Để không còn “tấc vàng” giá rẻ
Trong mắt người già 22/10/2021 11:17
Ngày nay người dân đã trở thành chủ nhân thực sự trên những thửa đất của họ. Tuy nhiên có một thực tế, khi miếng đất nào đó ngày một “vàng hóa” thì người có đất lại càng tăng nguy cơ mất “vàng”. Nguy cơ đó tăng cao cùng với diện tích, vị trí của thửa đất. Những nhà đầu tư bất động sản luôn là người phát hiện sớm nhất những thửa đất, khu đất có tiềm năng “hóa vàng”. Việc hình thành những dự án vì mục tiêu “phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)” nhằm vào những mảnh đất tiềm năng là kinh nghiệm và trong tầm tay của họ.
Tác động, vận động hành lang để điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh và ban hành chính sách cũng không phải là chuyện khó khăn bởi các nhà đầu tư luôn ở thế “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.
Nhiều Dự án bỏ hoang hàng chục năm nay. |
Vấn đề cốt yếu ở chỗ giá đất đai hiện đang được quyết định bởi người có thẩm quyền trong khi đây cũng là một loại hàng hóa đặc biệt trên thị trường. Bảng giá đất của các địa phương chưa bao giờ phản ánh đúng hoặc sát giá trị thực của thị trường, mức chênh lệch luôn tới hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Sự chênh lệch địa tô là nguồn cơn của tiêu cực, tham nhũng liên quan đến thu hồi đất và giao đất. Nếu người dân sở hữu đất được thỏa thuận về giá phù hợp giá cả thị trường mỗi khi bị thu hồi cho dự án KT-XH (có lợi nhuận) thì chênh lệch địa tô sẽ chẳng còn quá hấp dẫn như hiện nay. Được thỏa thuận giá khi bị thu hồi đất, người được bồi thường sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế chuyển nhượng đất cho Nhà nước và sẽ không còn chuyện cả người dân lẫn Nhà nước bị thiệt hại trong khi chủ dự án bất động sản hưởng lợi. Khi mức chênh lệch về giá không còn quá lớn sẽ hạn chế được những chuyện “đi đêm”, vận động hành lang để trục lợi.
Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, quy định thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng là một khái niệm quá rộng, là nội dung dễ bị lợi dụng. Đơn cử như quy định Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh được thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp... “Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn…”. Vậy những dự án bất động sản thương mại có phải là phát triển KT-XH và có được xây dựng trong khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới hoặc chỉnh trang đô thị? Đất đai của người dân ven đô đang đô thị hóa hiện nay đều không lọt khỏi “tầm ngắm” của giới kinh doanh bất động sản.
Tôn trọng quy luật thị trường, tôn trọng quyền lợi của người sử dụng đất sẽ là chốt chặn hiệu quả nhất với nạn tham nhũng đất đai, hạn chế tình trạng khiếu kiện và bức xúc của người dân.