Doanh nghiệp du lịch của người cao tuổi lo nguồn nhân lực để phục hồi sau đại dịch
Kinh tế 11/09/2021 09:19
Tỉnh Thanh Hóa có trên 900 cơ sở lưu trú, với gần 200 khách sạn 1 - 5 sao; gần 150 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay, trong đó có nhiều cơ sở do NCT làm chủ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến hơn 15.000 lao động ngành du lịch tỉnh bị mất việc làm. Du lịch biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 700 khách sạn, cơ sở lưu trú phải đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, công suất sử dụng phòng chỉ đạt từ 20 - 30% và giảm gần 50% so với những năm trước khi có dịch. Đáng nói hơn, các doanh nghiệp lữ hành chịu áp lực rất lớn trong việc bồi hoàn tiền do hủy tour, lùi tour. Từ đầu năm đến nay có trên 250 đoàn với khoảng 12.500 khách báo hủy - hoãn, ước thiệt hại tiền đặt cọc dịch vụ lên đến trên 40 tỉ đồng
Dịch bệnh còn khiến một lượng lớn lao động du lịch không có việc làm, đi tìm việc làm mới. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao chiếm một phần không nhỏ. Vì vậy để khôi phục và phát triển du lịch sau đại dịch thì nguồn nhân lực du lịch cần được tăng cường đào tạo. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, để khi du lịch hồi phục hoàn toàn có thể cung cấp ra thị trường lực lượng lao động chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh.
Hàng loạt khách sạn tại Sầm Sơn ngủ đông giữa hạ |
Ông Nguyễn Văn Được (70 tuổi), chủ khách sạn Đồng Khánh, tại TP Sầm Sơn cho hay: Mùa hè năm 2020, 2021, tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy du lịch, không lên kế hoạch đi du lịch là phổ biến do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid 19. Từ trước hè chúng tôi đã đầu tư tu sửa lại hệ thống khách sạn sạch đẹp và hiện đại, thay mới các thiết bị để bảo đảm tuyệt đối an toàn, chuẩn bị đội ngũ nhân viên đầy đủ. Sau đêm khai trương, chúng tôi đã có khách đặt gần như kín chỗ. Bất ngờ dịch bùng phát trở lại, khách đặt phòng lần lượt gọi hủy rồi không thể quay trở lại, nên đành phải chấm dứt hợp đồng với hàng loạt nhân viên. Thời gian nữa nếu dịch ổn định, việc tuyển dụng nhân viên đặc biệt là những lao động có kinh nghiệm cũng là một vấn đề nan giải của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch.
Khảo sát tại khu Du lịch cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) lúc chưa có dịch Covid 19 có tới 80 - 90% khách du lịch quốc tế. Khi dịch bùng phát, khách quốc tế tại đây giảm chỉ còn 10 - 20% (chủ yếu là người nước ngoài học tập, sinh sống và làm việc tại Việt Nam), doanh thu chủ yếu là khách nội địa (chiếm 80 - 90%).
Ông Vi Văn Cỏi (67 tuổi) trú tại xã Thành Lâm, huyện Bá Thước bày tỏ: Gia đình tôi có một homestay để kinh doanh du lịch cộng đồng. Bình thường tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động của bản, nhưng giờ chỉ giữ lại một bảo vệ đã gắn bó với gia đình ngay từ những ngày đầu. Số còn lại buộc phải tìm việc khác hoặc thất nghiệp. Khi kinh doanh trở lại tôi chưa biết sẽ tìm người ở đâu, vì nguồn nhân lực dành cho ngành du lịch trên miền núi rất khan hiếm.
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Bá Thước năm 2021 |
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong kinh doanh du lịch, thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có DN do NCT làm chủ đã cố gắng giữ chân nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp này thường có nhiều cách làm hiệu quả, bởi chủ doanh nghiệp là NCT có nhiều kinh nghiệm giữ chân nhân viên, giải quyết mối quan hệ với nhân viên có tình, có lí, tạo được niềm tin trong các hợp đồng lao động. Trong đó, áp dụng hài hòa các cơ chế chính sách, phù hợp về tiền lương, điều kiện làm việc, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.
Để nâng cao chất lượng nguồn du lịch, Thanh Hóa đẩy mạnh công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế, nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, chú trọng đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Từ ngày 12 - 14/10, tại khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện năm 2021. Đây là cơ hội cho những người làm du lịch giao lưu, học hỏi, xây dựng mối liên kết đối tác nhằm đa dạng hóa các dịch vụ và sản phẩm du lịch. Qua đó, góp phần thúc đẩy mô hình du lịch cộng đồng phát triển trong chiến lược chung của du lịch huyện Bá Thước. Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng giúp các học viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển du lịch cộng đồng; kiến thức, kĩ năng phục vụ du khách; cách làm và kinh nghiệm phát triển mô hình này để các hộ làm kinh doanh du lịch cộng đồng, kể cả các gia đình NCT, có thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.
Để nhanh chóng khôi phục và phát triển du lịch sau đại dịch, những lớp tập huấn lao động du lịch tại chỗ như trên là hết sức cần thiết, không chỉ thu hút người trong độ tuổi lao động, mà cả những NCT có cơ sở kinh doanh du lịch, làm dịch vụ du lịch hoặc làm hướng dẫn viên du lịch tại bản địa. Việc làm này cần được triển khai nhanh chóng và nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh cho biết: Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch, phương tiện vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm du lịch, nhà hàng, cơ sở vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Qua đó tỉnh định hướng, hướng dẫn cho các đơn vị doanh nghiệp du lịch tập trung tiến hành kiện toàn, sắp xếp nhân sự; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ; xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất kĩ thuật; làm mới sản phẩm, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng dịch vụ…Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút khách du lịch.