Đôi điều về việc hình thành nhân cách cho trẻ em
Giáo dục 17/06/2024 10:06
Tuy nhiên, còn rất nhiều nét văn hóa của dân tộc Việt Nam rất hay, rất ý nghĩa lưu giữ trong Nhân dân mà khai thác còn ít ỏi hoặc bị lãng quên. Có những việc tưởng chừng là nhỏ bé, tưởng chừng ít có tác dụng giáo dục con cháu nhưng hiểu thấu đáo về việc này, chúng ta thấy rất tốt. Nó là nguồn gốc tạo nên nhân cách và sự trưởng thành cho trẻ em của rất nhiều thế hệ người Việt Nam.
Trước hết chúng ta nêu lên (có tính so sánh) một số công việc cụ thể mà trẻ em ngày xưa và ngày nay đã làm, đây là những minh chứng để thấy rõ hơn điều bàn luận về giáo dục để hình thành nhân cách cho trẻ em.
- Trước năm 1990, lũ trẻ đã có thể tự chăm sóc bản thân mình từ bé, không ỷ lại ông bà hay người lớn. Ngay từ bé bắt đầu tập lao động, đến khi 10 tuổi đã biết làm hầu hết những công việc trong nhà để đỡ đần ông bà và những người lớn, thậm chí nấu cơm, giặt quần áo, chăn thả trâu bò, cắt cỏ...
Ảnh minh hoạ |
+ Sau năm 1991, người lớn "bao cấp" cho con cháu nhiều quá, không ít thanh niên to lớn rồi mà như "gà công nghiệp", không biết nhặt rau, tự giặt quần áo…
- Ngày xưa, nếu như trẻ em khát thì tự uống nước ở bất cứ đâu: Bể chứa nước mưa, nước giếng, nước ven đồi... Nhiều đứa cùng uống chung một gáo nước rất vui. Ngày nào trẻ em cũng chén cơm độn ngô, khoai, sắn và bất cứ thứ gì có thể ăn được, chỉ cần no bụng. Tất cả đều sạch sẽ.
- Ngày nay, trẻ đói, khát thì bố mẹ mua cho xúc xích, nước lọc, nước ngọt đóng chai... Ăn toàn đồ tăng trọng, làm béo phì, tiềm ẩn nhiều bệnh tật nguy hiểm.
- Ngày xưa, hằng ngày cả nhà có ba bữa cơm sáng, trưa, chiều tối, cùng no đói, sướng khổ bên nhau. Bữa cơm là dịp đông đủ mọi người, là sự gần gũi với nhau, dạy bảo trẻ em cách ăn uống, lối sống, đạo đức...
- Ngày nay, hầu hết các gia đình ở thành thị, thậm chí ở nông thôn, ít khi ăn cơm cùng nhau, đông đủ mọi người. Bữa cơm trưa chỉ là những người cao tuổi với trẻ em không đi học ở nhà.
- Ngày xưa, trẻ em được rèn tính tự lập. Ví dụ: Đi học một mình từ sau ngày khai giảng đầu tiên đến trường của cuộc đời và tự làm mọi việc. Ví như lúc đi thi vào cấp III xa nhà, thi đại học và đi nhập học đại học cũng một mình tự đi...
+ Ngày nay, trẻ em được người lớn đưa đi, đón về từ lúc học mầm non cho đến khi lớn tướng to đùng, thậm chí đến cả lúc học đại học vì sợ đủ thứ trên đời!? Từ đó làm mất đi tính tự lập, bất kì việc gì cũng ỉ lại người lớn.
- Ngày xưa, bắt đầu từ lớp 1, sau giờ học trên lớp, không phải đi học thêm, trẻ em phải lao động giúp đỡ bố mẹ hoặc tham gia lao động sản xuất hợp tác xã. Thường đến chơi nhà nhau những lúc rảnh rỗi. Các đồ chơi tự làm lấy bằng đất sét (viên bi), lá cây (gấp thành hình những con vật, đồ vật), que củi (chơi khăng, chơi đánh que chắt), thậm chí là vỏ ốc, vỏ chai... trẻ em biết chia sẻ đồ chơi với nhau.
+ Ngày nay, học thêm suốt ngày, suốt tuần, không có thời gian để vui chơi. Còn đồ chơi bằng nhựa, súng đạn, dao kiếm bạo lực, thiếu tính giáo dục, nặng tính bạo lực... Gia đình nào cũng tràn đầy đồ chơi là rác phế thải nhựa, gây ra ô nhiễm môi trường.
- Ngày xưa, trẻ em rất ít, thậm chí không có sách để đọc. Có khi trẻ phải đứng chôn chân xếp hàng để mua sách, mua được sách rồi thì đọc suốt ngày đêm. Trẻ em cho bạn bè mượn sách, lưu giữ sách suốt đời, thậm chí còn lưu lại cho thế hệ sau. Đó là: Truyện Kiều, Tam Quốc, Thủy Hử… nhất là sách giáo khoa, sách tham khảo luôn bao bọc bìa sách... Không bao giờ xé rách sách, ném sách vào thùng rác, bán sách.
+ Ngày nay, trẻ em "ôm" tivi, điện thoại, iPad từ giờ này qua giờ khác. Và trẻ không hề đọc tác phẩm văn học nổi tiếng, tuyển tập thơ hay. Cho nên không ít người đã trưởng thành mà không biết đại thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều... Sách giáo khoa, sách bài tập hết năm học là vứt bỏ, đứa em lại tiếp tục mua sách mới, rất tốn tiền của bố mẹ...
- Ngày xưa, mọi người sống không có: Internet, máy tính, tivi, điện thoại di động... nên dành tất cả thời gian còn lại trong lúc rảnh rỗi là kể chuyện cho trẻ nhỏ, dạy bảo cho con cái, cùng đọc sách, nghe radio, tâm sự với con gái đến tuổi dậy thì. Các gia đình hầu hết là nghèo khó nhưng ông, bà, bố, mẹ đã tặng cho con cháu tình yêu của mình, dạy cho cháu, con biết trân trọng những giá trị tinh thần (thông qua kể chuyện, bảo ban hàng ngày), chứ không phải là vật chất, không phải là tiền, vàng bạc. Người lớn dạy cho trẻ con biết thế nào là giá trị thực sự của con người. Đó là: Sự trung thực, lòng trung thành, sự tôn trọng và tình yêu lao động…
+ Ngày nay, không còn cảnh bà ru cháu trên cánh võng đung đưa với câu hát dân ca. Bố mẹ không còn thời gian dành cho con gối đầu lên cánh tay mình và kể những câu chuyện cổ tích, giàu tính nhân văn, đạo đức tốt. Ngày nay, người lớn lo làm giàu, không có thời gian chăm sóc con cháu, luôn lấy điện thoại làm "cô bảo mẫu" cho trẻ tự xem chương trình chưa qua kiểm duyệt, vừa hại mắt, vừa nguy hại đến tính cách của trẻ...
- Ngày xưa, kí ức của nhiều thế hệ chỉ là những trang nhật kí, những tấm ảnh đen trắng, gia phả dòng họ… được lưu giữ nhiều đời nhưng đầy ánh sáng và rực rỡ. Ai cũng trân trọng lật mở từng trang cuốn album gia đình, cuốn gia phả với sự thích thú, tôn kính. Trong kỉ vật đó luôn lưu giữ chân dung của ông bà, cụ kị, các con cháu cùng truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
+ Ngày nay, điện thoại di động, đầu đĩa DVD, điện tử Play Station, máy tính, Internet rất tốt cho cuộc sống con người, số lượng ảnh, video nhiều, chất lượng cao nhưng thiếu mất cái "hồn" trong đó. Thiếu nhất là sự cùng nhau ôn lại những kỉ niệm đẹp, truyền thống tốt của ngày xưa và không có sự lưu giữ lâu dài.
- Ngày xưa, thế hệ không có những thứ xa hoa, hiện đại như nói trên nhưng tất cả mọi người vẫn nuôi dạy con cháu nên người, sống tốt và cống hiến cho xã hội. Mọi người luôn có những người bạn thực sự chứ không phải với những người bạn từ Internet, từ zalo, fb,... chưa bao giờ gặp nhau.
+ Ngày nay, thế hệ trẻ biết mọi thứ trên trời, dưới biển… ở trong điện thoại, zalo, fb,… hầu như không biết đến xã hội hiện thực bên ngoài. Lại còn đưa cuộc sống của gia đình mình, bản thân, riêng tư của người khác, của thiên hạ để đàm tiếu trên zalo, Facebook và Instagram. Đó là điều đáng sợ nhất!
- Ngày xưa, các thế hệ trẻ luôn cúi đầu nghe lời ông, bà, cha mẹ dạy bảo. Lúc đó thế hệ bề trên biết lắng nghe con cái phản hồi. Liệu lớp người cao tuổi hiện nay có phải là thế hệ cuối cùng làm được điều đó không?!
+ Ngày nay, mọi gia đình hầu hết chỉ có không quá hai mặt con nhưng có vẻ như "măng lớn hơn tre" nên ít chịu nghe lời dạy bảo của người lớn. Từ đó xã hội sắp biến mất một thế hệ người "xưa nay hiếm" với những điều tốt đẹp!
Chúng ta cũng chẳng vui khi nói về những điều chưa được của ngày hôm nay và khen những điều tốt đẹp của ngày xưa nhưng chả lẽ lại phủ nhận thực tế khách quan đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra trong giáo dục trẻ em? Mong sao các con cháu biết thế hệ ông, bà, bố, mẹ là những lớp người "cuối cùng" mà hãy tranh thủ thời gian quý giá, hãy biết tận hưởng những ngày bên thế hệ người cao tuổi này. Hãy biết học hỏi và trân quý những gì tuy nhỏ bé hằng ngày nhưng ý nghĩa lắm, nó nuôi dưỡng nhân cách con người phát triển tốt đẹp hơn.
Qua những việc nêu trên, nhận thấy quan điểm của người xưa về dạy con là phải cho trẻ tự làm, thường xuyên uốn nắn từ lúc còn trẻ nhỏ, "Dạy con từ thuở còn thơ". Người xưa ví dạy trẻ em với việc trồng cây bởi cây non thì dễ uốn, còn khi cây đã lớn thì rất khó uốn. Một triết lí rất sâu xa của ngày xưa là "Thương cho roi cho vọt", phải hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng, bởi vì muốn con cái nên người thì phải nghiêm khắc. Đứa trẻ phải được dạy dỗ nghiêm khắc bởi có những sai lầm không được phép mắc phải vì không có cơ hội sửa sai. Cái gọi là chủ nghĩa nhân đạo chỉ có khi những biện pháp răn dạy đã phát huy tác dụng, nhất là với những đứa trẻ có tính cách mạnh mẽ nếu những gì chúng vi phạm không bị trừng phạt lúc còn nhỏ thì sau này sẽ là trả giá lớn khi trưởng thành. Trong cuộc sống đã có nhiều gia đình nuôi dạy con cái không nên người là bởi sự thiếu nghiêm khắc, bởi sự chiều chuộng quá đáng của cha mẹ. Có muôn kiểu chiều chuộng con cái: Nhà có điều kiện vật chất thì chiều cho con được sung sướng mà không nghĩ đến cảnh một ngày nào đó vạn bất đắc dĩ có gì xảy ra thì con mình sẽ xoay xở ra sao. Nhà thì vì hiếm muộn mà chiều con theo cách: Đứa con là trung tâm của vũ trụ. Nhà thì không chiều con không được là vì lúc con cứng đầu, cứng cổ cãi lại vì lúc nó còn bé thơ đã không uốn nắn.
Quan điểm nêu trên trái ngược với một số phương pháp dạy con hiện đại ở không ít gia đình là: Cứ để cho đứa trẻ phát triển tự nhiên đi đã rồi mới dạy, uốn nắn dần dần. Phương pháp này thoạt nghe thì có vẻ rất đổi mới, hiện đại nhưng thực tế là đang sai lầm bởi vì trẻ con luôn phát triển mạnh các giác quan cũng như bản năng, khi mà chưa bị lí trí chi phối, thành thử rất dễ nhiễm các thói hư tật xấu. Phương pháp này chỉ có thể thực hiện khi trong gia đình, nhà trường và xã hội mọi thứ đều đạt đến độ chuẩn mực. Còn nếu không, người lớn không còn cách nào khác là phải nghiêm khắc dạy trẻ kĩ lưỡng mọi thứ ngay từ khi còn nhỏ bé. Người xưa dạy con, ít nhất, khiến đứa trẻ sau này thành người tử tế, có ích cho gia đình và xã hội.
Sự hiện đại và tư duy phóng khoáng của các cụ ngày xưa thể hiện trong quan niệm "Con hơn cha là nhà có phúc". Đức thì tại mẫu, còn phúc của gia đình là ở chỗ người con phải vượt qua cái bóng của cha mình. Đây là tư tưởng tiến bộ của các bậc tiền bối, nó là một trong những điều chứng minh rằng: Văn hóa cũng như tâm tính người Việt hoàn toàn khác với những nền văn hóa cổ lạc hậu của những nước láng giềng. Đành rằng không phải cái gì của người xưa cũng là chuẩn mực nhưng có nhiều cái đúng với muôn đời vì nó là nguyên lí của cuộc sống, cũng như tâm tính con người mà khi chưa hiểu thấu đáo, người ta dễ coi đó là những điều không thực tế và thiếu tính ứng dụng. Như thế là đủ để chúng ta phải học hỏi, để nuôi dạy trẻ em sống cho đúng đạo lí thì mới là hiểu một cách thấu đáo.
Ngày hôm nay một trong những mối bận tâm lớn nhất của ông bà, bố mẹ là ở chỗ nuôi dạy con cái như thế nào chứ không phải là làm giàu hay kiếm danh lợi. Là bởi ngày nay chỉ cần chăm chỉ là người ta đã có một cuộc sống tạm gọi là đủ đầy về vật chất. Nhưng một khi thế hệ sau bị hư hỏng thì phần đời còn lại của các bậc ông bà, cha mẹ coi như bỏ đi. Chính vì thế các bậc cha mẹ của ngày hôm nay tìm mọi cách để dạy con nhưng mỗi người một cách. Người thì hâm mộ Nhật Bản nên dạy con kiểu Nhật, người thì kiểu Mỹ, người thì kiểu Pháp. Tóm lại là cứ thấy kiểu nào phù hợp với mình hay nói đúng hơn là hấp dẫn mình hoặc chạy theo trào lưu thì mang con cái ra làm thí nghiệm. Hơn nữa lại có một làn sóng phản kháng cho rằng, cách dạy con của các cụ ngày xưa là cổ hủ, là xa rời thực tế nên vô tình đã bỏ đi rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Dạy con theo kiểu nước ngoài nhưng lại sống ở Việt Nam cho nên sau này đứa trẻ lớn lên sẽ gặp cái gọi là xung đột văn hóa, dẫn đến việc rất khó hòa nhập với cuộc sống.
Ngày hôm nay ông bà, nhất là bố mẹ nuôi dạy con cái như thế nào?
Chúng ta đều biết: Gieo trồng và chăn nuôi là những hoạt động mưu sinh sớm nhất của loài người. Gieo hạt ngô để thu hoạch bắp ngô. Nuôi gà để lấy trứng và sinh sản gà con... Từ lao động sản xuất mà loài người đã phát hiện ra quy luật nhân - quả trong tự nhiên. Sự phát triển của xã hội loài người luôn đồng hành cùng phát triển văn hóa, giáo dục. Người ta đã nhận ra quy luật nhân - quả luôn có trong tự nhiên và xã hội. Với hoạt động giáo dục, người ta tìm ra quy luật: "Gieo hành động - gặt thói quen; gieo thói quen - gặt tính cách; gieo tính cách - gặt số phận". Như vậy bắt đầu giáo dục trẻ em bằng hành động, cho trẻ em tự làm ngay từ khi còn nhỏ. Trước hết là bằng hành động của người lớn, làm gương cho trẻ noi theo. Bởi vậy, ngày xưa các cụ rất chú trọng đến việc phải hành động hằng ngày làm sao trở thành tấm gương sáng cho con trẻ noi theo. "Cha làm sao, con bào hao làm vậy", "Cha nào con nấy". Hiểu triết lí "cha nào con nấy" là phải hiểu rằng: Đứa trẻ chính là tấm gương phản chiếu những gì cha mẹ, ông bà đã làm. Với trẻ con, không được phép nói rằng người lớn làm thế còn trẻ thì không.
Một hành động của một người được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành kĩ năng; từ kĩ năng thành thói quen; khi đã thành thói quen thì lâu ngày sẽ trở thành tính cách; từ tính cách tạo nên số phận. Đó là quy trình logic biện chứng, "Nhân - Quả - Nhân - Quả -…" chuỗi này kéo dài vô tận. Dễ nhận thấy quy luật đó trong việc trẻ bắt đầu "hành động" là nói tục, thường xuyên liên tục thành quen miệng, quen rồi thành nói bậy, nói láo, lâu ngày trở thành tính cách, dần dần thành chửi rủa và sinh ra số phận. Ví dụ khác, về việc dạy bảo trẻ em học tập. Lúc trẻ vào lớp 1 thường mải chơi ngại học, nếu bố mẹ nghiêm khắc rèn luyện "hành động" học thì tạo cho con một "thói quen" học tập. Khi con có thói quen học tập thì dần dần hình thành "tính cách" chăm chỉ. Nhờ chăm chỉ học tập mà giỏi giang, tiến bộ, tiếp thu kiến thức nên tích tụ thành nhân cách và hình thành "số phận". Khi có "số phận" rồi người ấy tiếp tục "hành động" để có "thói quen" lao động, từ đó tạo thành "tính cách" mới cao hơn, tạo ra "số phận" cao hơn, tốt hơn. Cứ như vậy, sự phát triển liên tục có tính phát triển nâng cao theo hình thức xoắn trôn ốc, chỉ có điểm khởi đầu, và có điểm cuối cùng là khi "nhắm mắt xuôi tay".
Trẻ con luôn bắt chước mọi việc xung quanh một cách vô thức để rồi sau đó hình thành thói quen, dần dần thành tính cách và tạo nên số phận, còn gọi là bản năng thứ hai. Vì thế việc tập cho trẻ những hành động tự giác có ý thức ngay từ nhỏ, bắt đầu từ những việc đơn giản nhất (ăn, ngủ, chơi, học,…) để gieo vào tâm hồn trẻ em ý thức tự chủ trong mọi hành vi ứng xử sau này. Muốn dạy cho trẻ ý thức tự giác chúng ta phải biết dùng cách nào, công cụ nào để có tác dụng hữu ích nếu không thì chính chúng ta đang bôi bẩn tâm hồn đứa trẻ. Trước hết chúng ta để cho trẻ quyền chọn lựa, không phải là chọn lựa giữa cái không hoặc cái có mà là chọn lựa giữa việc thực hiện như thế này hay thực hiện như thế kia. Nếu trẻ lựa chọn nghịch với bình nước nóng thì trẻ phải đối mặt với việc bị bỏng tay. Nếu trẻ lựa chọn việc tự mình leo cầu thang, trẻ phải đối mặt với việc bị ngã. Nếu trẻ muốn thử ăn ớt thì trẻ sẽ đối mặt với việc bị cay. Ta có thể để trẻ lựa chọn và tự chịu trách nhiệm với hậu quả của sự lựa chọn ấy, đó là một hành động trải nghiệm. Ngay từ khi còn nhỏ bé nếu trẻ em không được tập cho tính tự giác thì thiếu khả năng tự giác sẽ đưa đến sự thiếu tự tin, khi đã không tin vào mình thì không thể có khả năng tự chủ trong công việc từ chuyện học tập cho đến chuyện làm ăn sau này. Và khi đã không có sự tự chủ thì chắc khó mà có thể có tinh thần tự lập cho cuộc đời của mình.
Học sống có trách nhiệm là một quá trình kéo dài xuyên suốt cuộc sống của con người, nhất là trẻ em, trong đó cha mẹ là những người đặt nền tảng khi trẻ còn nhỏ. Bố mẹ nào cũng mong ước con cái sẽ có cuộc sống tốt hơn mình nên luôn có tâm lí thường bù đắp và dành cho con những gì tốt nhất. Tuy nhiên hầu hết bố mẹ đều bận rộn với việc mưu sinh nên ít khi dành thời gian để chỉ bảo lối sống cho con. Vì vậy mong ước chính đáng của bố mẹ đôi khi lại dẫn đến những thói quen xấu và sự vô trách nhiệm ở trẻ như lối sống ích kỉ, ỷ lại, không biết quan tâm đến người khác và không chịu trách nhiệm với chính bản thân mình. Những đứa trẻ mà không được dạy để sống có trách nhiệm từ nhỏ thì khi lớn lên sẽ gặp khó khăn trong việc quản lí gia đình, giải quyết các mối quan hệ xã hội, cá nhân và rất khó thành công trong cuộc sống.