Dịch Covid-19 thúc đẩy thị trường ví điện tử sôi động
Kinh tế 15/08/2021 09:36
Thị trường ví điện tử cạnh tranh quyết liệt
Bên cạnh các giao dịch thực hiện qua Mobile Banking, Internet Banking, cà thẻ, quét QR Code, thanh toán bằng nhận diện gương mặt... ví điện tử cũng là phương thức được nhiều người sử dụng trong thời gian qua. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, ví điện tử lại càng có hiệu quả phát triển.
Theo khảo sát của VISA, 57% người tiêu dùng Việt Nam có tới 3 ứng dụng ví điện tử trên điện thoại, 55% người tiêu dùng ưa thích ứng dụng có thể thực hiện tất cả các giao dịch. Bên cạnh các ví điện tử phổ biến được người dùng sử dụng nhiều như: MoMo, Moca, ZaloPay, Viettel Pay, Payoo, ShopeePay (trước đây là Airpay)… mới đây xuất hiện thêm MobiFone Pay, làm cuộc đua ví điện tử trở nên sôi động. Các cổng thanh toán, ví điện tử cũng nắm bắt cơ hội chạy rất mạnh các chương trình ưu đãi khiến cho tỉ lệ thanh toán online tăng cao.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng về thanh toán điện tử cao nhất thế giới, khoảng 35% mỗi năm, trong đó ví điện tử là phương thức thanh toán hiện đại và tiện ích được người dân ưa chuộng. Với số lượng ví điện tử (khoảng 43 ví) và các công ty công nghệ tài chính (fintech) trên 120 đơn vị, sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh quyết liệt thông qua các tiện ích và trải nghiệm thanh toán. Cuộc cạnh tranh càng sôi động, mạnh mẽ thì người dùng càng được hưởng lợi.
Covid-19 thúc đẩy thị trường ví điện tử |
Cơ hội để phát triển, bứt phá của ví điện tử phụ thuộc vào những tiện ích đa dạng, sử dụng nhanh chóng, an toàn… mang đến cho người dùng. Vì vậy, trước nhu cầu cao của người dùng về tính tiện ích trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, các công ty fintech đã và đang xây dựng một hệ sinh thái thanh toán qua ví điện tử. Ví điện tử nào sở hữu hệ sinh thái “hoàn hảo”, phục vụ đầy đủ các nhu cầu thì càng ghi điểm từ phía người dùng.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2021, có hơn 200 triệu giao dịch được thực hiện thông qua ví điện tử, với giá trị 77,7 nghìn tỉ đồng. Sự thuận tiện của ví điện tử trong thanh toán là lí do để nhiều ngân hàng “nhảy” vào mảng dịch vụ này. NHNN đánh giá ví điện tử đang hoạt động theo cơ chế người dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản thanh toán, nên không bị khống chế hạn mức thanh toán. Vì vậy, các đơn vị vận hành ví điện tử tăng cường liên kết với ngân hàng để mở rộng phạm vi chuyển tiền thanh toán cho người dùng. Ngược lại, các ngân hàng cũng mở rộng khách hàng và tận dụng được hệ sinh thái thanh toán sẵn có kết nối với các sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi...
Thúc đẩy phổ cập ví điện tử và fintech
Ví điện tử ra đời đúng với chủ trương làm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Ngoài ví điện tử của các công ty chỉ làm cổng thanh toán (ví thông thường) còn có các ví điện tử của các tổ chức tài chính tín dụng (ngân hàng). Các ngân hàng giờ cũng có ví điện tử, gắn với cả lộ trình xây dựng digital banking (ngân hàng online), trong đó có ví điện tử, tài khoản, gắn với thẻ.
Có nhiều đơn vị fintech được cấp giấy phép cho cổng thanh toán, làm ví điện tử, hay các ngân hàng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong đó có hệ thống ví gắn với thanh toán online trên digital banking. Số lượng ví điện tử nhiều có thể vượt quá nhu cầu của người dân, bởi không ít người vì khuyến mại nên mới dùng ví điển tử mới (tải app mới) nhưng dùng thường xuyên thì cũng chỉ cần một, giống như thẻ tín dụng.
Thực tế, thị trường ví điện tử thời gian gần đây phát triển khá nhanh. Riêng fintech tại Việt Nam đạt tăng trưởng đáng kể nhờ áp dụng kĩ thuật số, sự phát triển của thương mại điện tử, lợi thế tiếp cận Internet, tỉ lệ người sử dụng smartphone cao, nhu cầu tiêu dùng gia tăng cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử...
Sự tăng trưởng về số lượng ví điện tử và công ty fintech đến từ tiềm năng thị trường còn rất lớn khi tỉ lệ sử dụng ví điện tử ở Việt Nam chỉ khoảng 20%. Chỉ số này thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều đã ở trên 70%.
Thói quen sử dụng tiền mặt của người dân được hình thành từ rất lâu, để thay đổi cần có thời gian, nguồn lực về công nghệ, tài chính, pháp lí. Khuyến mãi giảm giá là một cách hiệu quả để hấp dẫn người dùng, theo tâm lí tự nhiên giúp họ có mong muốn trải nghiệm và dần thay đổi thói quen. Tuy nhiên, việc giữ được khách hàng lâu dài, thường xuyên còn do tính ổn định và vấn đề an toàn bảo mật. Dịch vụ ví điện tử cần mang giá trị hữu ích, thuận tiện và tin cậy để phát triển bền vững. Bên cạnh hệ sinh thái đa dạng, mỗi ví điện tử cần có “điểm nhấn riêng” mang tính chiến lược, tạo ra xu thế trên thị trường.
Người dùng, đặc biệt là giới trẻ sẽ dần thay đổi thói quen và hành vi, đặc biệt đối với việc mua sắm online nên các đơn vị e-commerce và online payment có thể kết hợp với các khuyến mãi nhất định để thúc đẩy người dùng thanh toán online nhiều hơn.
Để ví điện tử có thể phát triển nhanh, bền vững, thay đổi thói quen người tiêu dùng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… và không chỉ với lớp trẻ mà với cả lớp người trung, cao tuổi, tạo cơ hội cho họ tiếp cận với các hình thức thanh toán điện tử.