Đổi mới giáo dục: Tiêu chí hướng tới trường học hạnh phúc
Giáo dục 18/12/2024 16:20
Thạc sĩ Bùi Thị Nga, công tác tại Phòng Tâm lý Học đường - Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
PV: Làm việc và nghiên cứu sâu về Tâm lý học đường và môi trường học tập lý tưởng, cô Nga có thể đưa ra các tiêu chí về một trường học hạnh phúc không?
“UNESCO đưa ra 22 tiêu chí cho một trường học hạnh phúc. Theo tôi, trong các yếu tố đó thì cần tập trung vào ba yếu tố chính, đó là: con người - môi trường - hệ thống. Con người ở đây nghĩa là mỗi nhân tố đều có các mối quan hệ tích cực, tôn trọng chấp nhận sự khác biệt, tạo bầu không khí tích cực. Hệ thống nói đến quá trình giảng dạy và học tập: phương pháp giáo dục, giảng dạy tích cực tạo hứng thú, động cơ học tập tích cực cho học sinh, giúp cho học sinh cảm nhận được hạnh phúc, vui vẻ và được sáng tạo, học sinh được chú trọng quan tâm đến sức khỏe tinh thần/tâm thần. Yếu tố môi trường đề cập đến nơi có không gian học tập xanh, sạch, an toàn và lành mạnh, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm và có chiến lược phát triển vì con người.”
Một tiết học về giới tính cho học sinh tiểu học của cô Nga. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
PV: Vậy trong những yếu tố đó, theo cô đâu là tiêu chí then chốt để tạo ra một trường học hạnh phúc?
“Với những tiêu chí của UNESCO thì con người là một trong những yếu tố cần quan tâm nhất. Và điều đó đồng nghĩa với việc người giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một lớp học vui vẻ - hạnh phúc, một trường học hạnh phúc. Bởi giáo viên có hạnh phúc thì học trò mới hạnh phúc. Để làm được điều đó thì mỗi thầy cô cần không ngừng thay đổi để tạo ra hạnh phúc của chính mình và học trò. Nhà trường cũng cần có trách nghiệm trong việc này.”
Cô Nga và các giáo viên trong một tọa đàm về tâm lý học đường. (Ảnh: Fanpage The NBK Schools) |
PV: Giá trị cốt lõi của một trường học là giáo dục, được thể hiện trực tiếp qua thành tích thể hiện trên giấy tờ. Điều này tạo ra một áp lực lớn cho thầy cô về việc giảng dạy kiến thức, ít thời gian để chú trọng vào việc quan tâm, lắng nghe tâm lý của học sinh. Cô nghĩ lối mòn này sẽ tạo ra những hệ luỵ như thế nào và liệu có trở thành thách thức khi xây dựng một trường học hạnh phúc?
“Nghị quyết 29 của Đảng chỉ rõ Mục tiêu lớn nhất của giáo dục là nhân cách người học. Vì vậy, việc triển khai chương trình giáo dục trong nhà trường đã được vận hành khác đi, kiến thức không còn phải là trọng tâm trong giáo dục. Tuy nhiên, có nhiều trường học vẫn còn áp dụng những phương pháp dạy học truyền thống, tập trung quá nhiều vào điểm số và thành tích. Điều này vô tình tạo ra một áp lực rất lớn lên học sinh, khiến các em sẽ học tập không phải vì bản thân mình, học tập không còn là vì kiến thức nữa mà là chỉ vì điểm số, vì sự mong đợi của người lớn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các con mất đi những cái hứng thú học tập nhất định và đặc biệt là có thể tạo ra những áp lực căng thẳng hoặc một số các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong học đường.”
Cô Nga giảng dạy tiết học về tâm lý tuổi dậy thì cho học sinh THCS. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
PV: Nếu mất cân bằng giữa việc truyền tải kiến thức và hỗ trợ tâm lý học đường, có thể gây ra rất nhiều hệ luỵ không mong muốn, trong đó lớn nhất vẫn là học sinh sợ trường học, và thầy cô cảm thấy bất lực, không được tôn trọng. Theo cô làm thế nào để cân bằng giữa truyền đạt kiến thức và lớp học vui vẻ?
“Để tạo nên một không gian học tập lý tưởng, việc cân bằng giữa việc truyền đạt kiến thức và tạo ra một lớp học vui vẻ là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để làm được điều này không phải là dễ dàng. Vì vậy cần phải khơi dậy hứng thú học tập từ chính bản thân các em bằng cách đổi mới phương pháp dạy học, cho học sinh được chủ động tìm tòi, học hỏi những kiến thức hữu ích và phù hợp với sở thích, năng lực. Những năng lực chung cần được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.”
Một buổi học sáng tạo được cô Nga tổ chức tại trường. (Ảnh: Fanpage The NBK Schools) |
PV: Có nhiều thầy cô giáo xây dựng mối quan hệ với học sinh bằng chữ “sợ”. Tức là học sinh phải sợ thầy cô thì mới có kỉ luật, mới học tốt. Tại sao lại như thế và cô nghĩ như thế nào về điều này?
“Theo quan niệm cũ của văn hóa Việt Nam trong khi việc giáo dục học trò đó là “yêu thì cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Vì vậy không thể tránh khỏi một trong số đó có phương pháp giáo dục học trò còn theo lối cũ “sợ” mới học. Thì những phương pháp này có thể khiến cho đứa trẻ mất đi sự sáng tạo, sự mạnh dạn tự tin chia sẻ hoặc trình bày quan điểm của mình, đánh mất động lực học tập tự thân của các con. Nhưng điều này được khoa học đã chứng minh và tâm lý học đã chỉ ra rất nhiều lần rằng không hẳn việc tạo ra những cái áp lực căng thẳng mới giúp cho trẻ có được những kỳ tích. Đôi khi giúp cho trẻ có được sự tôn trọng, sự thoải mái, được hiểu, được chấp nhận là chính mình lại khiến cho trẻ có những động lực, động cơ học tập tốt hơn và tương ứng với nó là kết quả học tập cũng sẽ khác.”
Cô Nga cùng học sinh. (Ảnh; Nhân vật cung cấp) |
PV: Khi mối quan hệ giữa cô và trò không ổn cũng sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng, được thể hiện qua việc học sinh sẽ thấy mặc cảm, không tự tin về khả năng, sở thích của bản thân, không dám thể hiện. Ngược lại, thầy cô cũng mặc cảm về khả năng quản lý, truyền đạt, khi học sinh không nghe lời. Vậy thì làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
“Không có quy chuẩn nào về một trường học hạnh phúc, cũng không có thước đo nào có thể đong đếm được điều này, nhưng với cô Nga, một trong những giải pháp có thể tạo nên một môi trường học tập lý tưởng đó là nơi có bầu không khí mà ở đó học trò và cả giáo viên sẽ là những người được hiểu được tôn trọng, được chấp nhận bản thân mình, được là chính mình, được phát triển, được cảm thấy mình giá trị, được phát tối đa khả năng mà mình có. Để thầy cô và các con có được điều đó thì rất cần sự chung tay của cả thầy, trò, cha mẹ học sinh và người lãnh đạo đứng đầu.”
Cô Nga trong một buổi tập huấn chuyên môn.(Ảnh: Fanpage The NBK Schools) |
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ đến từ Thạc sĩ Bùi Thị Nga!
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui là câu nói quen thuộc, nhưng làm thế nào để thực hiện được nó là điều không dễ dàng. Và trong môi trường mà học sinh dành thời gian ở trường còn nhiều hơn ở nhà thì ngoài bạn bè, thầy cô giáo và nhà trường cũng chính là những người rất quan trọng, góp phần tạo nên niềm yêu thích khi đến lớp cho học sinh. Vì vậy, cả thầy cô, học sinh, cha mẹ học sinh và nhà trường đều cần thấu hiểu những yếu tố của môi trường học tập lý tưởng để hướng đến một trường học hạnh phúc.