Đồng Tháp Chú trọng “4 tại chỗ” và an toàn thực phẩm
Xã hội 18/08/2021 07:39
Sau giãn cách, các doanh nghiệp (DN) phải bảo đảm “4 tại chỗ”
Sở Công Thương Đồng Tháp đưa ra ba kịch bản có thể áp dụng trên địa bàn tỉnh sau khi hết giãn cách, đó là: Tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16; thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong bối cảnh vẫn còn một số địa phương dịch vẫn diễn biến phức tạp và cuối cùng là giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chỉ đạo, dù áp dụng kịch bản nào thì DN muốn hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc “4 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ và y tế tại chỗ). Đối với y tế tại chỗ, trường hợp DN không đủ điều kiện tổ chức thì có thể kí hợp đồng với cơ quan y tế để chăm sóc sức khỏe, xét nghiệm định kì cho công nhân…
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông, từ khi áp dụng Chỉ thị 16 và thực hiện “3 tại chỗ” chỉ còn khoảng 10% DN đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn theo “3 tại chỗ” do chuẩn bị cấp bách, thiếu hụt lao động. Điều này, khiến sản lượng thu mua và nhập hàng chỉ còn khoảng 20 - 30%.
Trước đó, báo cáo khó khăn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các nhà máy chế biến thủy sản gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, thực hiện phương châm “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài do sức chịu đựng của DN có hạn. Do đó, đối với các ngành sản xuất xuất khẩu rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại các địa phương.
Chính quyền tỉnh Đồng Tháp triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh Đông Thịnh |
Về dài hạn, ông Hòe kiến nghị, Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các địa phương và DN thực hiện “y tế tại chỗ”. Điều này, sẽ giúp các DN chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy và công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của DN được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) sẽ tổ chức xét nghiệm cho DN mỗi tháng 1 lần, giúp mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, do thực tế lượng vaccine ngừa Covid-19 còn hạn chế, nên cần ưu tiên các thành phần được tiêm vaccine. Theo đó, sau những người làm tại các cơ sở y tế và cán bộ phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền, thì tiếp theo là người lao động trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong các nhà máy, các khu công nghiệp xuất khẩu, nhất là nhà máy “3 tại chỗ”. Việc tập trung tiêm ngay vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, sẽ vừa giữ được thị trường xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho cả nông, ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở phía trước.
Chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm trong DN và cộng đồng
Do thời gian giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài kéo dài, người dân có tâm lí tích trữ thực phẩm sử dụng dài ngày. Vì vậy, để phòng, ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh cùng các huyện, thành phố đã thực hiện công tác giám sát, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm an toàn.
Đối với từng gia đình trong mùa dịch Covid-19, Chi cục khuyến cáo, mỗi hộ khi mua thực phẩm phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người xung quanh; sử dụng dung dịch khử khuẩn tay trước và sau khi ra khỏi cửa hàng. Sử dụng các dụng cụ gắp, kẹp thực phẩm chuyên dụng hoặc găng tay khi lựa chọn thực phẩm tươi sống, không bao gói sẵn; không mua thực phẩm bị mọt, mốc hết hạn sử dụng và vệ sinh túi, dụng cụ chứa đựng thực phẩm sau mỗi khi sử dụng.
Khi tiến hành sơ chế đối với các loại rau, củ, quả cần rửa sạch bùn, đất,..., để ráo nước và chia thành phần nhỏ (đủ dùng cho một bữa ăn) trước khi gói, bọc, bảo quản trong nhiệt độ mát. Các loại thịt, cá… phải rửa sạch và để ráo nước; bọc kín bảo quản ở nhiệt độ mát khi chờ chế biến trong ngày, giữ thực phẩm ở nhiệt độ đông lạnh nếu bảo quản lâu hơn. Để riêng các loại thực phẩm khi bảo quản trong tủ lạnh, rã đông thực phẩm bằng cách đặt trong ngăn mát tủ lạnh, dưới vòi nước chảy hoặc bằng lò vi sóng; không để ra ngoài trong nhiều giờ. Thức ăn sau khi nấu chín, chưa ăn ngay phải che đậy tránh bụi, côn trùng; bảo quản ở nhiệt độ môi trường (khoảng 22oC) không quá 2 giờ...
Mỗi thành viên trong gia đình, nhất là NCT luôn thực hiện ăn chín, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn chung; trên mâm hay bàn ăn phải có thìa, muỗng, đũa để lấy thức ăn riêng. Không dùng chung li nước uống, không ăn thức ăn sống hoặc tái như cá sống, thịt sống, trứng sống, gỏi, tiết canh... Các loại rau, củ, quả khi ăn sống phải được rửa sạch, gọt vỏ trước khi ăn.
Những người phải cách li tại gia đình không được nấu ăn, phục vụ ăn uống cho người khác. Không ngồi ăn chung với các thành viên trong gia đình; dụng cụ ăn uống phải rửa, tiệt trùng, bảo quản riêng...