Đề xuất sửa đổi các chính sách, pháp luật đồng bộ về người cao tuổi
Sự kiện 25/03/2022 22:53
Theo đó, ngày 15/3/2022, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có buổi làm việc với lãnh đạo Trung ương Hội NCT Việt Nam, do ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với Hội NCT Việt Nam |
Cùng dự buổi làm việc, về phía Bộ LĐ-TB&XH có các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và Văn phòng Bộ. Về phía Hội NCT Việt Nam có các Phó Chủ tịch; các Ủy viên Ban Thường vụ, lãnh đạo Văn phòng, các Ban Trung ương Hội.
Sau khi nghe lãnh đạo Trung ương Hội NCT Việt Nam báo cáo kết quả chăm sóc và phát huy vai trò NCT giai đoạn 2016 - 2021, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021 - 2026, ý kiến của các đại biểu dự họp và các kiến nghị, đề xuất của Hội, ý kiến phát biểu của Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận một số nội dung sau:
Thời gian qua, NCT Việt Nam và công tác NCT đã được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị quan tâm sâu sắc và đã có kết quả rất đáng trân trọng. Đại đa số NCT được Nhà nước, gia đình, dòng họ và xã hội chăm lo, cải thiện điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, tuổi thọ ngày càng tăng, các chính sách, pháp luật liên quan đến NCT ngày càng đồng bộ, toàn diện, từng bước đi vào cuộc sống. Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thì mức chuẩn trợ cấp tăng lên, đối tượng thụ hưởng mở rộng, đặc biệt đã có 24 tỉnh, thành phố nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, trợ giúp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định, góp phần giúp NCT bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ kịp thời, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống. Hằng năm, “Tháng hành động vì NCT” triển khai rộng khắp và ngày càng thực chất, thu hút được đông đảo NCT và các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng. Công tác phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH và Trung ương Hội NCT Việt Nam thực hiện chặt chẽ, sâu sát ở các cấp, nhiều mô hình chăm sóc NCT được phát hiện và nhân rộng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phía trước, đòi hỏi trách nhiệm của những cán bộ làm công tác NCT tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giải pháp phù hợp để công tác NCT ngày càng hiệu quả cao hơn, nhất là giải quyết các vấn đề già hóa dân số của Việt Nam; con cháu tách ra ở riêng để NCT sống đơn thân; tình trạng bạo hành NCT, đặc biệt là phụ nữ; công tác quản lí nhà nước về lĩnh vực NCT còn cát cứ, chồng chéo, một số ngành, cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, chưa làm tròn trách nhiệm đối với NCT.
Quang cảnh buổi làm việc |
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, trên cơ sở ý kiến của các đơn vị, đặc biệt là những kiến nghị của lãnh đạo Trung ương Hội NCT Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, thời gian tới các bên liên quan cần phối hợp, tập trung giải quyết một số vấn đề trọng tâm sau:
1. Đánh giá, đề xuất sửa đổi các chính sách, pháp luật đối với NCT đồng bộ hơn, đáp ứng yêu cầu, bối cảnh, tình hình mới để đi vào cuộc sống tốt hơn nữa. Giao Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi chỉ đạo Cục Bảo trợ xã hội chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật NCT trong năm 2024, tập trung vào những vấn đề cấp thiết, đặc biệt lưu ý điều chỉnh độ tuổi hưởng chính sách bảo trợ xã hội.
Giao Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chỉ đạo đơn vị liên quan theo dõi, tham mưu việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó lưu ý các quy định với từng đối tượng cụ thể là phụ nữ, trẻ em và NCT.
2. Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ cho nhóm NCT chưa có thẻ bảo hiểm y tế (theo báo cáo hiện còn khoảng 5% tổng số NCT), đề xuất đưa vào Nghị quyết của Chính phủ nội dung giao HĐND tỉnh, thành phố bố trí ngân sách hỗ trợ nhóm đối tượng này.
3. Phát triển mạnh các trung tâm chăm sóc, trong xu hướng số người già sẽ ngày càng tăng lên. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép hình thành 6 trung tâm vùng ở 6 vùng kinh tế trọng điểm để dựng mô hình, hỗ trợ kĩ thuật các tỉnh trong khu vực thực hiện chăm sóc các trường hợp NCT có hoàn cảnh đặc biệt. Trước mắt, có thể nghiên cứu thí điểm xây dựng mô hình này tại Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật (cơ sở ở Bình Dương). Giao Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phối hợp chỉ đạo Cục Bảo trợ xã hội, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật để xuất triển khai thí điểm.
4. Về Chương trình Hành động Quốc gia về NCT, chọn một nội dung trọng tâm như: Nghiên cứu hỗ trợ mô hình NCT khởi nghiệp, bảo đảm phù hợp với sức khỏe, khả năng, nguyện vọng của NCT (như các mô hình tại Đức, Nhật Bản, Thụy Điển...); nghiên cứu, quy định riêng một số công việc dành cho NCT.
5. Nghiên cứu, đề xuất tổ chức lại mô hình cơ quan quản lí nhà nước về lĩnh vực NCT, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới, đồng tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phân công thống nhất đầu mối, phù hợp với năng nhiệm vụ của các cơ quan, bảo đảm công tác NCT ngày càng hiệu quả hơn.