Đảm bảo vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia, thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay
Xã hội 22/12/2022 13:11
Chiều 8/12, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An đã tiến hành phiên chất vấn đối với nội dung về bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo cơ cấu quy định của từng chương trình, dự án, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh và bền vững.
Ông Trịnh Thanh Hả, Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An khẳng định: Việc bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia hoàn toàn đảm bảo. |
Các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An được thực hiện trên địa bàn 11 huyện miền núi với 131 xã khu vực I và khu vực III, 588 thôn, bản đặc biệt khó khăn nên có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.Chính vì vậy, nội dung này, nhận được sự quan tâm, chất vấn sôi nổi của các đại biểu HĐND tỉnh, đã có 11 đại biểu nêu 18 câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Tài chính và các ngành liên quan.Trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Thanh Hải, Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An khẳng định, việc bố trí vốn đối ứng của Nghệ An cho các chương trình mục tiêu quốc gia hoàn toàn đảm bảo nên không xảy ra trường hợp Nghệ An bị cắt vốn. Ông Hải nêu 3 lý do để minh chứng cho việc Nghệ An sẽ bố trí đủ vốn đối ứng. Trước hết là trong quá trình triển khai thực hiện, quan điểm chỉ đạo, điều hành xuyên suốt của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An là ưu tiên bố trí vốn cho công trình, dự án thuộc các địa bàn miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.Chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan đã tiến hành chủ động nắm bắt nhu cầu của địa phương, xây dựng các đề án, dự án, chương trình phù hợp, cùng nội dung, cùng mục tiêu với các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện.Các cấp chính quyền của tỉnh cũng đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm bố trí vốn đối ứng khi triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, Nghệ An cũng rất quan tâm ban hành sớm các văn bản pháp lý giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương để phê duyệt các dự án và giao vốn để khẩn trương triển khai thực hiện.
Giai đoạn 2021 - 2025, Nghệ An triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kế hoạch vốn dự kiến là hơn 10.722 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương bố trí là hơn 7.595 tỷ đồng, kinh phí đối ứng địa phương phải bố trí là hơn 3.127 tỷ đồng (trong đó từ nguồn vốn đầu tư phát triển là gần 2.225 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp gần 706 tỷ đồng).Để thực hiện các chương trình, đề án, cơ chế chính sách trên địa bàn dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025, Nghệ An bố trí kinh phí đối ứng vốn sự nghiệp là 1.300 tỷ đồng, đảm bảo vượt tỷ lệ quy định của Trung ương, còn từ nguồn đầu tư phát triển khoảng 1.500 tỷ đồng.Về vấn đề thanh quyết toán, Sở Tài chính đã tham mưu theo hướng rút gọn, phân cấp cho UBND cấp xã thẩm tra việc quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí thực hiện theo cơ chế đặc thù có tổng mức từ 500 triệu đồng đến dưới 5 tỷ đồng. Cho phép UBND cấp xã không thực hiện quyết toán dự án hoàn thành đối với các công trình có tổng mức dưới 500 triệu đồng mà tổng hợp quyết toán ngân sách theo niên độ và báo cáo UBND cấp huyện tổng hợp quyết toán theo quy định.
Năm 2022, mặc dù bị tác động bởi nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của Nghệ An vẫn đạt được những kết quả rất tích cực. Kinh tế - xã hội được phục hồi và phát triển trên tất cả các ngành, các lĩnh vực với 27/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt kế hoạch đã đề ra. Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 20.350 tỷ đồng, tăng 35,7% so với dự toán và bằng 101,8% so với năm 2021. Đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Cũng trong dịp này, tỉnh Nghệ An đã lên kế hoạch đảm bảo chính sách cho người có công, an sinh xã hội nói chung, người cao tuổi nói riêng trong dịp tết Quý Mão 2023 với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương gần 25,5 tỷ, ngân sách tỉnh hơn 25,1 tỷ, ngân sách huyện, xã hơn 19,8 tỷ đồng. Tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà và Thiệp mừng thọ hàng ngàn cụ tuổi chẵn từ 70 đến 95 tuổi. Trình Chủ tịch nước tặng Thiệp mừng thọ cho 685 cụ thọ 100 tuổi. Chỉ đạo kịp thời để các địa phương hoàn thành việc tặng quà cho các cụ trước ngày 28/12/2022 (tức ngày 6/12/2022 âm lịch).