Cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long lĩnh án 15 năm tù
Tin tức 26/04/2023 15:38
Bị cáo Phạm Hồng Hà tại phiên tuyên án. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN) |
Sau 4 ngày xét xử và nghị án, ngày 25/4, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên án phạt 28 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản," "Tham ô tài sản," "Nhận hối lộ," "Đưa hối lộ," "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước," "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị hại đã đề xuất xin giảm nhẹ mức án cho các bị cáo.
Đây là vụ án điểm về phòng, chống tham nhũng, lãng phí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh theo dõi, chỉ đạo.
Quá trình điều tra và xét xử độc lập, thể hiện sự công minh. Vụ án thể hiện việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đây cũng là vụ án có nhiều bị cáo là đảng viên, giữ chức vụ quan trọng. Qua đó răn đe, cảnh tỉnh những người có ý định tham nhũng, chiếm đoạt tài sản.
Tòa đã tuyên phạt cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long Phạm Hồng Hà 15 năm tù về hai tội "Tham ô tài sản" và "Nhận hối lộ"; quy định tại khoản 4, Điều 353 và khoản 2, Điều 354 của Bộ luật Hình sự.
Các lãnh đạo thuộc Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3 gồm Phạm Văn Phả (Chủ tịch Hội đồng Quản trị) và Đỗ Công Hào (Giám đốc) cùng chung mức án 30 năm tù; Phạm Văn Chinh (Phó Giám đốc) 19 năm, Ngô Thị Thu Lư (Phó Giám đốc) 27 năm tù với các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản," "Tham ô tài sản" và "Đưa hối lộ."
Bị cáo Đoàn Duy Khánh (nguyên Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ cơ khí công trình) tổng mức án 17 năm tù về tội "Tham ô tài sản" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."
Các bị cáo thuộc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long gồm Bùi Sỹ Giáp (nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Tu bổ và Tôn tạo cảnh quan) tổng mức án 13 năm tù, Phạm Thái Dương (nguyên nhân viên Phòng Cảnh quan) tổng mức án 10 năm tù với tội danh "Tham ô tài sản" và "Nhận hối lộ."
Ngoài ra, các bị cáo khác nhận mức án từ 2 năm đến 6 năm 6 tháng tù. Các bị cáo bị yêu cầu bồi thường số tiền gây thiệt hại và chiếm đoạt hơn 28 tỷ đồng.
Các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình và khẳng định Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Nói lời sau cùng, các bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn, hối hận vì các hành vi phạm tội của mình; hứa sẽ khắc phục hậu quả và mong muốn được hưởng sự khoan hồng, cải tạo tốt để sớm có cơ hội trở về với gia đình, xã hội, làm lại cuộc đời. Một số bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả hơn 1,2 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước; tổn hại đến lợi ích của tập thể, cơ quan đơn vị, người thân và gia đình.
Mức hình phạt là thích đáng, đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng và nhân văn của pháp luật, triệt để thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát do tội phạm tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... tạo tính cảnh báo, răn đe giáo dục trong xã hội.
Bản án sơ thẩm nhận định từ năm 2017 đến năm 2021, Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3 (Khu 2, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã ký kết, thực hiện các hợp đồng quản lý, bảo trì, xây lắp biển báo hiệu điều tiết đảm bảo giao thông với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và một số chủ đầu tư khác.
Quá trình triển khai, các bị cáo là lãnh đạo Công ty đã thông đồng với một số cá nhân trong và ngoài Công ty để bớt khối lượng công việc so với hợp đồng, lập khống sổ sách nghiệm thu, chiếm đoạt tiền của một số chủ đầu tư; tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ đối với các hợp đồng ký kết với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, đồng thời tham ô tài sản của chính Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3.
Các bị cáo đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Cục Đường Thủy nội địa Việt Nam với tổng số tiền trên 17,7 tỷ đồng.
Việc bớt xén được thực hiện theo 2 hình thức là lập khống toàn bộ hợp đồng thuê phương tiện của đơn vị khác và sử dụng hồ sơ khống để nghiệm thu, thanh toán với Cục Đường thủy Việt Nam; bớt xén khối lượng đối với các hạng mục công việc trong hợp đồng khó kiểm tra, phát hiện việc bớt xén khi kiểm tra thực tế.
Ngoài ra, các bị cáo cũng đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các chủ đầu tư khác như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Đông Triều (hơn 2,63 tỷ đồng); Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh (gần 1,73 tỷ đồng); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn (hơn 1,5 tỷ đồng).
Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN) |
Bản án sơ thẩm cũng nêu rõ trong thời gian từ năm 2017-2021, Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3 đã ký kết 18 hợp đồng với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, tổng giá trị là gần 70 tỷ đồng.
Căn cứ hồ sơ, tài liệu các đối tượng đã lập hồ sơ nghiệm thu khống, chiếm đoạt tài sản qua 4 hợp đồng quản lý, bảo trì trên 4,5 tỷ đồng.
Đối với 4 hợp đồng đầu tư, xây lắp không bớt xén được khối lượng công việc, tổng số tiền Phạm Văn Phả và các bị cáo thuộc Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3 đã trích lại cho Phạm Hồng Hà, Bùi Sỹ Giáp và Phạm Thái Dương là 517 triệu đồng.
Sau khi trúng thầu, ký kết thực hiện hợp đồng, Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3 cũng đã đưa lại tiền phần trăm cho Phạm Hồng Hà, Bùi Sỹ Giáp và Phạm Thái Dương đúng theo tỷ lệ thống nhất ban đầu.
Cụ thể, Phạm Văn Phả trực tiếp đưa tiền cho Phạm Hồng Hà 6 lần với tổng số tiền 725 triệu đồng; Bùi Sỹ Giáp được nhận 7 lần với tổng số tiền là 723 triệu đồng; Phạm Thái Dương được nhận 9 lần với tổng số tiền 168,5 triệu đồng.
Ngoài ra, quá trình điều tra xác định, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3 đã lập khống hồ sơ thuê nhân công của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Mai Hoàng 69 và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư Chung Hoa của Trịnh Thị Minh Hoa để tham ô tài sản của chính Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3.
Theo chỉ đạo, Bùi Nhật Lệ đã liên hệ Trịnh Thị Minh Hoa đặt vấn đề mua 24 hóa đơn được lập theo 22 hợp đồng khống thuê nhân công với tổng giá trị gần 8,3 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận, Trịnh Thị Minh Hoa được nhận tiền bán hóa đơn 2-4% với tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Còn Bùi Nhật Lệ nhận gần 344 triệu đồng.
Từ kết quả điều tra, ngày 6/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh, đã bắt tạm giam các bị can thuộc Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3 là Phạm Văn Phả, Đỗ Công Hào, Phạm Văn Chinh. Mở rộng điều tra, ngày 10/5/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt tạm giam tiếp Bùi Sĩ Giáp và Phạm Thái Dương.
Đến ngày 14/5/2022, Phạm Hồng Hà, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt tạm giam.
Cựu Chủ tịch TP Hạ Long bị cáo buộc 6 lần nhận hối lộ với số tiền 725 triệu đồng NMO - Sáng 19/4, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm Phạm Hồng Hà cùng 27 bị cáo trong vụ án “Lừa ... |
Diễn biến mới nhất vụ tiếp viên hàng không xách ma túy Sáng 26/4, Công an TP. Hồ Chí Minh đã thông tin chính thức vụ liên quan đến các tiếp viên hàng không xách ma túy ... |
Vụ "chuyến bay giải cứu": Truy tố 54 bị can, nhiều người bị áp dụng khung hình phạt cao nhất là tử hình NMO - Sáng 19/4, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tống đạt cáo trạng truy tố 54 bị can trong vụ “Đưa hối lộ, ... |