Cứu sống cụ ông nhồi máu cơ tim, ngưng tim, ngưng thở
Tin tức 19/05/2020 16:08
Cụ Võ Văn Nê (86 tuổi, ở TP Cần Thơ) đột ngột khó thở, mệt nhiều và nặng ngực nên được người nhà đưa tới khám tại Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt. Bệnh nhân sau đó được chuyển đến một bệnh viện khác tại quận Ninh Kiều. Khoảng 30 phút sau, bệnh nhân đột ngột gồng người, ngưng tim, ngưng thở, tím tái.
Các bác sĩ lập tức xoa bóp tim ngoài lồng ngực, sốc điện, đặt nội khí quản, bóp bóng hỗ trợ, sử dụng Adrenalin tĩnh mạch và chuyển nhanh tới Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ.
Bệnh nhân 86 tuổi đang được theo dõi, điều trị tích cực. Ảnh: BV cung cấp |
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp thành dưới giờ thứ 4 biến chứng ngưng tim do rối loạn nhịp (rung thất) đã cấp cứu thành công. Bệnh nhân được chỉ định chụp, can thiệp mạch vành cấp cứu và chuyển thẳng đến phòng can thiệp.
Các bác sĩ tiến hành dùng bóng nong động mạch vành phải và đặt một stent phủ thuốc. Thời gian tái thông mạch vành 20 phút.
Hình ảnh tắc động mạch vành. |
Sau can thiệp tái thông, huyết động của bệnh nhân cải thiện rõ, sinh tồn ổn định và được đưa về Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để theo dõi và hồi sức nội khoa. Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Và sau khi được tái thông. |
Một trường hợp bệnh nhân khác cũng ngưng tim, ngưng thở được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cứu sống mới đây là Nguyễn Thị L. (49 tuổi, ở quận Ninh Kiều). Nữ bệnh nhân đột ngột đau ngực trái, cảm giác tim bị đè nặng, bóp nghẹt. Cơn đau ngực kéo dài hơn 30 phút nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp thành dưới giờ thứ nhất.
Sau 15 phút nhập viện, bệnh nhân đột ngột ngưng tim, mạch và huyết áp bằng 0. Các bác sĩ lập tức xoa bóp tim ngoài lồng ngực, shock điện 2 lần. Sau cấp cứu, bệnh nhân có nhịp tim trở lại và nhanh chóng được chuyển đến phòng thông tim.
Bác sĩ xử trí hút huyết khối và can thiệp đặt stent tái thông mạch vành phải trong 45 phút. Sau can thiệp tái thông mạch vành, tình trạng bệnh tiến triển tốt, hết đau ngực, huyết động ổn định.
BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, người cao tuổi bị hội chứng vành cấp chiếm tỷ lệ cao. Ở người già nhồi máu cơ tim cấp có thể hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng rất mờ nhạt làm cho cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc đều không nhận ra.
“Nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngưng tim, ngưng thở đã được cứu sống tại BV, nhưng cụ Nê là bệnh nhân cao tuổi nhất biến chứng ngưng tuần hoàn được điều trị thành công tại BV”, BS Phong nói.