Còn nhiều dư địa để cải cách thủ tục hành chính liên ngành về cấp phép xây dựng
Kinh tế 27/11/2020 13:46
Phát biểu khai mạc buổi hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, hoạt động xây dựng rất quan trọng và liên quan đến nhiều đơn vị, cơ quan chức năng. Đồng thời, chịu sự quản lý của nhiều cấp, ngành nên thủ tục, quy định có nhiều phức tạp. Tuy nhiên, gần đây, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã chú trọng cải thiện các thủ tục hành chính về xây dựng; không chỉ là quản lý cấp phép theo hướng đơn giản và minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu rủi ro, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án, công trình. Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan quản lý nghiêm túc thực hiện việc cắt giảm số lần thanh, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, việc trao đổi ý kiến và tiếp nhận thông tin phản hồi từ người dân, từ doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách và các quy định, các thủ tục hành chính là rất quan trọng. Nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính hơn nữa, chính là lý do để các cơ quan nghiên cứu tổ chức việc rà soát, thu thập ý kiến phản hồi từ cơ sở. Hiện nay, chỉ số cấp phép xây dựng năm 2019 được xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số quan trọng nhất của Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của các đia phương; được tiến hành điều tra công khai và định kỳ công bố tới công luận.
Quang cảnh hội thảo công bố báo cáo “Thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của doanh nghiệp”. |
Tại hội thảo, GS. TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quỹ Friedrich Naumann Foundation chia sẻ, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ vào những nỗ lực cải cách của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trên cả nước. Rào cản gia nhập thị trường, gánh nặng thủ tục hành chính đã giảm bớt; mức độ minh bạch của môi trường kinh doanh cũng gia tăng; chi phí không chính thức đã dần được đẩy lùi. Những thay đổi này đang tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều ngành, nghề và khu vực kinh tế. Cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực đã có kết quả tích cực qua phản ánh của doanh nghiệp.
Đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho biết, để thực hiện nghiên cứu này, một khảo sát toàn quốc đã được tiến hành và thu được phản hồi từ khoảng 10.000 doanh nghiệp; trong đó, xấp xỉ 2.100 doanh nghiệp (gồm 82% doanh nghiệp trong nước và 18% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có hoạt động xây dựng mới hoặc cải tạo công trình, nhà xưởng trong vòng 2 năm gần đây. Nghiên cứu này dựa trên kết quả khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019. Khảo sát thực hiện theo phương pháp điều tra chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng, tiến hành trên toàn bộ 63 địa phương ở Việt Nam.
Trong nghiên cứu lần này, VCCI đã lựa chọn 13 tiêu chí thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp thường xuyên thực hiện nhất trong dự án đầu tư xây dựng để đánh giá, bao gồm: quyết định chủ trương đầu tư; các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; thẩm định về phòng cháy chữa cháy; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; kết nối cấp điện; cấp thoát nước; thanh tra, kiểm tra về xây dựng; thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra, xác nhận công trình bảo vệ môi trường; đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.
Khảo sát cho thấy, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên ngành trong hoạt động xây dựng. Điển hình, đối với thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn lên tới 58%, xếp thứ hai là các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị là 52%, thứ ba là quyết định chủ trương đầu tư với 44%. Ngoài ra, tại các thủ tục khác về phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, công tác thanh kiểm tra về xây dựng,... cũng còn nhiều rào cản đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Ngoài ra, thời gian chờ đợi để nhận giấy phép xây dựng cũng khiến doanh nghiệp mất ít nhất là 1 tháng, chưa kể còn có tỷ lệ 15,5% hồ sơ mất hơn 30 ngày mới được giải quyết và 10,3% tỷ lệ hồ sơ mất hơn 60 ngày giải quyết.
Dựa trên các phân tích trên, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, để giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về xây dựng và các lĩnh vực có liên quan. Cùng đó, xây dựng cơ chế phối hợp để giải quyết đồng thời các thủ tục hành chính; nghiên cứu giảm thời gian thực hiện với các thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, cấp giấy phép xây dựng, kết nối cấp điện, cấp nước, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và nghiên cứu cơ chế xã hội hóa một số khâu trong quy trình giải quyết các dự án đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, để giảm thiểu chi phí không chính thức, Trưởng ban Pháp chế VCCI đề xuất thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và phát triển rộng rãi các hình thức thanh toán trực tuyến cấp độ 4 cho thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế nhũng nhiễu, gây phiền toái cho doanh nghiệp khi phải gặp trực tiếp cán bộ giải quyết thủ tục.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: "Có thể thấy trong 13 tiêu chí trên, những thủ tục liên quan đến cơ quan quản lý Nhà nước thì doanh nghiệp còn rất vướng. Doanh nghiệp mà vướng thì người dân còn vướng hơn rất nhiều. Vì thế, những kết quả trong báo cáo của VCCI sẽ trở thành gợi ý để tới đây, Bộ Xây Dựng sẽ tăng cường giám sát việc thực thi để cải cách mang tính rộng hơn, để mang tới sự thuận lợi không chỉ dành cho doanh nghiệp mà còn cho cả người dân nữa."