,... Những điều này hoàn toàn phù hợp của quan điểm của YHHĐ cho rằng hoàn cảnh sống (ngoại tà), thói quen sinh hoạt đều liên quan đến việc hình thành khối u như bức xạ mặt trời, hóa chất, chất phóng xạ, ăn uống phải thức ăn nhiễm độc thuốc trừ sâu, chất phụ gia, chất bảo quản....
1.2. Yếu tố nội nhân
Nội nhân là 7 trạng thái tình cảm của con người khi phát triển quá mức bình thường sẽ trở thành yếu tố gây bệnh: Hỉ, nộ, ưu, tư, bi, kinh, khủng. Y học cổ truyền gọi là thất tình. Nội nhân chỉ chính khí suy nhược, âm dương rối loạn, khí huyết vận hành bất thường, công năng tạng phủ suy yếu. Ngoài ra nguyên nhân ăn uống cũng gây nên sự uất đọng trong kinh lạc và tạng phủ. YHCT nhấn mạnh do yếu tố bên trong gây ra chứng nham, chính khí suy nhược, ngoại tà thừa cơ xâm nhập vào kinh lạc và tạng phủ ảnh hưởng đến tà khí và lưu thông khí huyết, điều hòa âm dương mà gây ra khí trệ, huyết ứ, đàm ngưng. Độc tích lâu ngày hình thành u cục. Bên cạnh đó tình trạng tinh thần căng thẳng kéo dài, thói quen ăn uống không điều độ đều là những yếu tố thuận lợi, phối hợp với nhau gây nên bệnh lí u bướu. Sách “Cách chí dư luận” có viết: “Tình chí lo lắng, cáu giận ức chế, tích lũy lâu dài khiến tì khí tiêu hao, can khí tích trệ, lâu dần tích tụ thành hạch, sau thành nhũ nham”. Các sách khác của y học cổ truyền cũng nhấn mạnh đến vai trò của nội nhân trong quá trình hình thành nham chứng. Sách Cảnh nhạc toàn thư viết: “Ế cách (u thực quản) là do có ưu tư, uất kết ở bên trong mà thành”. Y thư “Hoạt pháp cơ yếu” có ghi: “Trượng nhân vô tích, hư nhân tắc hữu chi, tì vị hư nhược, khí huyết lưỡng suy, tứ thời hữu cảm, giai năng thành tích”. Điều này phù hợp với quan điểm của Y học hiện đại, cho rằng trong thời gian dài bị kích thích bởi những tâm lí bất lợi khiến chức năng miễn dịch của cơ thể suy giảm hoặc do bẩm sinh tiên thiên bất lợi nên dễ có những mầm mống ung bướu nảy sinh.
Một số yếu tố nội nhân cũng được coi là nguyên nhân chủ yếu trong bệnh sinh của một số loại ung thư như ung thư thực quản, ung thư môi, ung thư dạ dày. Trong sách “Y môn pháp luật” có đề cập đến một trong những nguyên nhân gây ế cách (nghẹn), hoặc phản vị (nôn) là do uống rượu quá nhiều. Sách “Y học thống chỉ” thì cho rằng, nguyên nhân do ăn uống đồ cay nóng và những thức ăn khó tiêu gây tích trệ trong dạ dày, làm tổn thương trường vị. Nghiên cứu dịch tễ học ngày nay cũng đã chứng minh có mối liên quan nhất định giữa việc ăn thức ăn nóng trong một thời gian dài với sự phát bệnh ung thư thực quản.
Sách “Ngoại khoa chính tông” cho rằng, nguyên nhân gây bệnh thần nham (ung thư môi) là do ăn nhiều thức ăn chiên rán. Nghiên cứu hiện nay chứng minh nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến chế độ ăn.
YHCT nhấn mạnh do yếu tố bên trong gây ra các chứng lựu, chính khí suy nhược, ngoại tà thừa cơ xâm nhập vào kinh lạc và tạng phủ ảnh hưởng đến tà khí và lưu thông khí huyết, điều hòa âm dương mà gây ra khí trệ, huyết ứ, đàm ngưng. Như vậy cả hai yếu tố ngoại nhân và nội nhân phải có sự phối hợp với nhau làm cho cơ thể mất điều hòa, công năng của tạng phủ và khí huyết bị trở ngại mà sinh ra bệnh.