Đại thủy nông Bắc Hưng Hải kêu cứu: Ai đã giết chết "biểu tượng" một thời? (Bài cuối)
Xã hội 05/08/2020 15:34
Đại thủy nông Bắc Hưng Hải kêu cứu: 'Oằn mình' sống chung với bệnh tật (Bài 2) Đại thủy nông Bắc Hưng Hải kêu cứu: Phải bỏ nhà đi ở nơi khác vì ô nhiễm (Bài 1) |
Dòng Bắc Hưng Hải những năm gần đây ô nhiễm nghiêm trọng đến mức tháng Tư vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên đã phải chỉ đạo tạm dừng bơm tưới nhiều nơi do sông Bắc Hưng Hải ô nhiễm.
Qua tìm hiểu, việc đổ ải vụ xuân – hè năm nay của các địa phương trong lưu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi, khi nước sông Hồng xuống thấp, không tháo được vào sông Bắc Hưng Hải để làm loãng dòng nước đen kịt như dầu luyn.
Do tình trạng ô nhiễm quá khủng khiếp, Sở NN&PTNT Hưng Yên phải cho dừng bơm tưới nhiều nơi. |
Chính vì tình thế quá cấp bách, hàng nghìn người dân đã đi tìm câu trả lời “Ai đã giết chết dòng Bắc Hưng Hải?”. Anh Thuấn cho hay, anh cùng hơn năm nghìn thành viên trong xóm xác định: “Đây là một cuộc chiến, chúng tôi xác định không phải trong một vài tháng, một vài năm, mà đến năm - mười năm chúng tôi cũng sẽ theo”.
Các anh đã cắt cử hơn bốn mươi thành viên thường xuyên đi “truy”, tìm xem nguồn nào đã đầu độc dòng sông huyền thoại. Trong hơn hai ngàn kênh nhánh, “thủ phạm” nhanh chóng được xác định.
Nước sông đặc quánh như dầu luyn nên việc canh tác của bà con cũng bị ảnh hưởng rất lớn. |
Trong đơn kêu cứu của bà con Hưng Yên, hai nguồn thải được truy ra là: Nguồn nước thải của khu công nghiệp Tân Quang (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và nguồn nước thải của khu công nghiệp Sài Đồng (quận Long Biên, TP.Hà Nội) chảy qua sông Cầu Bây rồi xả trực tiếp ra sông Bắc Hưng Hải qua cống Xuân Thụy (xã Kiêu Kị, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội).
Ở cống Xuân Thụy gần nhà ông Oanh, nước mặt sông Cầu Bây xanh lẹt, nhưng ở chân cống, nước chảy ra cửa sông, đổ vào dòng Bắc Hưng Hải chỉ một màu đen kịt.
Những ngày không xả, dòng nước đen vẫn đều đặn chảy, lấn dần màu nước sông Hồng đã được đổ vào sông Bắc Hưng Hải.
Còn khi tháo cống Xuân Thụy, nước Bắc Hưng Hải hoàn toàn bị nhuộm đen, bọt trắng nổi dài hàng trăm mét, có những đợt nước đen chảy ngược cả lên phía thượng nguồn, đến tận gần cửa cống Xuân Quan.
Mục sở thị 13km chiều dài sông Cầu Bây mới thấy nó thực sự kinh khủng. Nhánh sông chết này chạy qua các khu dân cư, bốc mùi nặng hơn nhiều lần nước sông Bắc Hưng Hải.
Đây cũng là con sông được xác định là nguyên nhân chính làm sông Bắc Hưng Hải chảy qua các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ (Hưng Yên) nói riêng, và hầu hết hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (cùng các kênh nhánh) nói chung bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nghĩ về tương lai của con cháu mình người dân ở đây không giấu được sự lo lắng. |
Phía đông hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, nguồn “đầu độc” được xác định là kênh T2 - dòng kênh tiêu nước thải dân cư, bệnh viện, cụm công nghiệp của toàn bộ TP.Hải Dương (tỉnh Hải Dương).
Ở Bắc Ninh xác định được 30 điểm xả thải vào các dòng kênh nhánh, nguồn nước này đổ ra sông Như Quỳnh trước khi góp phần nhuộm đen dòng Bắc Hưng Hải.
Trong 30 điểm xả thải đó, có những nguồn thải là các làng nghề, đặc biệt nhất là làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Trong ba năm gần đây, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường đã phát hiện hàng loạt vụ vi phảm xả thải chưa qua xử lý ra sông Bắc Hưng Hải. Hai năm nay, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương đã lập các điểm quan trắc tự động để kiểm soát các nguồn xả thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên mức độ ô nhiêm chỉ giảm đôi chút so với khi chưa quan trắc tự động. Đại diện Chi cục bảo vệ Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, hầu hết các mẫu phân tích trong mạng lưới quan trắc năm 2019 đều có thông số vượt nhiều lần so với quy chuẩn.
Đầu năm 2020, tỉnh Hưng Yên cũng đã phát hiện và tạm dừng hoạt động của một số đơn vị do vi phảm xả thải chưa qua xử lý ra sông Bắc Hưng Hải.
Được biết, phương án mới được đưa ra để giảm thiểu ô nhiễm hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải là thường xuyên bơm nước sông Hồng để “rửa” ô nhiễm. Có thể thấy rõ đây chỉ là phương án tạm thời để giải quyết phần ngọn của thảm trạng ô nhiễm trong hệ thống sông Bắc Hưng Hải.
Con gái bà Xuân phát hiện ung thư khi đang học lớp 9. |
Cốt lõi vẫn phải là kiểm soát ô nhiễm từ nguồn xả thải. Nghị định 53/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ 1/7/2020, quy định phí bảo vệ môi trường (BVMT), theo đó, mức phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch với nước thải công nghiệp, cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi) năm 2020, áp dụng mức phí BVMT 1.500.000 đồng/năm; kể từ ngày 1/1/2021 trở đi là 4.000.000 đồng/năm… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức phí thu này không thấm vào đâu so với kinh phí phải bỏ ra để xử lý ô nhiễm.
Nói như của ông Hoàng Dương Tùng (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), thì môi trường ngày càng ô nhiễm vì các hành vi xả thải là do chế tài của ta chưa đủ mạnh.
Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (Nghị định số 36/2020/NĐ-CP), mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức (trước đó, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thì mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức).
Ông Tùng phân tích: “Với chế tài hiện nay, thì kể cả mức phạt là 2 tỷ đồng cũng không đủ răn đe. Hiện nay nước ta phạt theo hành vi, nhưng cách phạt này không đủ răn đe vì chi phí người bị phạt bỏ ra ít hơn rất nhiều so với chi phí xây dựng, vận hàng hệ thống xử thải. Với mức phạt 1-2 tỷ đồng theo hành vi đó, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt, thay cho việc phải đầu tư hệ thống xử thải mấy chục tỷ đồng. Nhiều nước hiện nay đã bỏ việc xử phạt theo hành vi mà phạt theo ngày. Chỉ khi nào số tiền nộp phạt xả thải lớn hơn số tiền xây dựng, vận hành hệ thống xử thải, thì khi đó doanh nghiệp mới không xả thải chưa qua xử lý ra môi trường nữa”.
Đại thủy nông Bắc Hưng Hải kêu cứu: 'Oằn mình' sống chung với bệnh tật (Bài 2) Ô nhiễm môi trường trên sông Bắc Hưng Hải (đoạn chảy qua địa bàn xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đang từng ... |
Đại thủy nông Bắc Hưng Hải kêu cứu: Phải bỏ nhà đi ở nơi khác vì ô nhiễm (Bài 1) Bắc Hưng Hải xưa nay nổi tiếng là một công trình biểu tượng cho tinh thần “sẵn sàng đi bất cứ đâu”, một công trình ... |